Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sầu… vì sầu riêng

Sầu… vì sầu riêng
Ngày đăng: 24/07/2015

Trái non rụng sớm

Mấy tuần qua, Khánh Sơn đón mưa đầu mùa. Đứng trên đồi thông Kô Lắk (xã Sơn Bình), phóng tầm mắt về phía trung tâm xã, chúng tôi thấy nhiều vườn sầu riêng đang trở mình, vươn chồi sau những tháng nắng hạn liên tiếp. Thấy chúng tôi có vẻ vui vì Khánh Sơn đã bớt khô hạn, ông Lê Anh Quang - cán bộ khuyến nông xã Sơn Bình cho hay: “Nhìn sầu riêng xanh tốt vậy nhưng năm nay chẳng được mấy trái. Người trồng sầu riêng đang đứng ngồi không yên. Cách đây khoảng 1 tháng, sầu riêng bị rụng trái non đầy gốc, thậm chí có vườn cả trăm cây nhưng chỉ có 10 - 15 cây còn trái để thu hoạch, còn lại gần như mất trắng”.

Trong câu chuyện với ông Quang, chúng tôi được biết, như nhiều người dân khác trên địa bàn huyện, gia đình ông cũng tập trung phát triển vườn nhà. Vườn có chôm chôm, mít nghệ, nhưng nhiều nhất vẫn là sầu riêng - loại đặc sản có giá trị kinh tế cao. Ông Quang đã trồng gần 150 cây sầu riêng trên diện tích 1,1ha. Thế nhưng hiện nay, vườn chỉ có hơn 40 cây cho thu hoạch, số cây còn lại đã rụng trái đến 70 - 80%. “Tuy chúng tôi đã tìm đủ cách để cây sầu riêng không rụng trái, thậm chí có hộ còn thuê cả kỹ sư nông nghiệp ở miền Tây ra để cứu sầu riêng nhưng cũng đành bó tay. Xã Sơn Bình có 80ha sầu riêng đến tuổi thu hoạch, nhưng có đến 2/3 diện tích bị hư hại nặng. Một số hộ đầu tư trồng sầu riêng với diện tích lên đến 10ha, chăm sóc kỹ lưỡng nhưng cũng bị thiệt hại”.

Đến thăm vườn sầu riêng của gia đình anh Cao Văn Lợi (thôn Liên Hòa), anh giới thiệu cây sầu riêng giống Monthong “khủng” nhất của mình. Năm trước, cây này cho thu hoạch hơn 100 trái, sản lượng đạt hơn 300kg. Thế nhưng năm nay, cây chỉ còn duy nhất 1 trái và đang bị còi cọc. Nhìn những cây sầu riêng khác lưa thưa trái, anh Lợi buồn rầu: “Gia đình tôi trồng 60 cây sầu riêng trên diện tích 0,4ha. Năm nay, vườn có đến 50 cây bị rụng gần hết trái non, chỉ còn 10 cây cho thu hoạch. Không riêng tôi mà nhiều gia đình khác cũng bị tình trạng tương tự”. Người đàn ông có kinh nghiệm hơn 15 năm trồng sầu riêng này cho biết, chưa bao giờ người trồng sầu riêng ở Khánh Sơn bị thiệt hại nặng như năm nay.

Năm nay, cây sầu riêng này của nhà anh Cao Văn Lợi chỉ đậu được 1 trái

Tuy mặt trời đã ở trên đỉnh đầu, nhưng ông Hồ Vĩnh Tại (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) vẫn quanh quẩn trong vườn sầu riêng. Trong vườn của ông Tại có 50 cây sầu riêng, ông nhớ nằm lòng đặc điểm của từng cây như: được trồng bao lâu, cho trái lần đầu vào lúc nào, sản lượng từng cây qua các năm. Dù đã có nhiều kinh nghiệm, ông Tại vẫn phải chịu thua trước cảnh sầu riêng rụng trái. Nhìn trái non rụng đầy gốc, ông Tại ngán ngẩm: “Những năm trước, cây nào rụng trái nhiều nhất cũng chỉ 15 - 20%. Năm nay, thời tiết diễn biến thất thường, nông dân chúng tôi không thể lường hết được những khó khăn”.

Đâu là nguyên nhân?

Mang câu chuyện này đi hỏi ngành chức năng, chúng tôi mới vỡ lẽ, những cơn mưa chuyển mùa đã làm sầu riêng Khánh Sơn rụng trái non. Ông Cao Liên - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình phân tích: “Năm nay, tình trạng khô hạn ở địa phương rất gay gắt. Nhiều diện tích cây trồng không đủ nước tưới. Do nắng hạn, cây thiếu nước một thời gian dài, khi gặp mưa đầu mùa trong thời gian ra trái non, sầu riêng bị “sốc” nước, khiến tỷ lệ trái rụng nhiều bất thường”. Ông Tại cho rằng: “Sầu riêng từ khi đậu trái đến khi phát triển, nếu gai chưa bung mà gặp mưa, cây ra lá non thì chắc chắn trái sẽ bị rụng. Nếu qua khỏi giai đoạn này thì không còn bị ảnh hưởng”.

Trái non rụng đầy gốc

Về tình hình thiệt hại của cây sầu riêng, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, trên địa bàn huyện có 402ha sầu riêng, trong đó có 398ha đã cho thu hoạch (phần lớn là giống Monthong). Qua thống kê sơ bộ, toàn huyện có hơn 50% diện tích sầu riêng bị thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, tỷ lệ rụng trái lên đến 70%. Loại sầu riêng bị thiệt hại chủ yếu là giống Monthong, còn giống Ri 6 hay Chín Hóa ít bị ảnh hưởng. “Năm nay, chỉ những vườn sầu riêng ở gần sông, suối, chủ động được nước tưới thường xuyên mới không bị thiệt hại. Trên địa bàn huyện chỉ có duy nhất vườn sầu riêng của gia đình ông Cao Văn Sang (xã Sơn Bình) không bị thiệt hại”, ông Hiếu cho biết.

Tham quan vườn sầu riêng khoảng 12ha của gia đình ông Cao Văn Sang, chúng tôi có thể phần nào hiểu được vì sao vườn này không bị ảnh hưởng. Ông Sang đã đầu tư rất nhiều cho cây sầu riêng. Nguồn nước tưới được chủ động, hệ thống tưới nhỏ giọt đã được đầu tư bài bản, cây được tưới nước chủ động nên không bị “sốc” khi gặp mưa đầu mùa. Để chăm sóc vườn sầu riêng, ông Sang còn mời một số kỹ sư nông nghiệp am hiểu về cây sầu riêng lo khâu kỹ thuật. Được biết, vườn sầu riêng của gia đình ông Sang có thể cho thu nhập lên đến vài tỷ đồng.

Người trồng thất thu

Năm nay, giá sầu riêng tăng cao hơn so với mọi năm. Thế nhưng, thông tin này không giúp nông dân bớt ưu phiền. Ông Lợi nói: “Năm trước, vườn sầu riêng của gia đình tôi thu được hơn 7 tấn trái, bán với giá 18.000 đồng/kg (thương lái cắt tại vườn), thu nhập gần 130 triệu đồng. Năm nay, giá sầu riêng cao ngất ngưởng. Thương lái đã đặt cọc để mua với giá 26.000 đồng/kg, nhưng nhà vườn lại không có sầu riêng để bán. Vườn của gia đình tôi có thể chỉ thu được 1,5 tấn trái”. Một trong những hộ thất thu nhiều nhất trong vụ sầu riêng năm nay ở Sơn Bình là hộ ông Đậu Dương Trần Nguyễn với hơn 1.500 cây (diện tích 10ha). Những năm trước, ông Nguyễn thu được hơn 100 tấn trái, nhưng năm nay có thể chỉ thu được khoảng 50 tấn. Với giá bán sầu riêng như hiện nay, ông Nguyễn thất thu khoảng 1,5 tỷ đồng...

Ông Hiếu cho biết: “Trước ảnh hưởng của nắng hạn năm nay, nhiều loại cây ăn quả, cây công nghiệp trên địa bàn huyện đều bị giảm năng suất rất lớn. Trong đó, sản lượng sầu riêng của huyện dự kiến sẽ giảm khoảng 50%. Mặc dù giá sầu riêng cao hơn mọi năm, người trồng vẫn bị thất thu...”. Được biết, để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, thời gian tới, huyện sẽ chú trọng hình thành các vùng chuyên canh, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Huyện cũng đang kiến nghị tỉnh sớm đầu tư các hồ chứa nước ở Sơn Trung, Sơn Hiệp, Sơn Lâm để phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Rời Khánh Sơn, chúng tôi vẫn còn thấy ánh mắt buồn rười rượi của những người trồng sầu riêng nơi đây. Quanh năm chăm sóc cho loại cây hái ra tiền này, nhưng đến khi sắp thu hoạch, họ lại bị thất thu. Mùa sầu riêng năm nay dường như chưa mang đến niềm vui chung cho nông dân…

Ông Đinh Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn: Tình trạng sầu riêng rụng trái đã xác định được nguyên nhân, nhưng người dân không thể khống chế. Vụ thu hoạch sầu riêng đang đến rất gần nhưng nông dân kém vui khi năng suất giảm. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương thống kê thiệt hại các loại cây trồng (trong đó có sầu riêng) để kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ. Về lâu dài, UBND huyện sẽ chỉ đạo ngành chuyên môn tìm hiểu sâu về những biện pháp khắc phục tình trạng sầu riêng rụng trái non để hướng dẫn cho nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Ngành nông nghiệp Quảng Ngãi 70 năm phát triển toàn diện Ngành nông nghiệp Quảng Ngãi 70 năm phát triển toàn diện

Trong 70 năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Ngãi không ngừng lớn mạnh và gặt hái những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, tích cực cải thiện đời sống của người dân, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh.

15/11/2015
Đìu hiu nghề nuôi nhông Đìu hiu nghề nuôi nhông

Mặc dù nhông là con vật dễ nuôi, có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ mạnh, thế nhưng chỉ sau vài năm thành lập Tổ hợp tác nuôi nhông xã Bình Thạnh (Bình Sơn), từ 24 thành viên, đến nay chỉ còn vài hộ giữ lại nghề này...

15/11/2015
Con chim biết chọn phân tử, hay xu hướng đậu nành không biến đổi gen ở thế kỷ XXI Con chim biết chọn phân tử, hay xu hướng đậu nành không biến đổi gen ở thế kỷ XXI

Khi viết bài này, tôi chợt nhớ tới tên một truyện ngắn nổi tiếng của cố nhà văn Nhật Tuấn (vừa qua đời), tên truyện ngắn ấy là :“Con chim biết chọn hạt”.

15/11/2015
Mong sớm được xóa nợ Mong sớm được xóa nợ

Đời sống khó khăn, ngư lưới cụ phục vụ đi biển thiếu thốn, 84 hộ dân ở thôn Đông Thuận, xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) thuộc diện di dời phục vụ Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NMLD DQ) được Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) cho vay vốn giải quyết việc làm.

15/11/2015
Chất cấm trong chăn nuôi không thể dung túng Chất cấm trong chăn nuôi không thể dung túng

Dù ngành nông nghiệp đã và đang ráo riết vào cuộc, nhưng việc dùng chất cấm trong chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

15/11/2015