Cà Đú Mùa Nho Chín
Ít ai ngờ dưới chân núi Cà Đú nắng tháng tư khô khốc là những vườn nho đang mùa cho trái ngọt. Vườn nho tiếp nối vườn nho lá xanh biêng biếc, trái chín treo chật cành. Nông dân địa phương đoàn kết nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu trên vùng đất sỏi bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Về Cà Đú, chúng tôi gặp nhịp sống hối hả của nông dân đang vào mùa thu hoạch nho. Ngừng tay xếp những chùm nho trái chín căng tròn vào thùng giấy, chị Võ Thị Ngà, 42 tuổi thương lái thu mua nho nói: “Có lẽ do chất đất và thời tiết Cà Đú thích hợp cây nho nên thịt giòn, vị ngọt, hương thơm được thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ưa chuộng.
Thương lái sẵn sàng mua nho Cà Đú cao hơn những nơi khác một vài giá. Vườn nho anh Bảy Long rộng khoảng 2,5 sào, em vừa mua trọn giàn với giá 130 triệu đồng. Vụ đông xuân năm nay cây nho Cà Đú được mùa được giá, bà con nhà vườn phấn khởi lắm”.
Anh Nguyễn Văn Thi 56 tuổi là một trong những nông dân trồng nho giỏi ở Cà Đú. Với ba sào nho trừ hết chi phí đầu tư và nhu cầu tiêu dùng gia đình bốn nhân khẩu, mỗi năm anh còn dành dụm 150 triệu đồng để “dưỡng già”. Chỉ tay lên giàn nho trái còn xanh, anh Thi phấn khởi nói:”Gia đình tui trồng ba sào nho vụ đông-xuân năng suất ước đạt 2 tấn/sào.
Trái mới đóng chặt chùm mà bạn hàng đã đặt tiền trước với giá thu mua 20.000 đồng/kg. Vùng đất Cà Đú tuy sỏi đá nhưng rất thích hợp với cây nho đỏ đem lại giá trị kinh tế cao giúp bà con nông dân tụi tui có cuộc sống ổn định”.
Khu phố Cà Đú có 185 hộ, với 763 nhân khẩu canh tác 42 ha đất chuyên trồng nho chủ động bơm tưới từ mương Ngòi. Từ năm 1992 trở về trước, Cà Đú là khu dân cư kinh tế khó khăn nhất của thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải. Đất đai sỏi đá, nông dân trồng bắp, trồng đậu xanh thu nhập thấp.
Nhiều gia đình phải lặn lội khắp nơi làm thuê cuốc mướn đắp đổi qua ngày. Sau khi chuyển dịch từ cây màu sang trồng cây nho đỏ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao đã cải thiện căn bản đời sống nông dân. Nhiều gia đình đã xây được nhà ở khang trang, nuôi con ăn học chu đáo. Tính đến cuối năm 2012, khu phố Cà Đú còn 11 hộ nghèo do già yếu neo đơn, thiếu sức lao động.
Anh Hà Hoàng, 60 tuổi, trưởng khu phố Cà Đú cho biết tuy sinh trưởng trên vùng đất sỏi dưới chân núi đá nhưng cây nho cho năng suất, chất lượng cao. Do điều kiện thời tiết ít sương muối, đất thoát nước tốt nên cây nho ít sâu bệnh hại, sau một năm xuống gốc bắt đầu cho thu hoạch trái chiến. Bà con đầu tư thâm canh theo hướng sản xuất nho an toàn đưa các chế phẩm sinh học vào canh tác.
Nông dân Cà Đú đang hoàn tất thủ tục đăng ký trồng nho theo tiêu chuẩn Vietgrap bảo đảm chất lượng nông sản hàng hóa. Sau 38 năm quê hương hoàn toàn giải phóng, nhân dân Cà Đú đoàn kết vươn lên làm ăn bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm chung tay xây dựng nông thôn Khánh Hải phồn vinh.
Có thể bạn quan tâm
Từ khi ông tự làm được meo giống nấm và sáng chế ra thiết bị bảo đảm tối đa nhiệt khử trùng phôi nấm khiến tỷ lệ bịch phôi đạt thành phẩm tăng đến gần 100%
Để có được thịt lợn sạch tiêu thụ ra thị trường, ông Hà Trọng Tuấn đã trộn thêm một số loại thảo dược, giun quế vào khâu chế biến thức ăn cho đàn lợn.
Bỏ việc với mức lương hấp dẫn, kỹ sư Ngô Hữu Anh Khôi (Vĩnh Long) cùng vợ về quê tự chế mô hình trồng rau thủy canh, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã và đang trở thành hướng phát triển giúp nhiều người dân vươn lên làm giàu.
Nhiều hộ dân đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.