Thực Hiện Hiệu Quả Công Tác Giảm Nghèo
Những năm qua, công tác giảm nghèo luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp, các ngành huyện Thuận Nam quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể, góp phần tích cực trong việc cải thiện đời sống nhân dân.
Theo thống kê, năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện chiếm 13,79%, năm 2012 giảm xuống còn 12,17% (theo tiêu chí mới). Để đạt được những kết quả trên, ngoài việc tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, thu hút đầu tư, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, các công trình điện, đường, trường, trạm cho các xã miền núi… huyện còn đẩy mạnh việc hỗ trợ vốn giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, trang trải chi phí học tập cho con em.
Chỉ tính riêng năm 2012, doanh số cho vay từ nguồn vốn NHCSXH của toàn huyện trên 36 tỷ đồng, trong đó cho hộ nghèo vay 11,27 tỷ đồng, vốn vay học sinh- sinh viên 5,7 tỷ đồng, vốn giải quyết việc làm gần 1,5 tỷ đồng, nước sạch - vệ sinh môi trường gần 2,4 tỷ đồng, vốn cho hộ nghèo vay cải thiện nhà ở 3,28 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến cuối năm 2012 gần 98 tỷ đồng.
Cùng với việc cho vay vốn, huyện còn tích cực chỉ đạo các ban, ngành chức năng hướng dẫn người dân sử dụng, đầu tư nguồn vốn có hiệu quả, tuyên truyền vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhờ đó nhiều hộ vay vốn những năm qua đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Dẫn chúng tôi xem mô hình nuôi bò, cừu vỗ béo của gia đình, anh Nguyễn Văn Tiền (thôn Nho Lâm, xã Phước Nam) bộc bạch: Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, hai vợ chồng làm thuê, làm mướn. Năm 2010 được NHCSXH huyện cho vay 10 triệu đồng, vợ chồng vay mượn thêm họ hàng mua 10 con cừu và 1 cặp bò về nuôi. Được hỗ trợ vốn, có thêm kinh nghiệm chăn nuôi nên mừng lắm. Năm vừa rồi được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà theo Chương trình 167, mình bàn với vợ bán bớt bò và cừu phụ gần 60 triệu đồng xây nhà mới khang trang cho các cháu”. Nhờ đồng vốn từ NHCSXH, sự chăm chỉ “lấy công làm lãi” của cả 2 vợ chồng, đến nay gia đình anh Tiền đã vươn lên thoát nghèo, mô hình nuôi bò, cừu vỗ béo hàng năm mang lại cho gia đình anh tổng thu nhập gần 100 triệu đồng.
Theo đồng chí Trần Đức Long, Trưởng phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện Thuận Nam: Một trong những giải pháp quan trọng giúp địa phương giảm nghèo bền vững đó là việc tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, trong đó việc tổ chức dạy nghề tại chỗ, dạy nghề lưu động, lấy nông dân dạy nông dân, học trực tiếp tại đồng ruộng, các cơ sở sản xuất… là việc làm cần thiết giúp người dân tiếp cận nhanh với ngành nghề được đào tạo, cũng như có điều kiện thực hành, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Năm 2012, huyện đã mở 21 lớp dạy nghề chăn nuôi, đính kết hạt cườm, lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên cho 730 học viên, giải quyết việc làm cho 1.711 lao động và trong quý I-2013 là 583 lao động.
Ngoài việc hỗ trợ phát triển kinh tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Công tác chăm lo nhà ở, sức khỏe cho người nghèo cũng được lãnh đạo địa phương quan tâm thực hiện. Từ các nguồn quỹ, năm 2012, huyện Thuận Nam đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 430 nhà ở cho hộ nghèo, với kinh phí trên 16,4 tỷ đồng. Cấp 9.972 thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo trong năm 2012 và 8.841 thẻ BHYT trong những tháng đầu năm 2013. Thực hiện chi trả, miễn, giảm và hỗ trợ học phí theo Nghị định 49 của Chính phủ cho 4.679 học sinh- sinh viên với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền điện cho 1.538 hộ với số tiền trên 553 triệu đồng.
Hiện nay, huyện Thuận Nam có 1.383 hộ nghèo theo tiêu chí mới. Để giúp các hộ thoát nghèo bền vững, bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, thu hút các dự án đầu tư, triển khai và nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả… Trong năm 2013, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, hướng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân… phấn đấu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm mới cho 2.100 lao động.
Có thể bạn quan tâm
Cả hai giống lúa P376 và PC10 đều có chung đặc điểm kháng rầy tốt, chất lượng gạo ngon, sản lượng đạt từ 2,2 - 2,8 tạ/sào, cao hơn so với giống lúa cùng loại.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân ở nhiều nơi đã thả nuôi tôm càng xanh trên đất lúa với hơn 7.000 ha, chủ yếu ở huyện Hồng Dân và Phước Long (Bạc Liêu).
Những năm qua, chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và chăn nuôi heo nói riêng phát triển khá mạnh cả về quy mô lẫn số lượng. Do ảnh hưởng của tập quán chăn nuôi truyền thống, phần lớn người chăn nuôi khu vực nông thôn vẫn duy trì phương thức chăn nuôi thả rông hoặc chuồng trại sơ sài; chất thải trong chăn nuôi thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm.
Hiện nay, đàn bò của tỉnh Bến Tre có trên 180.000 con, lớn nhất trong các tỉnh thành ở ĐBSCL. Chất lượng đàn bò ngày càng được chú trọng với các ưu điểm như: trọng lượng lớn, tốc độ tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt xẻ cao, chất lượng thịt ngon. Có được kết quả này là nhờ công tác thụ tinh nhân tạo được thực hiện thời gian qua tại tỉnh.
Theo dự báo, sản lượng cà phê ở Đắc Lắc, địa phương trồng cà phê lớn nhất ở Việt Nam, có thể giảm tới 1/5 trong niên vụ này.