Nuôi thỏ New Zeland khép kín

Tháng 3/2014, trên vùng đất gò đồi rộng 22 ha tại khu 916, xã Cổ Đông, anh Toản cùng hai anh trai đã đầu tư góp vốn xây trại nuôi thỏ với diện tích 5 ha bao gồm 4 chuồng nuôi và khu trồng cỏ voi.
Anh Toản kể lại, sau khi tìm hiểu và nghiên cứu, anh nhận thấy nuôi thỏ nếu biết cách chăm sóc sẽ cho lợi nhuận kinh tế cao vì đầu ra hiện nay của thỏ tương đối tốt, giá cả ổn định.
Đặc biệt giống thỏ New Zeland có đặc điểm sinh sản tốt, ít bệnh tật, thích hợp với điều kiện thời tiết của nước ta. Vì vậy, dù còn khó khăn về vốn đầu tư nhưng anh vẫn quyết tâm nuôi ước mơ làm giàu từ con thỏ.
Với khởi điểm ban đầu là 1.700 con thỏ New Zeland, được anh chọn lọc thu mua từ Hà Nội, Bắc Ninh. Đến thời điểm này, trang trại của anh đã phát triển gần 10.000 con, trong đó 6.000 thỏ giống, còn lại là thỏ thương phẩm.
Chia sẻ về kỹ thuật nuôi thỏ, anh Toản cho biết: “Thỏ là con vật không khó nuôi, nhưng là loài vật đường ruột yếu, dễ tiêu chảy nên thức ăn, nước uống phải sạch sẽ; đặc biệt không được để thiếu nước. Căn bệnh phổ biến của thỏ là bệnh bại huyết, phải tiêm phòng vacxin định kỳ 6 tháng/lần. Cần chú ý khi thỏ bị bệnh ghẻ để kịp thời chữa trị”.
Khác với hầu hết các trại thỏ khác, chuồng thỏ của anh Toản đều xây dựng theo mô hình khép kín và phải thực hiện các quy định rất ngặt nghèo. Vì thế, khi vừa bước vào cửa chuồng phải mặc áo blu sát trùng.
Giải thích về quy định có phần “cầu kỳ” này, KS chăn nuôi Vũ Chí Kiên đang làm việc ở đây chia sẻ: “Vì thỏ khá mẫn cảm nên trước khi vào chuồng cần phải mặc áo sát trùng để giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh cho chúng”.
Chuồng thỏ của anh Toản được thiết kế rất hiện đại, theo hướng chăn nuôi công nghiệp. Anh Toản nói, anh học tập mô hình này theo kiểu của Thái Lan. Khu chuồng thỏ được xây kiên cố, khép kín và có hệ thống quạt gió để đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho thỏ trong mọi điều kiện thời tiết.
Toàn bộ lồng nuôi thỏ được làm bằng sắt chắc chắn, có hệ thống nước uống tự động. Các lồng nuôi được đặt cách mặt nền bê tông khoảng 50 cm để thỏ luôn sạch sẽ, khô ráo. Phân thỏ được xử lý trong hầm biogas, đảm bảo môi trường và tiết kiệm nhiên liệu.
Thành phần thức ăn của thỏ gồm 70% rau cỏ và 30% cám công nghiệp. Thỏ ăn được hầu hết các loại rau cỏ nên chi phí đầu tư thức ăn cho thỏ được hạn chế. Thỏ là động vật nuôi ngắn ngày, giống thỏ ta phải nuôi 120 ngày mới có thể xuất bán, nhưng giống thỏ New Zeland chỉ 90 - 100 ngày.
Với thỏ thương phẩm, từ khi tách đàn đến khi xuất chuồng đạt trung bình 3 kg. Hiện giá thỏ thương phẩm là 85.000 đ/kg, thỏ giống là 150.000 đ/kg. Một năm, một con thỏ mẹ đẻ được 6 - 7 lứa, mỗi lứa từ 7 - 8 con.
Với sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm cùng với quá trình học hỏi, trang trại của anh Toản đang “nhả ngọc” trên vùng đất gò đồi, không chỉ giúp gia đình anh phát triển kinh tế mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Nhìn cơ ngơi này, có lẽ ai cũng phải thán phục vì chủ nhân của nó lại một người trẻ tuổi như anh Toản.
Anh Toản chia sẻ thêm, với 22 ha đất gò đồi anh dự tính sẽ chia làm 3 khu chăn nuôi. Trong tương lai, nếu tiếp cận được nguồn vốn vay của nhà nước, anh sẽ tiếp tục thực hiện những ấp ủ của mình. Khi đó, anh sẽ ký hợp đồng với Cty Dược phẩm Nippon Zoki (Nhật Bản) tại Bắc Ninh, cung cấp thỏ để SX thuốc chữa trầm cảm.
Thỏ New Zeland có lông dày màu trắng huyết, mắt hồng. Thỏ trưởng thành có trọng lượng 5 - 5,5 kg/con. So với thỏ truyền thống của Việt Nam, giống thỏ này mắn đẻ hơn, sinh trưởng và phát triển nhanh. Thỏ cho nhiều thịt, thịt mềm và thơm ngon. Tuổi động dục lần đầu từ 4 - 4,5 tháng, tuổi phối giống lần đầu là 5 - 6 tháng.
Related news

Thực hiện tiến trình đổi mới và hội nhập kinh tế, thời gian qua hầu hết các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã thực hiện chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới. Nhờ vậy, các HTX đã phát huy được vai trò tự chủ trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, tạo nên những chuyển biến tích cực.

Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Quảng Trị đã xây dựng nhiều mô hình, các đối tượng giống thủy sản mới đưa vào sản xuất có hiệu quả như: Mô hình nuôi cua biển, cá rô đầu vuông, cá rô phi đơn tính, cá chình lồng, cá lóc... Trong những mô hình đó phải kể đến mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng.
Mặc dù hạn hán khiến năng suất giảm, chỉ còn 5-6 tấn/ha, song nhờ xoài Úc trồng nghịch vụ, giá cả tăng cao nên nhiều nhà vườn ở huyện Cam Lâm, Khánh Hòa vẫn thu được tiền tỉ.

Các thị trường lớn đang dần tự chủ về lương thực, các nước có nguồn gạo xuất khẩu dồi dào tạo cạnh tranh gay gắt, trong khi gạo của Campuchia lại đang đi vào thị trường EU và Trung Quốc làm cho gạo Việt gặp khó về đầu ra.

Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi đối với việc nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi tôm phục vụ xuất khẩu. Nhưng nhiều năm nay người dân vẫn phải đối mặt với tình trạng tôm chết do bệnh dịch.