Nuôi Cua, Tôm Kết Hợp Hiệu Quả Và An Toàn

Nuôi cua xanh kết hợp tôm sú là một mô hình nuôi mang lại hiệu quả và đang được người dân ven biển ở TX Sông Cầu nhân rộng. Mô hình này vốn đầu tư ít, cua có thể ăn thức ăn thừa trong ao nên giúp cải tạo môi trường đáy ao, ít đầu tư về thời gian và công chăm sóc, không sử dụng thuốc nhiều như nuôi tôm chuyên canh.
Hiện nay, cua xanh thương phẩm được coi là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả và được bà con các vùng nuôi áp dụng bằng hình thức nuôi đơn hoặc nuôi ghép với đối tượng nuôi khác. Hình thức nuôi ghép cua xanh được bà con vùng nuôi trồng thủy sản xã Xuân Hải (TX Sông Cầu) thực hiện từ mấy năm nay.
Ông Nguyễn Văn Trương ở thôn 5, xã Xuân Hải là một trong những hộ đã thành công với cách nuôi kết hợp này. Vì ao nuôi nằm trong vùng chuyên canh nuôi tôm, nên nguồn nước, chất đất cũng phù hợp với tập tính sinh sống của cua, giúp cua phát triển tốt. Ông thả cua trước khoảng 35 đến 40 ngày, sau đó mới thả tôm.
Với diện tích 3,2ha, mỗi vụ ông Trương thả khoảng 10 vạn con cua giống và tôm sú khoảng 5 vạn con. Thời gian nuôi từ 5 đến 6 tháng, khi cua đạt trọng lượng khoảng 3 con/kg là có thể thu hoạch. Cua được thu hoạch trước và rải rác, tôm thu hoạch sau.
Ông Nguyễn Văn Trương cho biết: “Nhờ tham gia các lớp tập huấn do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tổ chức, qua nghiên cứu tài liệu, tờ rơi và được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nên tôi mới mạnh dạn đầu tư nuôi cua theo kiểu xen canh này.
Khi cua còn nhỏ, cho cua ăn vào lúc sáng sớm và chiều mát, cua lớn hơn thì cho ăn một lần trong ngày. Thường xuyên thay nước và kiểm tra sức khỏe tôm, cua để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu bệnh.
Thay nước cũng giúp giữ được nguồn nước sạch, phòng tránh cua bị nhiễm bệnh khi ở giai đoạn lột xác. Cách nuôi cua kết hợp tôm của ông Nguyễn Văn Trương tuy nhỏ lẻ nhưng bền vững và hiệu quả.
Theo ông Trương, nuôi cua kết hợp với tôm tuy lãi không nhiều như nuôi tôm sú hay tôm thẻ chân trắng đơn thuần, nhưng hiệu quả và an toàn hơn.
Bên cạnh đó, nuôi cua cùng với tôm sẽ cải thiện đáng kể môi trường ao nuôi, giúp hạn chế tình hình dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư…”. Trước đây, ông Nguyễn Văn Trương nuôi tôm sú, sau đó nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng hiệu quả bấp bênh vì dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Hơn 3 năm nay, ông Trương chuyển sang nuôi tôm kết hợp với cua xanh.
Thời gian đầu, giống cua được ông thu gom trong tự nhiên, gặp cua gì nuôi cua nấy, vì vậy sản lượng cua thành phẩm không đồng đều. Những vụ sau, ông Trương mua cua giống từ các trại sản xuất cua giống nhân tạo nên kích cỡ đồng đều, sạch bệnh, sức đề kháng cao, tốc độ tăng trưởng nhanh… nên ít bệnh.
Ông Nguyễn Văn Trương cho biết, chi phí đầu tư một vụ khoảng 15 triệu đồng. Với giá cua gạch hiện nay từ 240.000 đến 280.000 đồng/kg, cua y từ 140.000 đến 160.000 đồng/kg, bình quân mỗi vụ ông Trương lãi từ 35 đến 40 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí.
Từ thành công của việc nuôi tôm, cua kết hợp đã mở ra một hướng đi mới giúp bà con các vùng nuôi tận dụng các hồ nuôi tôm không hiệu quả chuyển sang nuôi cua, nhằm đa dạng hóa đối tượng, cải thiện môi trường nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người dân ven biển.
Related news

Không như những năm trước đây người dân chỉ trồng dưa để phục vụ cho Tết Nguyên đán, hiện nay rất nhiều nông dân trên địa bàn huyện Định Quán (Đồng Nai) đã tiến hành xuống giống dưa để chuẩn bị phục vụ cho dịp Tết Dương lịch 2014.

Với chất lượng ngon, ngọt nên xoài cát Hòa Lộc là một trong những loại trái cây được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, “điệp khúc trúng mùa, rớt giá” vẫn thường xuyên xảy ra. Chính vì vậy, một số nhà vườn ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để xử lý xoài ra hoa rải vụ nhằm bán được giá cao.

Theo đánh giá của Chi cục Thú y tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay tình hình dịch bệnh thuỷ sản có nhiều diễn biến phức tạp, tuy có giảm hơn so với năm 2012, nhưng một số dịch bệnh xuất hiện trong giai đoạn cuối tháng 5-2013, ở trên địa bàn huyện Tiên Yên với diện tích trên 600ha tôm sú tại xã Hải Lạng gây thiệt hại cho 311 hộ dân; trong tháng 6, dịch bệnh bùng phát tại phường Hà An (TX Quảng Yên) đã có 966.000 con tôm giống từ 45-70 ngày tuổi bị chết; dịch bệnh trên tu hài do nhiễm Perkinsus vẫn xảy ra rải rác tại các hộ nuôi mới ở huyện Vân Đồn; bệnh đốm trắng và vi khuẩn ở tôm thẻ chân trắng bị chết tại huyện Đầm Hà. Ngoài ra, một số lượng cá lồng bè bị chết ở Vân Đồn, Đầm Hà, Móng Cái... chưa phát hiện nguyên nhân cụ thể.

Mỗi năm đến tháng 10 âm lịch, lũ rút nhanh cũng là lúc cá từ đồng tìm đường ra sông. Mùa cá chỉ có duy nhất một lần trong năm nên người dân sống vùng sông nước lại hối hả chuẩn bị chài, lọp để đánh bắt.

Thái Thụy (Thái Bình) có trên 2.000 ha ao đầm nước ngọt và vùng chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Để giúp bà con đa dạng hóa đối tượng nuôi, Thái Thụy đã xây dựng thành công mô hình “nuôi cá rô phi lai xa dòng Chinchifu thương phẩm trong vùng chuyển đổi nước ngọt”, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá...