Nuôi Thỏ Lãi 30 Triệu Đồng/tháng

Mấy năm gần đây, tại thôn 5, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), hoạt động nuôi thỏ giống nhập ngoại rất phát triển, các trang trại nuôi quy mô lớn thi nhau ra đời. Một trong số đó là trại thỏ Quốc Cường của chàng trai trẻ Dương Văn Chính (ngụ tại phường Hòa Khánh Nam, Liên Chiểu, Đà Nẵng).
Trao đổi với chúng tôi, anh Chính cho biết: Thỏ là loài vật mắn đẻ nên phát triển rất nhanh. Hồi trại đi vào hoạt động chỉ gần 100 con thỏ bố mẹ, nay dù liên tục xuất chuồng mà tổng đàn vẫn hơn 1.000 con. Thỏ mẹ, mỗi năm đẻ 7-8 lứa, mỗi lứa 6-8 con. Chỉ 4 tháng từ khi lọt lòng là thỏ đã làm mẹ. Tổng đàn như hiện nay, ngày nào cũng có cả chục thỏ mẹ “ở cữ”.
Với thỏ thịt 2,5 tháng là xuất chuồng, thường có trọng lượng 2,2-3kg/con, giá bán ra 90-100 nghìn đồng/kg. Thỏ giống chỉ hơn 1 tháng là chuyển giao cho khách hàng với giá 150 nghìn đồng/kg. Từ ngày duy trì tổng đàn trên dưới 1.000 con đến nay, tháng nào anh cũng xuất chuồng 600-700kg, doanh thu khoảng 80 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí lãi 30-40 triệu đồng/tháng”. Hàng năm, trại thỏ mang lại cho anh doanh thu hơn 1 tỷ đồng.
Nói về kinh nghiệm nuôi thỏ, anh Chính “bật mí”: Thỏ là loài vật dễ nuôi. Thức ăn cho chúng cũng khá phổ biến, chủ yếu là rau các loại, có khi cả cây cỏ. Yếu tố quan trọng nhất là phòng ngừa được bệnh tật. Muốn vậy chuồng phải cao ráo, sạch sẽ, ấm về mùa đông, thoáng về mùa hè.
Thỏ bố mẹ và hậu bị định kỳ 6 tháng tiêm phòng/lần và cứ 10 ngày phun tiêu độc khử trùng chuồng trại 1 đợt. “Từ kinh nghiệm này, sau khi nuôi khá thành công, tôi có viết quyển sách về kỹ thuật nuôi thỏ giống nhập ngoại để giao cho khách hàng khi họ mua thỏ giống” - anh Chính cho biết.
Hỏi về dự định trong tương lai, chàng thanh niên tự tin: “Sắp tới sẽ đầu tư mở rộng, nâng tổng đàn lên khoảng 2.000 con. Trong tương lai gần sẽ xây dựng thương hiệu sản phẩm và kết nối với các siêu thị, nhà hàng dưới phố tiêu thụ thịt thỏ sạch”.
Nguồn bài viết: http://danviet.vn/nha-nong/nuoi-tho-lai-30-trieu-dongthang-510332.html
Có thể bạn quan tâm

Với năng suất đạt từ 2 tấn/công trở lên, bán tại ruộng khoảng 4.500 đồng/kg, sau khi trừ chi phí người trồng khoai còn lời 7,5 triệu đồng. Đó là hạch toán của người trồng khoai lang ở một số xã của huyện Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang). Đồng bào Khmer còn thông tin với nhau, năm nay, khoai lang Bảy Núi được mùa nhờ có bạn hàng “ăn vô” và họ “xuất khẩu” sang Takeo, Phnom Penh (Campuchia).

Theo báo cáo của NM đường Phổ Phong, vùng nguyên liệu mía huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) với diện tích quy hoạch 1.766 ha. Diện tích mía đứng hàng năm đạt từ 700 - 720 ha.

Chim trĩ là loài chim quí hiếm, được một số nông dân miền núi và vùng Đông Nam bộ nuôi nhiều trong vài ba năm trở lại đây. Trong lúc nhiều mặt hàng nông sản khác tiêu thụ bấp bênh thì chim trĩ luôn cho hiệu quả kinh tế ổn định ở mức cao. Hiện tại, một số nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã chú trọng đầu tư nuôi giống chim này.

Hai mặt hàng đều đang đối mặt với những dịch bệnh có tên, mà nếu xảy ra thì chỉ có nước bỏ đi. Nhà vườn thanh long, hiện ai chẳng lo bệnh đốm trắng xuất hiện. Ban đầu chỉ trên dăm ba cây nhưng chỉ trong dăm ba ngày, lan ra cả nghìn cây trong vườn.

Mô hình nông trại “Vườn chim Việt” của anh Trần Nhữ Giáp ở xóm Đòng, xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.