Mật Ong Bạc Hà, Tinh Hoa Đất Trời Cao Nguyên Đá

Từ tháng 9-12 âm lịch, khi cây ngô cuối cùng trên nương đá tai mèo của người Mông (Đồng Văn - Hà Giang) được thu hoạch cũng là lúc những cây Bạc hà trổ bông tím hồng, vươn mình trên đá tạo nên mùa hoa Bạc hà tím cả không gian. Trong những tia nắng cuối thu, loài hoa dại ấy nhẹ nhàng đưa hương quyến rũ, thu hút loài ong mật cần mẫn làm nên những giọt mật độc nhất, vô nhị mang tên mật ong Bạc hà.
Sản phẩm ấy như món quà vô giá mà thiên nhiên ưu ái dành riêng cho mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, để cuộc sống khó khăn của đồng bào người Mông có thêm thu nhập, làm vơi bớt nhọc nhằn nơi Cao nguyên đá.
Giữa những dãy đá lô nhô của thôn Thành Ma Tủng, xã Sà Phìn; 100 thùng ong của gia đình ông Sùng Sính Vư được đặt vững chãi trên đá giữa những bông hoa Bạc hà tím, hình đuôi chồn tỏa hương thơm dịu. Năm 2004, ông Vư đã đầu tư 10 tổ ong với giá 3 triệu đồng để khởi nghiệp nghề nuôi ong lấy mật. Đến nay, việc phát triển đàn ong lên đến hàng trăm tổ, đã mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập khá. Mỗi can mật ong 20 lít của gia đình ông có giá bán 6 triệu đồng (giá 300.000 đồng/lít), trong khi đó, những loại mật ong khác cùng đơn vị thể tích chỉ có giá 3 triệu đồng. Ông Tưởng Phi Chiến, một người có nhiều kinh nghiệm nuôi ong bạc hà đang chuyển giao kỹ thuật cho gia đình ông Vư không khỏi xao xuyến: “Thủa bé, tôi đã biết đến nghề nuôi o¬ng mật từ gia đình; đã đi suốt chiều dài đất nước để học và làm nghề nhưng chưa một nơi nào tôi qua lại có loài hoa bạc hà quý như ở tỉnh. Cũng chưa bao giờ được thưởng thức loại mật o¬ng nào độc đáo đến vậy”. Năm nay, thời tiết thuận mưa, thuận nắng là điều kiện lý tưởng để có mùa hoa Bạc hà nở rộ. Khi hoa “ngậm” đủ sương đêm, buổi ban mai nắng ấm sẽ tiết mật, tỏa hương thu hút loài ong đến lấy mật, tạo nên những những giọt mật đặc trưng có màu vàng xanh, vị ngọt dịu, sánh đặc cùng hương thơm đặc biệt. Mật ong Bạc hà quý không chỉ bởi hương vị độc đáo mà còn được lưu truyền có tác dụng bồi dưỡng sức khỏe và chữa bệnh cao. Song, để có được những giọt mật ấy, ngoài yếu tố “thiên thời, địa lợi”, nghề nuôi ong cũng khá vất vả và tỉ mỉ. Với tập tính sống bầy đàn nên khả năng nhiễm và lây lan bệnh ở ong rất cao, có thể hủy diệt cả đàn ong. Do vậy, người nuôi phải hiểu về ong để biết cách chăm sóc, phòng và trị bệnh cho đàn ong.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn có trên 4.500 đàn ong, tập trung nhiều ở các xã: Sà Phìn, Thài Phìn Tủng, Tả Lủng, Sính Lủng,... Với mục đích tăng số lượng đàn, nâng cao năng suất, góp phần tăng thu nhập cho người nuôi ong. Năm 2013, huyện Đồng Văn chủ trương thực hiện chương trình đào tạo nghề gắn với các đề án, phương án của tỉnh, trong đó có Dự án phát triển đàn ong. Theo đó, huyện đã mở 13 lớp đào tạo nghề nuôi ong cho 490 học viên là những người nông dân đã, đang và sẽ nuôi ong có được những kiến thức cơ bản về nghề nuôi ong nội bản địa (giống ong Apis Cerana Cerana được Nhà nước bảo tồn nguồn gen quý từ năm 2006 đến nay). Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, Nguyễn Đức Tính cho biết: Đến năm 2014, những học viên đã qua đào tạo nghề sẽ tự nhân đàn ong và được huyện hỗ trợ 200.000 đồng/đàn. Nếu các hộ tự nhân được 5 đàn ong sẽ tăng số lượng đàn lên đến gần 2.500 đàn/năm. Việc tăng đàn cùng với kỹ thuật đã được phổ biến sẽ góp phần tăng sản lượng mật từ 3 lít (năm 2013) lên 6 lít/đàn/vụ vào năm 2014. Điều đó đồng nghĩa với việc nâng mức thu nhập của người dân từ 4 tỷ đồng (năm 2012) lên 8,5 tỷ đồng/vụ mật ong Bạc hà vào năm 2014.
Nguồn mật ong Bạc hà từ Cao nguyên đá không chỉ được bán tại cơ sở làm quà cho khách du lịch mà còn được nhiều cửa hàng tư nhân trên địa bàn tỉnh thu mua, quảng bá sản phẩm. Chị Lã Thu Hường, tổ 9, phường Trần Phú (TP Hà Giang) chia sẻ: Ngoài công việc bán thuốc của một dược sỹ, hàng năm, gia đình chị đều nhập khoảng 300 lít mật ong Bạc hà Đồng Văn để bán. Đây không chỉ là một mặt hàng thông thường mà mật ong còn có trên 70 vitamin tổng hợp, có tác dụng chữa bệnh hiệu quả nếu sử dụng đúng liều lượng, đúng cách. Chẳng hạn, mật ong Bạc hà nếu kết hợp với bột nghệ đen có tác dụng chữa bệnh dạ dày; kết hợp với tam thất rất tốt cho phụ nữ trong điều trị bệnh ung thư buồng trứng hay u xơ tử cung; kết hợp với quả quất có tác dụng chữa ho; kết hợp với lòng đỏ trứng gà có tác dụng làm đẹp da,... Hơn nữa, mật ong Bạc hà có thể để được nhiều năm mà mật không bị đóng đường, không chuyển màu và cũng không mất giá trị dinh dưỡng.
Hiện nay, du lịch trên Cao nguyên đá đang rất phát triển. Du khách đến Đồng Văn không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc nên thơ, nên nhạc của đất trời Cao nguyên đá mà mật ong Bạc hà còn là tặng phẩm hứa hẹn sự độc đáo, lôi cuốn du khách không chỉ bởi sự đặc trưng, mà hơn hết đó chính là thứ kết tinh từ núi đá với những giọt sương mai cùng vô vàn khó nhọc của người Mông trên vùng Cao nguyên đá.
Có thể bạn quan tâm

Với 3 mô hình VAC tiêu biểu cho từng vùng sinh thái như cải tạo vườn tạp và phát triển VAC miền núi; VAC hàng hoá ở các địa phương có nhiều cây ăn quả đặc sản; tiêu thụ sản phẩm ở những nơi cây ăn quả được trồng tập trung và thu nhập từ vườn là chính, dự án đã mang lại sức sống mới cho nhiều vùng đất khô cằn. Đã có 30 tỉnh - thành Hội với trên 1.000 hộ hội viên và nông dân được tham gia và hưởng lợi từ dự án.

Hiện nay, nông dân vùng Ðồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đang tập trung xuống giống vụ lúa đông xuân 2013-2014. Theo đánh giá của các nhà khoa học Viện Lúa ÐBSCL, mực nước lũ năm 2013 không cao, tình trạng ngập lụt xảy ra chủ yếu do ảnh hưởng các đợt triều cường.

Để giúp người trồng tiêu hỗ trợ nhau trong đầu tư, phát triển cây tiêu, trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây tiêu có hiệu quả, làm cho cây tiêu trở thành cây trồng chủ lực của địa phương, từ đầu năm 2013, Hội Nông dân huyện Hoài Ân (Bình Định) đã thành lập và đưa vào hoạt động CLB sở thích trồng tiêu ở xã Ân Thạnh…

Hữu Lũng là huyện miền núi, đồi rừng chiếm tới 3/4 diện tích canh tác nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho nghề nuôi ong rất lớn. Tuy nhiên, trước đây tiềm năng đó chưa được bà con khai thác hiệu quả.

Do giá cà-phê giảm mạnh, giá nhân công tăng cao nên nhiều gia đình ở xã Trường Xuân, huyện Đác Song, tỉnh Đác Nông không thuê người thu hái để cà-phê chín trên cây.