Đề Phòng Rủi Ro
Điều kỳ lạ là suốt 2 - 3 tháng qua, các thương lái Trung Quốc liên tục hợp tác với những tiểu thương trong nước ồ ạt thu gom loại heo mỡ, trọng lượng lớn. Giá heo đang tăng lên rõ rệt nhưng nhiều người lại lo ngại cuối năm có thể thiếu thịt và thực phẩm.
Heo lại ồ ạt “xuất ngoại”
Từ tháng 9-2013, các thương lái Trung Quốc kéo sang Việt Nam, lần mò vào tận các tỉnh ở miền Nam để thu mua loại heo mỡ. Vì vậy, từ miền Nam các xe chở đầy heo lũ lượt đổ ra Bắc, chờ xuất sang Trung Quốc.
Tại các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn và Quảng Ninh, thương lái Trung Quốc cũng sang làm ăn rất nhiều. Trong một quán ăn bình dân ở gần Hữu Lũng - Lạng Sơn, cứ buổi trưa là thương lái Trung Quốc lại kéo về. Chị Thu, chủ quán ăn cho biết, thương lái Trung Quốc sang để thu mua heo và làm ăn dịp cuối năm. Khoảng 1 - 2 tuần qua, việc thu gom và vận chuyển heo diễn ra sôi động nhất, cả ngày lẫn đêm, gây nên “cơn sốt” giá heo ở miền Bắc.
Theo tiểu thương Lê Văn Hùng ở Bắc Giang, chủ một xe chở heo làm thủ tục kiểm dịch tại Trạm kiểm dịch Hữu Lũng (Lạng Sơn), khoảng hơn tuần qua, giá heo hơi tại miền Bắc đã tăng vọt từ 45.000 đồng lên 50.000 đồng/kg, loại heo đẹp và to còn lên tới 52.000 đồng. Trong khi đó, suốt nhiều tháng trước, giá heo chỉ lẹt đẹt ở mức 38.000 - 40.000 đồng/kg. Nhiều thương lái khác cũng cho biết, nguyên nhân là do phía Trung Quốc đang mở cửa nhập heo để tiêu dùng vào dịp cuối năm.
Theo quan sát của phóng viên Báo SGGP, hiện heo xuất sang Trung Quốc theo 3 đường chủ yếu là cửa khẩu Chi Ma và Thất Khê của tỉnh Lạng Sơn và Bắc Phong Sinh - Móng Cái (Quảng Ninh). Đứng ở các trạm kiểm dịch và cửa khẩu tiểu ngạch, có thể liên tục bắt gặp xe chở heo từ xuôi lên.
Tại chợ heo lớn nổi tiếng miền Bắc là chợ An Nội, huyện Bình Lục (Hà Nam) - nơi heo từ khắp cả nước được thu gom về để trung chuyển lên biên giới phía Bắc, cảnh tượng sôi động, tấp nập hơn hẳn ngày thường. Thương lái Vũ Văn Bảo cho biết, bao nhiêu heo mỡ xuất sang Trung Quốc cũng được thu gom hết, nên hơn 1 tháng qua, tuần nào anh cũng đưa được 1 xe chở khoảng 100 - 120 con heo (tương đương hơn 10 tấn heo hơi) lên Lạng Sơn.
Nông dân cần tỉnh táo
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho biết, cục cũng đã nắm được thông tin trên. Đứng ở góc độ của người chăn nuôi, phải nói là đáng mừng, bởi giá heo tăng đã giúp cho người chăn nuôi có lãi. Suốt nửa năm qua, giá heo trong nước liên tục dưới giá thành. Có thời điểm, giá heo đã tụt xuống còn 36.000 - 38.000 đồng/kg.
Trong khi nếu nuôi heo thuần cám công nghiệp (cộng thêm điều kiện thời tiết thuận lợi và không có dịch bệnh xảy ra), giá thành cũng đã 40.000 - 42.000 đồng/kg. Với giá bán như hiện nay, tất nhiên một phần lợi nhuận rơi vào thương lái nhưng nông dân cũng đã có lãi.
“Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc rất thất thường, có lúc họ nhập, có lúc lại không, mà các thương lái của ta lại không có hợp đồng làm ăn rõ ràng nên hoàn toàn bị động… Do vậy, nếu thấy giá cao như hiện nay mà bà con đổ xô nuôi loại heo mỡ thì rất nguy hiểm, nhiều rủi ro” - ông Nguyễn Văn Trọng khuyến cáo.
Heo mỡ là loại heo nuôi siêu mỡ và các thương lái Trung Quốc chỉ thích đổ xô mua loại heo 90 - 100kg trở lên. Bởi thị trường Trung Quốc ưa chuộng loại thịt kho tàu, thịt quay… trong khi thị trường của ta chỉ chuộng loại thịt siêu nạc. Vì thế, nếu bà con đổ xô nuôi heo siêu mỡ và trọng lượng lớn, khi phía Trung Quốc đóng cửa, heo mỡ sẽ không biết bán cho ai.
Ông Nguyễn Văn Trọng cho biết, hiện tại nguồn heo trong nước vẫn đang đảm bảo cân đối cung - cầu cho nhu cầu thực phẩm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2014. Tuy nhiên, chủ trương của Cục Chăn nuôi và Bộ NN-PTNT là đề nghị các tỉnh điều tiết việc xuất khẩu ồ ạt thịt heo, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi heo và các sản phẩm gia cầm bổ sung để đảm bảo bình ổn thị trường cuối năm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nam, cho biết đã có văn bản khuyến cáo người dân không vì lợi ích trước mắt mà chuyển sang nuôi heo mỡ, đồng thời hạn chế để heo quá 100kg/con. Bởi nếu Trung Quốc ngừng nhập, người chăn nuôi sẽ bị ứ hàng, bị ép giá và thua lỗ nặng. Theo nhiều chuyên gia, tình trạng như hiện nay có thể lặp lại thực trạng giống như năm 2011, khi heo được thu gom ồ ạt để xuất sang Trung Quốc vào dịp cuối năm, đã gây nên cơn sốt giá thực phẩm trong nước khi nguồn heo thịt sụt giảm.
Có thể bạn quan tâm
Đối với vụ hè thu, thời gian là yếu tố quyết định sự thành - bại. Bởi thế, dù mới bước vào thời điểm thu hoạch đại trà chưa lâu nhưng trên đồng ruộng, không khí thu hoạch đã khẩn trương, vội vã chạy đua với thời gian...
Từ chính sách “kích cầu” hỗ trợ của tỉnh, nuôi trồng thủy sản (NTTS) dần “xóa” bỏ hình thức nuôi quảng canh thiếu bền vững sang nuôi thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những vùng cát hoang sơ đang được đánh thức với những đầm tôm, cá bơn, cá mú nuôi công nghệ cao, mở rộng hướng làm giàu cho các xã vùng biển.
Sau thời gian tạm lắng, gần đây trên địa bàn 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre lại xuất hiện thương lái lạ đưa tiền trước cho dân nhờ thu mua cau non bán cho họ. Điều đáng nói là họ chỉ mua cau non không mua cau già với giá 8.000 - 9.000 đồng/kg (cả buồng).
Trước tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng ở các địa phương, nhất là khu vực các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã có Chỉ thị đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo các quy định của pháp luật.
Từ một tỉnh bộn bề khó khăn, với nhiều cách làm sáng tạo, hợp lòng dân, Hà Tĩnh đã đạt kết quả cao và toàn diện, bền vững, thuyết phục trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM).