Nuôi hà sú ở Quảng Yên Quảng Ninh
Nhìn bề ngoài, hà và hàu có hình dáng tương đối giống nhau.
Tuy nhiên, quan sát kỹ sẽ thấy hà có vỏ bên ngoài sần sùi, sắc cạnh không phẳng, nhẵn như hàu. Hà sống bám vào chân núi đá và quanh gốc cây sú, vẹt. Ở vùng biển Quảng Ninh, hà được đánh bắt tại nhiều nơi, nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến hà Quảng Yên…
Khi mua hà ruột về chế biến chỉ cần rửa qua, nêm một chút mắm muối vì bản thân hà đã mặn rồi. Hà có thể ăn sống, sốt với cà chua, hay đem nấu nước chua với me, cũng có thể nấu cháo hoặc làm món trộn với trứng làm chả...
Chị Ngô Thị Sinh đang gỡ ruột hà bán cho khách.
Trước đây, hà được khai thác tự nhiên là chủ yếu. Việc đánh bắt hà rất vất vả, dân chài phải đi thuyền nhỏ men theo chân núi đá, hoặc ra bãi sú cạy hà ra khỏi gốc cây, hốc đá (gọi là đánh hà).
Sau đó phải dùng vật nhọn tách ruột ra khỏi lớp vỏ cứng. Thao tác phải thật khéo không để vỏ vỡ vụn làm ruột hà dính sạn.
Chị Ngô Thị Sinh (ở khu 5, phường Phong Hải, TX Quảng Yên) là người chuyên bán hà ở chợ nên rất thạo việc chế biến hà.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Sinh cho biết, việc tách hà lấy ruột nếu không có kinh nghiệm sẽ mất khá nhiều thời gian. Như chị, mặc dù đã khá thành thạo thì một ngày cũng chỉ tách được chừng dăm, bảy cân.
Với số lượng như vậy, hầu như không hôm nào bán bị ế cả vì ngay tại TX Quảng Yên này thôi, sức tiêu thụ hà cũng đã rất lớn rồi.
Việc đánh bắt hà tự nhiên làm cho nguồn hà sú ngày càng khan hiếm.
Cây sú, vẹt trồng làm rừng ngập mặn cũng bị ảnh hưởng. Vì vậy, mấy năm gần đây, bà con ngư dân đã rất sáng tạo đem xỏ dây vào vỏ hà khô mang căng ra bãi triều để nuôi hà.
Gọi là nuôi nhưng thực ra chẳng tốn tiền thả giống, chẳng cần chăm sóc; cứ treo vỏ hà khô đợi thuỷ triều lên, ấu trùng hà trôi dạt theo con nước, bám vào những chiếc vỏ và lớn lên trên đó.
Đợi hà lớn, người ta chỉ cần mang dao ra mà cắt xuống. Cứ hết lứa nọ lại kế tiếp lứa kia, vụ này tiếp nối vụ khác.
Nơi được nuôi nhiều nhất là bãi triều xã Hoàng Tân. Cứ đến tháng ba hàng năm bà con xã Hoàng Tân lại thả nuôi hà.
Một năm, con hà cho thu hoạch rộ từ tháng 10 âm lịch cho đến tháng 7 năm sau. Con hà vào đúng mùa sẽ béo hơn, cho nhiều ruột hơn. Mỗi cân hà vỏ bán ngay tại bãi cũng được 10.000 đồng, còn nếu tách ruột bán thì khoảng 80.000 một cân.
Mỗi hộ nuôi hà ở Hoàng Tân hiện nay thả từ 1 vạn đến 10 vạn dây. Cứ 1 vạn dây sẽ thu được chừng 1 tấn hà vỏ.
Như thế một hộ sẽ thu được vài trăm triệu đồng từ con hà mà chi phí đầu tư lại không đáng là bao. Cách nuôi sáng tạo này không những đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt mà còn góp phần hạn chế tình trạng cây sú vẹt bị chết, góp phần bảo vệ rừng ngập mặn.
Được biết, toàn xã Hoàng Tân hiện có khoảng 600ha bãi triều có tiềm năng nuôi hà treo dây.
Dù toàn xã đã có đến 90% các hộ dân nuôi hà nhưng diện tích bãi triều chưa được khai thác vẫn còn rất nhiều.
Để tận dụng nguồn lợi tự nhiên của các bãi triều, khai thác hà sú có hiệu quả hơn nữa, TX Quảng Yên cần tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nuôi hà, quy hoạch phát triển vùng nuôi gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo thị trường tiêu thụ ổn định.
Có thể bạn quan tâm
Kỹ sư Nguyễn Đình Quyền - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty cổ phần Giang Ly, người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật nuôi cá nước lạnh ở trạm cá Klong Klăn cho biết: “Trứng cá tầm được xem là bài thuốc trị bệnh yếu sinh lý một cách vô cùng hiệu quả. Giá trung bình một kg trứng cá tầm là 2.500USD”.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa ban hành quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Tiền Giang có hơn 550.000 con heo và sản lượng thịt hơi hàng năm cung cấp cho thị trường trên 120.000 tấn. Tuy nhiên, giá heo hơi trên thị trường giảm mạnh trong một thời gian dài, khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thua lỗ nặng, một số hộ không còn khả năng tái đầu tư đành ngậm ngùi “treo chuồng”.
Không phải đến bây giờ, câu chuyện về rau an toàn mới được người tiêu dùng và các ngành chức năng quan tâm. Cách đây cả chục năm, hàng loạt dự án rau an toàn với quy mô lớn nhỏ được xây dựng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, nhưng rồi phần nhiều trong số đó đều gặp những vấn đề nan giải từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.
Từ ngày 29/3 đến 2/4, Phòng Kinh tế TX Sông Cầu (Phú Yên) phối hợp với Trung tâm Quốc gia quan trắc cảnh báo môi trường và Phòng dịch bệnh thủy sản khu vực miền Trung (thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III) lần lượt tổ chức 7 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm hùm tại các địa phương có nghề nuôi tôm hùm ở thị xã.