Nuôi Tảo Xoắn Spirulina Trên Đất Nghệ
Tảo xoắn Spirulina là nguồn thực phẩm chức năng rất phổ biến ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Đức... nhưng ở Việt Nam còn khá mới mẻ vì phương pháp nuôi trồng cực kì công phu và tốn kém.
Tuy nhiên, với niềm đam mê mạnh mẽ, bà Trần Thị Thao (xã Quỳnh Lương, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã cất công tìm tòi và bước đầu nuôi và chế biến tảo xoắn Spirulina thành công.
Mô hình mới mẻ
Ở cái tuổi đã ngoài lục tuần nhưng bà Trần Thị Thao, GĐ Cty TNHH Thanh Mai vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn. Bà trao đổi cởi mở: “Trước đây tôi tình cờ đọc được thông tin trên mạng về giống tảo này, lúc đó chỉ khá tò mò thôi chứ chưa tính đến chuyện sẽ bắt tay vào làm. Sau này có điều kiện tham gia các cuộc hội thảo công nghệ, được làm quen với các kỹ sư hàng đầu; đặc biệt là GS Dương Đức Tiến, người đã khẳng định tảo xoắn Spirulina hoàn toàn có thể phát triển ở Nghệ An thì tôi mới quyết định làm”.
Một trong những tiêu chí hàng đầu để tảo phát triển chính là yếu tố tự nhiên, cụ thể là điều kiện thời tiết; chính vì thế sau khi đã bàn bạc kĩ lưỡng, bà Thao quyết định nuôi tảo tại xã Quỳnh Lương, nơi hội tủ những tiêu chí cần thiết. Là mô hình mới nên có rất nhiều mối hồ nghi về khả năng thành công, chính vì thế khi bà Thao đứng ra vận động, kêu gọi đầu tư từ các DN cũng như Sở KH-CN thì đáp lại chỉ là những cái lắc đầu.
Không nản chí, 2 vợ chồng bà quyết thực hiện bằng được giấc mơ đã ấp ủ bấy lâu nay. Sau khi đã hoàn thành xong vấn đề mặt bằng, xây dựng thành công mô hình, việc tối quan trọng hàng đầu là “thu hút” các chuyên gia thành thạo CNSH, bằng mối quan hệ rộng rãi đã tạo dựng được trước đó, ông bà không tiếc tiền mời về gần chục kỹ sư chuyên ngành có thâm niên lâu lăm trong nghề để vận hành mô hình.
Dù bước đầu gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo của GS Dương Đức Tiến, mọi khó khăn dần được đẩy lùi. Nhìn lại khoảng thời gian 2 năm kể từ khi Cty đi vào hoạt động, bà Thao không giấu được niềm vui: “Chúng tôi xác định khi bắt tay vào làm sẽ gặp muôn vàn khó khăn, may mắn là tình hình ngày một khởi sắc. Đến thời điểm này tôi đã có thể khẳng định Cty đang đi đúng hướng”.
Theo bài Thao, quy trình ươm nuôi tảo Spirulina cực kì chuyên nghiệp và đòi hỏi sự khắt khe rất cao. Sau khi đã kiểm tra kỹ càng điều kiện môi trường thuận lợi, tảo được cấy trong phòng giống cấp 1 với chế độ chăm sóc nghiêm ngặt được duy trì liên tục trong nguồn sục khí oxy và ánh sáng, 3 - 5 ngày sau đưa qua phòng giống cấp 2 theo tỷ lệ chuẩn, để phát triển từ 5 - 7 ngày mới cho ra bể nuôi.
Tảo Spirulina rất “khó tính”, đòi hỏi phải hạn chế tối đa sự xâm nhập từ bên ngoài của các loại vi khuẩn cũng như bụi bẩn, thường xuyên kiểm tra phân tích hóa nghiệm, nồng độ pH cho phù hợp với điều kiện cần có. Đến thời điểm hiện tại, Cty TNHH Thanh Mai đã xây dựng được tổng cộng 15 bể nuôi tảo, trong đó có 12 bể nhỏ và 3 bể to (500 m2/bể).
Từng bước xây dựng thương hiệu
Chưa tính khoản gần chục tỷ đồng thuê mặt bằng trong thời gian 50 năm, tổng số tiền mà vợ chồng bà Thao bỏ ra để nuôi tảo đến thời điểm nay đã ngót nghét 8 tỷ đồng. Chi phí thực sự quá đắt đỏ nhưng không vì thế mà họ sẽ dừng lại.
“Cứ nghĩ xây dựng xong cơ sở, mua giống về nuôi chờ đến ngày thu hoạch là xong, ai ngờ bắt tay vào làm mới phát sinh ra nhiều vấn đề. Nhưng đã xác định làm thì phải sống chết với nghề thôi, chúng tôi sẽ tính toán kỹ càng, nếu thuận lợi sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm diện tích.
Tảo Spirulina khó nuôi nhưng nếu chịu khó tìm tòi thì mô hình này hoàn toàn có thể áp dụng ở nhiều nơi. Hy vọng rằng thành công của chúng tôi sẽ mở ra hướng đi mới cho nghề này, đồng thời chứng minh cho tất cả thấy rằng nông dân cũng có thể làm khoa học”, ông Hoàng Văn Bảo, chồng bà Thao hồ hởi nói.
Những ngày đầu gian khó, nuôi trồng theo cách tự phát, nhưng kể từ thời điểm hoàn thành tất cả thủ tục pháp lý, chính thức cống bố thành lập Cty và tổ chức hội thảo khoa học để giới thiệu sản phẩm đến công chúng, Cty Thanh Mai đã tiến một bước rất dài.
Thương hiệu tảo Spirulina của bà Thao đã được biết đến rộng rãi. Nhiều DN ở Hà Nội, TPHCM... cũng đã chủ động liên hệ để đặt hàng. Hiện giá niêm yết của Cty Thanh Mai là 150.000/100 viên tảo xoắn Spirulina thành phẩm (0,5 gram/viên), trong khi nhãn hiệu tảo xoắn của Hoa Kỳ lên đến 1,4 triệu đ/100 viên, cao gấp 10 lần.
Tảo Spirulina là thực phẩm thiên nhiên chứa rất nhiều Protein, chất khoáng, giàu sắc tố... có tác dụng tốt để hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, thiếu máu, thận, phong thấp, chống bức xạ, ung thư và thậm chí cả HIV.
Có thể bạn quan tâm
Sinh sống tại những địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng với ý chí quyết tâm làm giàu, những nông dân miền sơn cước đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế...
Trạm Khuyến nông huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang đang triển khai mô hình hỗ trợ 19 hộ dân tộc thiểu số nghèo tại xã Cấm Sơn và Tân Mộc nuôi dê với kinh phí 100 triệu đồng từ ngân sách huyện.
Tại Việt Nam, Luật An toàn thực phẩm được xây dựng theo nguyên tắc quản lý toàn bộ chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”. Tuy nhiên, vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang gặp nhiều khó khăn, nhất là các cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ.
Kinh tế biển được xác định là mũi nhọn vô cùng quan trọng đối với Cà Mau. Thế nhưng, với một lượng lớn tàu công suất nhỏ đang ngày đêm xâm hại nguồn lợi thuỷ sản ven bờ thì vấn đề phát triển bền vững vẫn là bài toán chưa có giải đáp hợp lý. Chuyển đổi ngành nghề nhằm giảm áp lực cho khu vực tái sinh ven biển đang cần thiết và cấp bách để tiến tới mục tiêu giàu lên từ biển.
Phát huy lợi thế là địa phương đầu nguồn, nhiều năm qua, người dân TX.Hồng Ngự (Đồng Tháp) phát triển mạnh nghề nuôi cá bè trên sông đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho sự phát triển kinh tế hộ và đóng góp vào tỉ trọng phát triển của kinh tế thị xã.