Cá Ngừ Đại Dương Tăng Giá, Ngư Dân Vẫn Lỗ
Những ngày này, tuy giá cá ngừ đại dương (CNĐD) tại cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) tăng nhưng nhiều tàu câu vẫn thua lỗ. Tàu ra khơi khai thác không hiệu quả, bạn tàu thu nhập không đủ sống đang khiến các tàu có nguy cơ nằm bờ.
Giá cá tăng
Hiện nay, CNĐD đang được thu mua với giá 110.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng/kg so với 3 tháng trước, tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 3-2013 (trước chỉ 55.000 đồng/kg). Lý giải nguyên nhân giá cá tăng, một chủ vựa tại cảng Hòn Rớ cho biết: Hiện nay, nhu cầu thu mua CNĐD rất lớn, nhưng sản lượng đánh bắt của ngư dân đạt thấp nên các nhà máy phải tăng giá để mua được cá nguyên liệu. Thời điểm này đang vào cuối vụ khai thác CNĐD; vì vậy, giá cá có thể tiếp tục tăng.
Tuy giá CNĐD đang ở mức kỷ lục trong vòng 2 năm qua, nhưng vẫn không mang lại niềm vui cho ngư dân. Ngư dân Nguyễn Tập - chủ tàu KH96019TS (Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cho biết: “Giá cá tăng nhưng chúng tôi không vui vì những chuyến biển liên tục có sản lượng thấp.
4 trong 6 chuyến biển vừa qua của chúng tôi đều thua lỗ”. Còn với ngư dân Kiều Minh Thuận - chủ tàu KH96481TS (Cửa Bé, phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang), giá cá tăng nhưng ông vẫn bị thua lỗ 3 chuyến biển liên tiếp. Thế nên, tuy đang vào cuối mùa khai thác CNĐD nhưng ông vẫn quyết định cho tàu nằm bờ 1 chuyến để vay mượn tiền và tìm bạn câu mới.
Bởi lẽ, sau nhiều chuyến biển không có thu nhập, vốn đã cạn, bạn câu đã rời bỏ tàu. “Từ đầu năm đến nay, tôi đã thua lỗ 4/6 chuyến ra khơi. Chuyến này thua lỗ nặng nhất hơn 75 triệu đồng, những chuyến biển trước trung bình thua lỗ khoảng 35 - 40 triệu đồng”, ông Thuận chia sẻ.
Thời điểm sau ngày 10 âm lịch hàng tháng, tàu câu CNĐD của ngư dân các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên… trở về cập cảng Hòn Rớ. Cũng như những chuyến biển từ đầu năm đến nay, lần cập cảng này, sản lượng khai thác CNĐD của các tàu không cao.
Qua trao đổi với nhiều ngư dân, chúng tôi được biết, tuy giá cá tăng nhưng vẫn có đến 60% số tàu bị lỗ, 20% hòa vốn, 20% có lãi. Theo tính toán của ngư dân, mỗi chuyến đi biển kéo dài khoảng 25 ngày, tiền dầu, đá cây, thực phẩm tiêu tốn hơn 100 - 120 triệu đồng. Với giá cá hiện nay, nếu sản lượng cá đánh bắt được khoảng 1 tấn/tàu (bằng 1/2 so với những năm trước) thì chỉ mới hòa vốn. Những tàu câu chỉ câu được vài con/chuyến thì thua lỗ nặng…
Sản lượng đạt thấp
Sau khi cân bán 4 con CNĐD câu được trong chuyến biển mới trở về, ngư dân Kiều Minh Thuận buồn rầu nói: “Chuyến đi này, tàu chúng tôi chạy từ vùng biển giáp ranh với Philippines về vùng biển Trường Sa, DK1, nhưng càng đi càng thất vọng. Cả chuyến chỉ câu được 4 con”. Năm nay, tàu của gia đình ông Thuận đã ra khơi được 6 chuyến nhưng chỉ có 1 chuyến có lãi, 1 chuyến hòa vốn, còn lại là thua lỗ.
Nguyên nhân chủ yếu là do mất mùa CNĐD, sản lượng đánh bắt thấp. “Những năm trước, trung bình mỗi chuyến ra khơi, tàu chúng tôi có thể câu được 2,5 đến 3 tấn cá. Năm 2013, sản lượng đánh bắt đã giảm dần, mỗi chuyến chỉ được khoảng 1,5 tấn. Bây giờ, sản lượng khai thác chỉ được có vài trăm kilôgam/chuyến”, ông Thuận cho biết.
Chuyến đi vừa rồi, tàu của ngư dân Nguyễn Tập khai thác được 21 con CNĐD, nhưng cũng chỉ đạt gần 900kg. Ông Tập cho biết: “Tổng chi phí đầu tư cho một chuyến biển như: mua sắm dụng cụ (thẻo câu, lưới), lương thực, nước uống đã lên đến 120 triệu đồng. Trong khi đó, sản lượng đánh bắt trung bình chỉ từ 1 tấn trở xuống, bằng khoảng 1/3 so với những năm trước. Vì vậy, giá cá có tăng thì ngư dân cũng bị lỗ hoặc hòa vốn; bạn câu bỏ tàu vì thu nhập không đủ sống”.
Không chỉ ông Thuận, ông Tập, mà hầu hết các tàu câu CNĐD cập cảng đều có sản lượng đạt thấp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi ngày có trung bình 25 tàu câu CNĐD cập cảng Hòn Rớ. Cứ 10 tàu cập cảng thì đã có đến 7, 8 tàu không đủ phí tổn do sản lượng đánh bắt thấp, trung bình chỉ đạt 0,9 đến 1 tấn cá/tàu.
Theo nhiều chủ tàu, hiện nay đang cuối vụ khai thác CNĐD nên sản lượng cá khai thác được ít hơn chính vụ. Hơn nữa, thời điểm này, gió Tây Nam hoạt động mạnh nên việc khai thác gặp nhiều khó khăn. Do không gặp luồng cá nên nhiều ngư dân đánh bắt được ít. Tình trạng này đã kéo dài từ năm 2013 đến nay.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9.800 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có khoảng 500 tàu câu CNĐD (năm 2013 chỉ có khoảng 300 tàu) chủ yếu hoạt động tại ngư trường Trường Sa, DK 1.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban quản lý Cảng Hòn Rớ: “Hiện nay, mỗi ngày có từ 20 đến 30 tàu cập cảng, hầu hết là tàu câu có sản lượng đạt dưới 1 tấn/tàu, rất ít tàu đạt sản lượng 2 - 3 tấn. Từ đầu năm đến nay, sản lượng hải sản về cảng đạt 9.500 tấn. Trong đó, CNĐD đạt 4.200 tấn, tương đương cùng kỳ năm 2013.
Lượng cá qua cảng nhiều là do số lượng tàu cập cảng nhiều hơn chứ không phải do sản lượng đánh bắt của mỗi tàu lớn. Do sản lượng khai thác đạt thấp nên giá cá có tăng thì nhiều tàu câu cũng chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Vì thu nhập thấp nên bạn câu rời bỏ tàu, nguy cơ tàu câu CNĐD nằm bờ đang rất lớn”.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, lũ đầu nguồn sông MeKong bắt đầu lên cao, biên độ nhiệt độ ngày đêm cao tạo điều kiện cho dịch bệnh trên cá tra phát triển như bệnh: xuất huyết, gan thận mủ, ký sinh trùng….
Theo kế hoạch năm 2015, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ thả nuôi 5.700 ha thủy sản các loại, trong đó có 4.100 ha nuôi tôm nước lợ. Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện đã thả nuôi 4.290 ha tôm sú và tôm thẻ, vượt kế hoạch hơn 190 ha, do có một phần diện tích bà con thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, tập trung nhiều ở xã Tài Văn và Đại Ân 2.
Mô hình kết hợp lúa - cá là giải pháp bền vững nhằm giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái tự nhiên, tạo ra sản phẩm cá và lúa sạch cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, mô hình đã giúp bà con nông dân vùng trũng, vùng lũ chuyển dịch sản xuất, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này đa phần được bà con nuôi dưới hình thức quảng canh, cơ sở hạ tầng vùng sản xuất yếu và thiếu, con giống, đầu ra sản phẩm còn nhiều bất cập…
Theo báo cáo của các địa phương, trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là trên 21.000ha, gây tổn thất lớn về kinh tế của người nuôi và ngân sách nhà nước; người nuôi còn lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong phòng, chống, trị bệnh cho tôm dẫn đến một số nước đã ngừng hoặc cảnh báo tôm Việt Nam có dư lượng kháng sinh vượt giới hạn cho phép.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết sơ bộ mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này trong giai đoạn 1/8/2013 đến 31/7/2014.