Nuôi heo bằng công nghệ mới cho thu nhập khá
Tham quan mô hình nuôi heo của ông Văn Đình Quế (trái)
Vốn xuất thân con nhà nông, từng là cán bộ thú y ở địa phương, chăn nuôi với ông Văn Đình Quế vốn không xa lạ.
Nhưng theo ông, chăn nuôi kiểu nhỏ lẻ mấy mô hình truyền thống thì không thể khá lên được.
Năm 2011, ông Quế may mắn được các đại lý thức ăn cho đi thực tế và tập huấn ở một số địa phương.
Khi dừng chân tại tỉnh Quảng Bình, nhận thấy mô hình nuôi heo bằng công nghệ mới áp dụng các kỹ thuật từ chuồng trại đến thức ăn, rất hiệu quả.
Khi quay về A Lưới, ông quyết định đầu tư cho chăn nuôi, bởi nhu cầu heo giống, heo thịt ở vùng cao này rất lớn.
Chuồng nuôi heo của ông Quế là một hệ thống kết cấu bằng sắt ống có kích thước từ 6 - 8m2, bên dưới lót một lớp nhựa (giá 500 nghìn/m2), khoảng cách từ lớp nhựa này đến mặt đất từ 25 - 30cm, kinh phí mỗi chuồng từ 4 - 5 triệu đồng.
Dưới lớp nhựa có đường cống thoát phân và nước, vì thế chuồng nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát.
Ngoài áp dụng tiêu chuẩn chuồng nuôi mới, ông Quế còn đầu tư hệ thống máng chứa thức ăn theo mô hình hiện đại, giúp tránh thức ăn lãng phí, gây ô nhiễm.
Đầu năm 2012, khởi điểm ông đầu tư 50 triệu đồng xây dựng 10 chuồng nuôi (trong đó có 3 chuồng nuôi heo nái), thay các chuồng nuôi cũ bằng xi măng thành chuồng sắt theo công nghệ mới.
Ông Quế cho biết: “Chi phí đầu tư loại chuồng này tuy khá lớn nhưng mình chỉ đầu tư một lần mà cái lợi về sau rất nhiều.
Cụ thể, tiết kiệm được diện tích, đảm bảo chuồng luôn khô ráo, thoáng mát, sạch sẽ; giảm được công chăm sóc cũng như vệ sinh chuồng trại.
Không những thế còn tiết kiệm được chi phí thú y, thuận tiện cho việc quản lý, đàn heo tăng trọng nhanh.
Đặc biệt, kiểu chuồng nái có nhiều ưu điểm giúp hạn chế được dịch bệnh cho cả heo mẹ và con.”
Đến nay ông Quế đã đầu tư được 17 chuồng nuôi heo thịt quy mô 70 con và 5 chuồng heo nái 15 con, là nơi cung cấp nguồn heo giống duy nhất trên địa bàn huyện miền núi A Lưới.
Ông Quế nhẩm tính: “Với số lượng heo hiện tại, mỗi năm cơ sở xuất chừng 150 con heo thịt và trên 250 con heo giống, cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 150 triệu đồng.”
Theo ông Quế, muốn nuôi heo đạt hiệu quả cao, yếu tố quan trọng là phải chọn được giống tốt.
Toàn bộ tinh heo giống ông Quế đều lấy từ cơ sở tin cậy của tỉnh Đồng Nai.
Bên cạnh đó, còn phải biết phối giống đúng thời điểm, chăm sóc nuôi dưỡng tốt, khẩu phần thức ăn phải đảm bảo đủ nhu cầu, chủng ngừa đầy đủ và điều trị bệnh hiệu quả.
Ông Lê Anh Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Thủy đánh giá: “Trên địa bàn huyện A Lưới, nguồn heo giống vô cùng khan hiếm.
Mỗi ngày bà con phải nhập hàng trăm con heo giống từ xuôi lên.
Nếu mô hình của ông Quế được nhân rộng hiệu quả thì sẽ tạo thu nhập cho không ít hộ gia đình khác ở địa phương.”
Qua hơn 20 năm bám trụ với nghề nuôi heo thương phẩm và mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi heo bằng công nghệ mới, giờ đây hộ ông Văn Đình Quế có một khoản thu nhập khá, đảm bảo kinh tế ổn định cho gia đình.
Hiện ông cũng mở đại lý bán thức ăn tại nhà để tăng thêm thu nhập.
Nói về dự định trong thời gian tới, ông Quế cho biết sẽ đầu tư thêm các chuồng nuôi cũng như thí điểm tiếp mô hình nuôi heo bằng đệm lót sinh học, vừa giảm chi phí đầu tư, công chăm sóc vừa góp phần bảo vệ môi trường.
“Ông Văn Đình Quế là một hội viên có nhiều mạnh dạn, sáng tạo trong các mô hình chăn nuôi nông nghiệp tại địa phương.
Mấy chục năm trong nghề, bằng sự nhiệt thành, gặt hái nhiều hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, ông Quế đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Hội Nông dân các cấp.”- ông Nguyễn Văn Châu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện A Lưới, nhận xét.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu tháng 11 âm lịch đến nay, các hộ ngư dân nuôi cá lồng bè trên biển trên đầm Thị Nại tại phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định điêu đứng vì cá giống khan hiếm và giá cao, trong khi đó cá nuôi thương phẩm hạ giá nhưng không có thương lái đến mua.
Vợ chồng anh Huỳnh Tấn Phát ở thôn Khánh Giang là người đầu tiên ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) thực hiện mô hình nuôi heo "khép kín" trên cơ sở đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại và hầm biogas. Anh chị đã có nguồn thu đáng kể từ chăn nuôi vừa đảm bảo giữ sạch môi trường.
Hiện nay, trên địa bàn Dak Lak đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng bè trên hồ chứa với tổng số 200 lồng, chủ yếu tập trung tại một số hồ chứa lớn.
Đêm 25-12 rạng sáng ngày 26-12, tại các lồng nuôi cá lồng bè của 8 hộ dân trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu) đã xảy ra tình trạng cá bớp chết đồng loạt thiệt hại gần 3 tấn trong ngày 25-12, lại tiếp tục chết thêm gần 2 tấn cá bớp và hơn 100 con cá chim, loại 300 – 400 gram/con.
Đưa chúng tôi ra thăm khu vườn mía sau nhà, anh Nguyễn Văn Phú ở thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên (Bắc Giang) cho biết trước đây khu vườn này trồng vải thiều nhưng hiệu quả kinh tế thấp.