Nuôi Cua, Tôm Kết Hợp Hiệu Quả Và An Toàn
Nuôi cua xanh kết hợp tôm sú là một mô hình nuôi mang lại hiệu quả và đang được người dân ven biển ở TX Sông Cầu nhân rộng. Mô hình này vốn đầu tư ít, cua có thể ăn thức ăn thừa trong ao nên giúp cải tạo môi trường đáy ao, ít đầu tư về thời gian và công chăm sóc, không sử dụng thuốc nhiều như nuôi tôm chuyên canh.
Hiện nay, cua xanh thương phẩm được coi là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả và được bà con các vùng nuôi áp dụng bằng hình thức nuôi đơn hoặc nuôi ghép với đối tượng nuôi khác. Hình thức nuôi ghép cua xanh được bà con vùng nuôi trồng thủy sản xã Xuân Hải (TX Sông Cầu) thực hiện từ mấy năm nay.
Ông Nguyễn Văn Trương ở thôn 5, xã Xuân Hải là một trong những hộ đã thành công với cách nuôi kết hợp này. Vì ao nuôi nằm trong vùng chuyên canh nuôi tôm, nên nguồn nước, chất đất cũng phù hợp với tập tính sinh sống của cua, giúp cua phát triển tốt. Ông thả cua trước khoảng 35 đến 40 ngày, sau đó mới thả tôm.
Với diện tích 3,2ha, mỗi vụ ông Trương thả khoảng 10 vạn con cua giống và tôm sú khoảng 5 vạn con. Thời gian nuôi từ 5 đến 6 tháng, khi cua đạt trọng lượng khoảng 3 con/kg là có thể thu hoạch. Cua được thu hoạch trước và rải rác, tôm thu hoạch sau.
Ông Nguyễn Văn Trương cho biết: “Nhờ tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức, qua nghiên cứu tài liệu, tờ rơi và được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nên tôi mới mạnh dạn đầu tư nuôi cua theo kiểu xen canh này.
Khi cua còn nhỏ, cho cua ăn vào lúc sáng sớm và chiều mát, cua lớn hơn thì cho ăn một lần trong ngày. Thường xuyên thay nước và kiểm tra sức khỏe tôm, cua để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bệnh.
Thay nước cũng giúp giữ được nguồn nước sạch, phòng tránh cua bị nhiễm bệnh khi ở giai đoạn lột xác. Cách nuôi cua kết hợp tôm của ông Nguyễn Văn Trương tuy nhỏ lẻ nhưng bền vững và hiệu quả.
Theo ông Trương, nuôi cua kết hợp với tôm tuy lãi không nhiều như nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng đơn thuần, nhưng hiệu quả và an toàn hơn.
Bên cạnh đó, nuôi cua cùng với tôm sẽ cải thiện đáng kể môi trường ao nuôi, giúp hạn chế tình hình dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư…”. Trước đây, ông Nguyễn Văn Trương nuôi tôm sú, sau đó nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng hiệu quả bấp bênh vì dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Hơn 3 năm nay, ông Trương chuyển sang nuôi tôm kết hợp với cua xanh.
Thời gian đầu, giống cua được ông thu gom trong tự nhiên, gặp cua gì nuôi cua nấy, vì vậy sản lượng cua thành phẩm không đồng đều. Những vụ sau, ông Trương mua cua giống từ các trại sản xuất cua giống nhân tạo nên kích cỡ đồng đều, sạch bệnh, sức đề kháng cao, tốc độ tăng trưởng nhanh… nên ít bệnh.
Ông Nguyễn Văn Trương cho biết, chi phí đầu tư một vụ khoảng 15 triệu đồng. Với giá cua gạch hiện nay từ 240.000 đến 280.000 đồng/kg, cua y từ 140.000 đến 160.000 đồng/kg, bình quân mỗi vụ ông Trương lãi từ 35 đến 40 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí.
Từ thành công của việc nuôi tôm, cua kết hợp đã mở ra một hướng đi mới giúp bà con các vùng nuôi tận dụng các hồ nuôi tôm không hiệu quả chuyển sang nuôi cua, nhằm đa dạng hóa đối tượng, cải thiện môi trường nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người dân ven biển.
Có thể bạn quan tâm
“Chúng tôi khẳng định các công ty Việt Nam không bán phá giá mặt hàng filet cá tra, cá ba sa đông lạnh vào thị trường Hoa Kỳ. Việc Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với những mặt hàng này là không công bằng, đi ngược lại tinh thần tự do thương mại cũng như quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa hai nước, không phù hợp với quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.
Ông Trần Văn Quát, Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Châu Thành - địa phương có diện tích cây sapô lớn nhất tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay sapô đang là cây chủ lực của xã, đời sống nhân dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây sapô. Tới đây, diện tích trồng sapô của xã sẽ còn tăng lên bởi loại cây này dễ chăm sóc, có giá cả ổn định.
Báo cáo kết quả sản xuất lương thực trong năm, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, tổng sản lượng lương thực cả năm ước đạt gần 1,37 triệu tấn (đạt trên 103% kế hoạch đề ra). Trong đó, đối với cây lúa, diện tích gieo trồng cả năm trên 230.605 ha, năng suất bình quân 58,77 tạ/ha (tăng 1,53 tạ/ha so với năm 2013), sản lượng trên 1,35 triệu tấn; cây lương thực có hạt (chủ yếu là cây bắp) xuống giống trên 4.000 ha, sản lượng thu hoạch trên 14 nghìn tấn.
Hiện nay các địa phương trong tỉnh chuẩn bị các điều kiện về giống, đất đai để xuống giống vụ đông xuân 2014 – 2015. Năm nay do ảnh hưởng của hiện tượng El nino, lượng mưa các tháng tới có khả năng thiếu hụt. Để đảm bảo thắng lợi sản xuất vụ đông xuân sắp tới, một trong những giải pháp cần tập trung là tăng cường công tác phòng, chống hạn…
Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc, đồng thời đảm bảo chất lượng hàng hóa và tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu đã có công văn gửi các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản, thủy sản qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.