Nuôi thỏ New Zeland khép kín
Tháng 3/2014, trên vùng đất gò đồi rộng 22 ha tại khu 916, xã Cổ Đông, anh Toản cùng hai anh trai đã đầu tư góp vốn xây trại nuôi thỏ với diện tích 5 ha bao gồm 4 chuồng nuôi và khu trồng cỏ voi.
Anh Toản kể lại, sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, anh nhận thấy nuôi thỏ nếu biết cách chăm sóc sẽ cho lợi nhuận kinh tế cao vì đầu ra hiện nay của thỏ tương đối tốt, giá cả ổn định.
Đặc biệt giống thỏ New Zeland có đặc điểm sinh sản tốt, ít bệnh tật, thích hợp với điều kiện thời tiết của nước ta. Vì vậy, dù còn khó khăn về vốn đầu tư nhưng anh vẫn quyết tâm nuôi ước mơ làm giàu từ con thỏ.
Với khởi điểm ban đầu là 1.700 con thỏ New Zeland, được anh chọn lọc thu mua từ Hà Nội, Bắc Ninh. Đến thời điểm này, trang trại của anh đã phát triển gần 10.000 con, trong đó 6.000 thỏ giống, còn lại là thỏ thương phẩm.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi thỏ, anh Toản cho biết: “Thỏ là con vật không khó nuôi, nhưng là loài vật đường ruột yếu, dễ tiêu chảy nên thức ăn, nước uống phải sạch sẽ; đặc biệt không được để thiếu nước. Căn bệnh phổ biến của thỏ là bệnh bại huyết, phải tiêm phòng vacxin định kỳ 6 tháng/lần. Cần chú ý khi thỏ bị bệnh ghẻ để kịp thời chữa trị”.
Khác với hầu hết các trại thỏ khác, chuồng thỏ của anh Toản đều xây dựng theo mô hình khép kín và phải thực hiện các quy định rất ngặt nghèo. Vì thế, khi vừa bước vào cửa chuồng phải mặc áo blu sát trùng.
Giải thích về quy định có phần “cầu kỳ” này, KS chăn nuôi Vũ Chí Kiên đang làm việc ở đây chia sẻ: “Vì thỏ khá mẫn cảm nên trước khi vào chuồng cần phải mặc áo sát trùng để giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh cho chúng”.
Chuồng thỏ của anh Toản được thiết kế rất hiện đại, theo hướng chăn nuôi công nghiệp. Anh Toản nói, anh học tập mô hình này theo kiểu của Thái Lan. Khu chuồng thỏ được xây kiên cố, khép kín và có hệ thống quạt gió để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho thỏ trong mọi điều kiện thời tiết.
Toàn bộ lồng nuôi thỏ được làm bằng sắt chắc chắn, có hệ thống nước uống tự động. Các lồng nuôi được đặt cách mặt nền bê tông khoảng 50 cm để thỏ luôn sạch sẽ, khô ráo. Phân thỏ được xử lý trong hầm biogas, đảm bảo môi trường và tiết kiệm nhiên liệu.
Thành phần thức ăn của thỏ gồm 70% rau cỏ và 30% cám công nghiệp. Thỏ ăn được hầu hết các loại rau cỏ nên chi phí đầu tư thức ăn cho thỏ được hạn chế. Thỏ là động vật nuôi ngắn ngày, giống thỏ ta phải nuôi 120 ngày mới có thể xuất bán, nhưng giống thỏ New Zeland chỉ 90 - 100 ngày.
Với thỏ thương phẩm, từ khi tách đàn đến khi xuất chuồng đạt trung bình 3 kg. Hiện giá thỏ thương phẩm là 85.000 đ/kg, thỏ giống là 150.000 đ/kg. Một năm, một con thỏ mẹ đẻ được 6 - 7 lứa, mỗi lứa từ 7 - 8 con.
Với sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm cùng với quá trình học hỏi, trang trại của anh Toản đang “nhả ngọc” trên vùng đất gò đồi, không chỉ giúp gia đình anh phát triển kinh tế mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nhìn cơ ngơi này, có lẽ ai cũng phải thán phục vì chủ nhân của nó lại một người trẻ tuổi như anh Toản.
Anh Toản chia sẻ thêm, với 22 ha đất gò đồi anh dự tính sẽ chia làm 3 khu chăn nuôi. Trong tương lai, nếu tiếp cận được nguồn vốn vay của nhà nước, anh sẽ tiếp tục thực hiện những ấp ủ của mình. Khi đó, anh sẽ ký hợp đồng với Cty Dược phẩm Nippon Zoki (Nhật Bản) tại Bắc Ninh, cung cấp thỏ để SX thuốc chữa trầm cảm.
Thỏ New Zeland có lông dày màu trắng huyết, mắt hồng. Thỏ trưởng thành có trọng lượng 5 - 5,5 kg/con. So với thỏ truyền thống của Việt Nam, giống thỏ này mắn đẻ hơn, sinh trưởng và phát triển nhanh. Thỏ cho nhiều thịt, thịt mềm và thơm ngon. Tuổi động dục lần đầu từ 4 - 4,5 tháng, tuổi phối giống lần đầu là 5 - 6 tháng.
Có thể bạn quan tâm
Ông Trương Hữu Thông – Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cho biết: “Hiện nay, do giải quyết “bài toán” quy hoạch vùng nuôi tôm giống còn dang dở khiến cho các doanh nghiệp vùng tôm danh tiếng ở Tuy Phong đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc”.
Nghề nuôi và khai thác nghêu ở các bãi bồi ven biển là nguồn sinh kế quan trọng đối với cộng đồng dân cư ven biển. Đó là thông tin tại hội thảo “Mối liên hệ giữa rừng ngập mặn và nguồn lợi nghêu”, do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) thông qua Sáng kiến rừng ngập mặn cho tương lai (MFF) phối hợp cùng Viện Sinh học nhiệt đới (ITB) vừa tổ chức tại TP HCM.
Là loài cá nước mặn, sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, nhưng cá bống bớp đã “bén duyên” và gắn bó trong “ao nhà” ở vùng đất Nghĩa Hưng (Nam Định) từ hơn 20 năm trước, khi những ngư dân bắt được cá bé sau mỗi chuyến ra khơi đã gom góp lại nuôi trong ao.
Sản lượng tôm của Trung Quốc và Thái Lan giảm mạnh do ảnh hưởng của Hội chứng tôm chết sớm (EMS) là nguyên nhân chính dẫn tới NK tôm từ 2 nước này giảm sút. Theo đó, các nguồn cung khác như Việt Nam, Ấn Độ hay Indonesia tận dụng cơ hội này mở rộng thị trường. NK tôm Indonesia vào Hàn Quốc trong 9 tháng đầu năm nay tăng tới 311,7%.
Tận dụng tiềm năng, lợi thế về đất đai tại địa phương, những năm qua nhiều gia đình ở thôn Quèn Thờ, xã Đông Sơn (thị xã Tam Điệp) đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình nuôi trồng cây con đặc sản, gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Hướng phát triển sản xuất này giúp cho nhiều gia đình trong thôn vươn lên thoát nghèo, từng bước cải thiện đời sống.