Phòng, Chống Sương Mù Gây Hại Hoa Tết
Thời tiết những ngày qua thất thường, tình trạng sương mù xuất hiện nhiều ngày liền khiến cho người trồng hoa tại làng hoa Sa Đéc lo lắng về năng suất vụ hoa Tết Nguyên đán sắp tới.
Hơn 2 tuần qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trở lạnh hơn vào sáng sớm và chiều tối thường xuất hiện sương mù dày đặc, người trồng hoa tại làng hoa Sa Đéc đang lo lắng về tình trạng đốm lá, thối rễ, rụng lá, hoa không nở đúng dịp Tết... sẽ gây thất thu lớn cho nhà vườn.
Ông Trần Thanh Xuân ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc cho biết: “Vụ hoa Tết năm nay, gia đình tôi trồng 10.000 chậu hoa các loại, chủ yếu là hoa hồng, cúc đồng tiền, dạ yến thảo... Thời điểm này, nhiều chậu hoa trong vườn có dấu hiệu bị rụng hết lá, cây không thể đâm chồi và ra hoa, một số chậu hoa bị bệnh nặng phải bỏ vì sợ lây lan sang chậu khác. Tôi mong thời tiết trong những ngày tới tốt hơn để người dân có thể chăm sóc hoa thuận lợi hơn”.
Đây không phải là nỗi lo riêng của gia đình ông Xuân mà là nỗi lo chung của hầu hết người dân trồng hoa tại làng hoa Sa Đéc. Như hộ ông Trần Thanh Toản ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, tuy có kinh nghiệm trồng hoa lâu năm, nhưng hiện nay, ông cũng đang lo lắng vì thời tiết năm nay diễn biến khá thất thường, khi không có biện pháp ứng phó kịp thời có thể ảnh hưởng đến vườn hoa đang chuẩn bị bán Tết của gia đình.
Ông Nguyễn Đức Thọ - Chủ tịch Hội Nông dân phường Tân Quy Đông cho biết: “Năm nay sương mù xuất hiện nhiều, lại đúng vào giai đoạn cây đang cho hoa, vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều hộ dân trồng hoa.
Trong thời gian này, người dân cần phải lưu ý tưới nước cho cây để xả mù sương, đối với những chậu có dấu hiệu úng lá, phải cho cây có khoảng cách rộng giữa các chậu để cây hấp thụ ánh nắng nhiều hơn, phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện bệnh của cây để sớm có biện pháp xử lí kịp thời. Hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng các loại phân hóa học. Bên cạnh đó, người dân nên chú ý cơi hoa đợt cuối (cắt đọt) đúng thời điểm để hoa ra đúng dịp Tết Nguyên đán”.
Hiện tại, nhiều hộ nông dân trồng hoa tại làng hoa Sa Đéc đang tất bật xử lý để hoa kịp nở rộ vào đúng Tết, tích cực áp dụng nhiều biện pháp đối phó với thời tiết khắc nghiệt để có hoa phục vụ cho nhu cầu Tết.
Theo nhiều hộ dân, dù năm nay người trồng hoa gặp nhiều khó khăn do thời tiết không thuận lợi có thể ảnh hưởng đến chất lượng hoa, nhưng năm nay lượng hoa sẽ đủ cung ứng nhu cầu phục vụ Tết và giá nhiều loại hoa có thể tăng nhẹ so với năm trước.
Có thể bạn quan tâm
Nói đến mô hình chuyển đổi đất trồng mía sang trồng cây chanh ở huyện Bến Lức (Long An), phải kể đến anh Phạm Văn Nhuận ở ấp 3, xã Thạnh Hòa là người đi đầu trồng chanh ở huyện với 3,5 ha, thu hơn 1,5 tỷ đồng.
Nông dân Cà Mau đang đối mặt với vụ nuôi tôm công nghiệp (NTCN) không thành công bởi dịch bệnh đốm trắng và gan tụy cấp tiếp tục hoành hành. Chính vì thế, việc tìm giải pháp căn cơ để gỡ khó cho ngành kinh tế mũi nhọn này là việc làm cấp bách.
Nhằm khai thác thế mạnh vùng nước ngọt để phát triển nuôi thủy sản, tỉnh Long An quy hoạch đến năm 2020 chuyển 10.000 ha đất trồng lúa 2 vụ sang nuôi trồng thủy sản, để cân đối lại diện tích sản xuất lúa trong tỉnh.
Vụ tôm xuân hè năm 2013, gia đình anh Lê Phú Tâm, thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa), thu hoạch tôm he chân trắng đạt năng suất 15 tấn/ha.
Được mệnh danh là “vua ong” ở Tuyên Quang, sở hữu trong tay gần 1.500 đàn ong mật, mỗi năm cho thu nhập trên dưới 1,3 tỷ đồng, mô hình nuôi ong lấy mật của anh Trần Xuân Phong ở thôn Phúc Lộc A, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang đã và đang trở thành địa điểm tham quan, học tập tin cậy cho nhiều hộ trong và ngoài tỉnh trên con đường thoát nghèo bền vững.