Nuôi Dê Phù Hợp Với Người Ít Vốn

“Nếu đã ít đất canh tác, lại còn thiếu vốn, chăn nuôi dê là sự lựa chọn phù hợp” - chị Nguyễn Thị Chuẩn, chủ trại dê ở thôn Hàng Lang, xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), chia sẻ.
Chị Chuẩn lý giải rất hợp lý: Chăn nuôi trâu bò, đòi hỏi phải có nhiều vốn và điều kiện chăn thả cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Trong khi đó, chỉ cần tầm 7 triệu đồng là đã có một cặp dê giống. Hơn nữa, dê còn có khả năng kháng bệnh cao và không chiếm quá nhiều diện tích đất làm chuồng trại, nên mô hình này rất phù hợp với những ai ít vốn hoặc những người mới bắt đầu khởi nghiệp.
Sau khi tìm hiểu kỹ các mô hình chăn nuôi, phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, chị Nguyễn Thị Chuẩn đã bỏ ra gần 100 triệu đồng để đầu tư chuồng trại và mua 24 con dê giống về nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, nên đàn dê của gia đình chị Chuẩn sinh sản tốt và ngày càng phát triển. Đến nay, chưa đầy một năm chăm sóc, đàn dê của gia đình chị Nguyễn Thị Chuẩn đã tăng lên 60 con.
Chị cho biết: “Dê là loài vật ăn tạp nên rất dễ nuôi. Nguồn thức ăn cho dê phong phú, chủ yếu là cây cỏ có sẵn ở địa phương. Chuồng trại cũng hết sức đơn giản. Nuôi dê ít tốn công chăm sóc mà khả năng thu hồi vốn nhanh, hiệu quả kinh tế rất rõ ràng”.
Theo chị Chuẩn, một năm, dê sinh sản 2 lứa, mỗi lứa từ 1 - 2 con. Sau 6 tháng nuôi, trung bình dê đạt từ 25 - 30kg là có thể xuất bán. Ở thời giá hiện nay, 1kg thịt dê bán 120.000 đồng. Như vậy, với đàn dê hiện tại, hứa hẹn mang về cho gia đình chị Nguyễn Thị Chuẩn một nguồn lợi khá lớn. Ngoài ra, chị Chuẩn còn cung cấp dê giống cho các gia đình có nhu cầu nuôi ở địa phương và các vùng lân cận.
Chồng chị Nguyễn Thị Chuẩn, anh Điểu Hòa, cho biết thêm: “Trong tay có khoảng 8 triệu đồng là đã nuôi được dê. Giá 1 con dê giống hiện dao động từ 3 - 4 triệu đồng. Mua một cặp dê đầu tư ban đầu 8 triệu đồng. Chăm sóc gần một năm, cặp dê này bắt đầu sinh sản”.
Cũng theo anh Điểu Hòa, nuôi dê theo hình thức chăn thả hoặc nuôi nhốt trong chuồng trại đều được. Tùy vào điều kiện địa phương và gia đình để có cách chăn nuôi phù hợp. Tuy nhiên, nuôi dê theo phương thức nhốt chuồng sẽ có nhiều lợi ích hơn, như: Không mất công chăn thả, không bị lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài... Chăn nuôi theo hình thức này còn tránh được rủi ro bị mất dê và còn có nguồn phân để chăm bón cà phê, chè cũng như những loại cây trồng khác.
Theo vợ chồng anh Điểu Hòa, để chăn nuôi dê đạt hiệu quả kinh tế, ngoài kinh nghiệm tích lũy được, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi cũng hết sức quan trọng. Từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê đều phải đảm bảo đúng kỹ thuật.
Dê là loài không ưa độ ẩm cao, nên chuồng trại cần phải quét dọn, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng thường xuyên. Nếu phát hiện dê bị bệnh, cần cách ly và chữa trị kịp thời để tránh lây nhiễm, gây thiệt hại cho cả đàn. “Thường thì dê hay gặp bệnh ghẻ mồm. Bệnh này chữa trị khá đơn giản. Cắt đôi quả chanh rồi xát mạnh vào chỗ ghẻ cho đến khi bong tróc mới thôi. Lặp lại 3 - 4 lần như vậy, bệnh ghẻ mồm sẽ khỏi” - anh Điểu Hòa trao đổi kinh nghiệm.
Qua khảo sát thực tế, thị trường dê giống và dê thịt hiện đang “hút hàng”, nguồn “cung” chưa đủ “cầu”. Việc chăn nuôi dê không cần nhiều vốn (có ít thì nuôi ít rồi gây đàn), không tốn chi phí thức ăn (chỉ bỏ công cắt cỏ, lá có sẵn), kỹ thuật nuôi không quá khó và tận dụng được điều kiện sẵn có ở địa phương. Nếu được nhân rộng, mô hình này sẽ là một hướng đi mới, rất phù hợp với bà con nông dân, nhất là những hộ nghèo, ít vốn ở nông thôn.
Related news

Sau lần thất bại từ việc nuôi gà thả vườn, vốn liếng cạn kiệt dần nhưng anh không nản lòng mà tiếp tục cố gắng tìm hướng đi mới. Hiện tại, anh đã thành công với mô hình nuôi chim trĩ đỏ. Tại địa phương, anh được nhiều người biết với cái tên thường gọi là “anh Quyền chim trĩ”.

Nguyên nhân là do lúa cắt bằng máy gặt đập liên hợp nên lượng rơm nguyên liệu để chất nấm không nhiều, người trồng nấm phải mua rơm từ các nơi khác hoặc thuê nhân công gom rơm từ các đồng sau khi thu hoạch, chi phí phát sinh thêm từ 100.000-150.000 đồng/công. Tuy nhiên với giá cả và đầu ra ổn định, nông dân trồng nấm đạt lợi nhuận từ 3-6 triệu đồng/công/vụ.

Do ảnh hưởng của mưa dầm trong những ngày qua, đã làm cho nhiều diện tích lúa Hè thu đang chín của nông dân trên địa bàn huyện Long Mỹ (Hậu Giang) bị đổ ngã, từ đó dẫn đến tiến độ thu hoạch chậm, năng suất giảm do bị thất thoát, đặc biệt nhiều diện tích không thể thu hoạch bằng máy mà chuyển sang cắt tay nên đẩy chi phí tăng cao.

Ông Nguyễn Văn Út, nông dân ở thôn Hòa Đại, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát), canh tác 5 sào mì, ngao ngán: Vụ mì năm ngoái, giá mì tươi tăng liên tục, vào chính vụ thương lái mua tại ruộng lên đến 1.800đ/kg, thu hoạch đến đâu thương lái đến tận ruộng mua ngay đến đó. Còn vụ này, giá mì tươi giảm mạnh, đầu vụ giá từ 1.400 - 1.500đ/kg, còn bây giờ rớt xuống 1.200 - 1.300đ/kg. Với mức giá này, nông dân trồng mì chỉ từ huề vốn đến thua lỗ chứ không có lãi.

Từ những nghiên cứu, ứng dụng các TBKHKT đến trồng thực nghiệm để tìm ra những giống mới năng suất, chất lượng, qua đó, giới thiệu các giống mới đến với nông dân, giúp họ có thêm nhiều mùa vàng bội thu, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho gia đình và địa phương.