Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thị Trường Mùa Cúm Gia Cầm Người Chăn Nuôi Thấp Thỏm

Thị Trường Mùa Cúm Gia Cầm Người Chăn Nuôi Thấp Thỏm
Ngày đăng: 06/03/2014

Tại tỉnh Bến Tre, huyện Ba Tri phát triển nghề chăn nuôi vịt chạy đồng quy mô lớn nhất tỉnh. Nhiều hộ gia đình có nguồn thu nhập chủ yếu từ nuôi vịt thịt và nuôi vịt đẻ trứng. Thời gian qua, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở nhiều địa phương trong cả nước và các tỉnh lân cận Bến Tre, đã tác động mạnh đến đầu ra của sản phẩm gia cầm, khiến nhiều hộ chăn nuôi gia cầm lo lắng.

Thị trường gia cầm ảm đạm vì dịch cúm

Ông Nguyễn Văn Phụng, ngụ xã Mỹ Nhơn (huyện Ba Tri) cho biết: "Mấy hôm nay, tôi xem ti-vi nghe tình hình dịch cúm gia cầm H5N1 đang lan rộng ở nhiều tỉnh, tôi lo lắng quá. Người nuôi vịt đa phần là người nghèo, lợi nhuận từ nghề này không cao, chủ yếu lấy công làm lời, gặp phải dịch cúm gia cầm H5N1, dù đàn vịt của tôi vẫn khỏe mạnh nhưng cũng chịu chung cảnh bấp bênh đầu ra.

Vịt tới lứa bán rất chậm, trứng vịt cũng không có người hỏi mua". Theo ông Phụng, trước năm 2011, dịch cúm gia cầm H5N1 hoành hành trên đàn vịt nuôi đẻ trứng của gia đình ông, thiệt hại nặng nề đến giờ vẫn chưa trả hết nợ! Rồi thời tiết những năm gần đây diễn biến thất thường, gây bất lợi cho vật nuôi.

"Trước đây, mọi người thường nói vui: Nuôi vịt là cách ăn mót lúa đổ ngoài đồng, chỉ tốn công lao động. Nhưng bây giờ thì khác, vịt con mua về là phải chăm sóc từng ngày. Tôi đang nuôi 1.000 con vịt, được 1 tháng tuổi, đón ăn đồng của vụ lúa đông xuân rồi bán vịt thịt. Ngoài tiêm phòng vắc- xin đúng liều theo hướng dẫn của cơ quan thú y, tôi còn mua thuốc về pha vào nước cho vịt uống phòng ngừa các bệnh gan và cúm". Theo tính toán của người nuôi, vịt nuôi đến khi bán thịt, chi phí khoảng 70.000 đồng/con.

Hiện vịt thịt giá từ 38.000 - 39.000 đồng/kg, trung bình mỗi con vịt nặng 2kg, người nuôi vẫn còn lãi. Nhưng dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp, nhiều người lo lắng thị trường tiêu thụ sẽ gặp khó, giá vịt thịt giảm mạnh, người nuôi có thể lỗ nặng.

Ông Tống Viết Diện ở huyện Ba Tri hiện nuôi 500 con vịt đẻ, trung bình đàn vịt cho khoảng 380 trứng/đêm. Ông Diện nhẩm tính: "Vịt nuôi nhốt nên mỗi ngày đàn vịt ăn 3 bao thức ăn công nghiệp. Bán 100 trứng vịt mua một bao thức ăn mới có lãi (thức ăn mua trả tiền mặt giá 260.000 đồng/bao).

Sau Tết Nguyên đán 2014, giá trứng vịt ở mức 3.000 đồng/trứng (loại 1), với giá này, dù lời tương đối nhưng tôi rất hy vọng trả được khoản nợ mua thức ăn trong những tháng vịt thay lông. Nhưng đâu ngờ, các tỉnh lần lượt xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1, trứng vịt liên tục rớt giá, trứng vịt loại 1 chỉ còn 2.600 đồng/trứng, kiểu này chắc không trả được tiền nợ".

Người dân ở nhiều huyện trong tỉnh Bến Tre cũng thấp thỏm vì thị trường tiêu thụ gia cầm đang giảm mạnh. Người tiêu dùng có tâm lý e ngại mua thịt vịt, gà về ăn khi đang trong mùa dịch cúm gia cầm. Người nuôi đang mong dịch cúm gia cầm sớm lắng dịu.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trạm Thú y huyện Ba Tri, những năm gần đây, người chăn nuôi rất ý thức việc tiêm vắc- xin phòng, ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Những hộ nuôi quy mô nhỏ, không thuộc diện hỗ trợ vắc- xin vẫn tìm đến cơ sở thú y mua thuốc về tiêm phòng.

Đối với những hộ điều kiện kinh tế khó khăn, vật nuôi trở thành tài sản duy nhất của họ nên luôn quan tâm chăm sóc để bán có được khoản thu nhập lo cho cuộc sống gia đình. Nhờ vậy, mà nhiều năm liền trên địa bàn huyện không xuất hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Nhiều giải pháp ngăn chặn dịch bệnh

Thống kê của Trạm Thú y huyện Ba Tri, năm 2013, tỷ lệ tiêm phòng vắc- xin cho vật nuôi trong huyện đạt trên 80%. Từ tháng 1-2014 đến nay, có 19/24 xã, thị trấn thực hiện tiêm phòng vắc- xin, với tổng số lượng đàn 143.157 con, trong đó gà 26.087 con, vịt 117.070 con.

Trạm Thú y huyện đã nhận 290.000 liều vắc- xin và đã sử dụng 210.000 liều. Hiện 24/24 xã, thị trấn của huyện đã sử dụng 9.500 lít hóa chất thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tại 9.725 hộ chăn nuôi (56.173 con gia súc, 381.052 con gia cầm, 1.000 con cút). Huyện hiện có 145.798 con gà, 235.852 con vịt, bò 73.000 con.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trạm Thú y huyện Ba Tri, cho biết: "Huyện chưa phát hiện dịch bệnh xảy ra trên vật nuôi nhưng vẫn có nguy cơ rất cao.

Thời tiết diễn biến thất thường, các tỉnh lân cận đã xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1, nên chủ trương nhất quán của huyện là tăng cường công tác phòng ngừa dịch bệnh không chỉ dịch cúm gia cầm H5N1 mà còn các bệnh lở mồm long móng cho trâu, bò, heo, dê, cừu thuộc phạm vi vùng tiêm phòng bắt buộc, tiêm phòng, ngừa bệnh tai xanh (PRRS), phòng, ngừa bệnh dại chó, mèo và vệ sinh, tiêu độc, sát trùng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm".

Trạm Thú y huyện Ba Tri đã nhận vắc- xin đảm bảo cung cấp cho các xã tiêm cho vật nuôi tái đàn, vật nuôi tiêm chưa đủ liều. Huyện đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, với sự tham dự của lãnh đạo UBND và cán bộ thú y của tất cả xã, thị trấn.

Theo đó, các xã, thị trấn củng cố lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thống kê đàn gia súc, gia cầm để phục vụ cho công tác tiêm phòng, phun thuốc khử trùng vệ sinh tiêu độc. Từng xã phải xây dựng phương án phòng, chống dịch, kiểm tra giám sát và giả định tình huống có ổ dịch phát sinh để lên phương án xử lý.

Theo ông Phan Trung Nghĩa, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có tổng đàn gia cầm trên 5,53 triệu con, trong đó gà 3,82 triệu con, số còn lại là vịt, ngan, ngỗng. Hiện tỉnh chưa phát hiện dịch cúm gia cầm H5N1 nhưng nằm trong vùng uy hiếp của dịch bệnh (các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long và Tiền Giang đã xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1).

Ngành thú y tỉnh đã tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh để giảm thiệt hại cho các hộ chăn nuôi. Chủ động đề xuất và được Công ty thuốc Thú y Trung ương 1 cho tạm ứng trước 2,5 triệu liều vắc- xin H5N1. Số liều vắc- xin đã phân bổ cho các huyện, thành phố để tiếp tục triển khai tiêm phòng cho vật nuôi tái đàn, vật nuôi đã tiêm nhưng chưa đủ liều.

Chi cục Thú y tỉnh đã cấp phát cho các huyện hơn 3.000 lít hóa chất để tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch bệnh. Tỉnh và huyện đều thành lập đoàn công tác liên ngành, tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm xuất, nhập tỉnh.

Song song với công tác tiêm phòng, Chi cục Thú y tỉnh đã lấy mẫu giám sát lưu hành cúm H5N1 trên đàn vịt bán tại các chợ, một số hộ nuôi trước đây đã xảy ra ổ dịch cúm H5N1 thuộc các huyện Ba Tri, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre gởi Cơ quan Thú y vùng VI.

Theo ông Phan Trung Nghĩa, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh, kết quả xét nghiệm sẽ giúp cho tỉnh phát hiện vi-rút, xác định chủng vi-rút để lựa chọn vắc- xin phù hợp tiêm phòng dịch bệnh, bởi vi-rút cúm gia cầm đang biến chủng và đã kháng một số chủng loại vắc-xin. Ngoài sự chủ động về chuyên môn của ngành thú y thì công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm H5N1 cần được quan tâm đẩy mạnh để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm

Khoai môn ế ẩm, nông dân bấm bụng băm cho cá ăn Khoai môn ế ẩm, nông dân bấm bụng băm cho cá ăn

Hồi đầu năm 2014, trước mức giá hấp dẫn của khoai môn (dao động từ 14.000 – 15.000 đồng/kg, có lúc lên đến 18.000 đồng/kg), nhiều nông dân ở An Giang đổ xô đi trồng khoai.

20/07/2015
Thanh Hóa dừng xây dựng đề án quy hoạch cây mắc ca Thanh Hóa dừng xây dựng đề án quy hoạch cây mắc ca

Ngày 19.7, Sở NNPTNT Thanh Hóa, cho biết ngành nông nghiệp tỉnh này khuyến cáo tuyệt đối không được trồng rộng rãi cây mắc ca ở những diện tích chưa qua khảo nghiệm.

20/07/2015
Hồng hoa cây dược liệu quý giúp thoát nghèo Hồng hoa cây dược liệu quý giúp thoát nghèo

Hồng hoa là loại cây dược liệu quý, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. So với các cây trồng ngắn ngày truyền thống, như: sắn, ngô, lúa, đậu, lạc... trồng hồng hoa mang lại lợi nhuận cao hơn.

20/07/2015
Trồng 200 cây chanh đào, lãi 100 triệu đồng Trồng 200 cây chanh đào, lãi 100 triệu đồng

Những ngày này, vườn chanh đào của gia đình anh Nguyễn Văn Sửu, thôn Bãi Cả, xã Tiên Lục (Lạng Giang) có nhiều thương lái và người dân trong huyện đến thăm, thu mua.

20/07/2015
Những lưu ý trong việc bón phân cho lúa vụ mùa Những lưu ý trong việc bón phân cho lúa vụ mùa

Để có một vụ mùa ăn chắc bà con cần chú ý chăm sóc cho cây lúa đặc biệt việc sử dụng phân bón cho cây lúa vụ mùa, cân đối đầy đủ các chất dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng.

20/07/2015