Nuôi Cua Đồng Nghề Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao
Được sự giới thiệu của Hội Nông dân xã Yên Thọ (Đông Triều - Quảng Ninh), chúng tôi đến thôn Yên Lãng 1 để tìm hiểu việc nuôi cua đồng của gia đình chị Nguyễn Thị Hường. Chị Hường cho biết: “Nuôi cua đồng rất dễ và ít dịch bệnh, nguồn thức ăn lại đơn giản. Cua đồng ăn tạp, cua ăn các loại thức ăn như cá tạp, ốc, bèo, cám gạo…
Thức ăn phải tươi, không bị ôi thiu, nấm mốc. Cần cho cua ăn đầy đủ, nếu cua thiếu thức ăn rất dễ ăn thịt lẫn nhau. Trong ao, ruộng nuôi, cần bố trí một số sàn ăn để đánh giá tình trạng bắt mồi của cua, đồng thời căn cứ điều kiện thời tiết mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Những tháng cuối chu kỳ nuôi cần tăng thêm thức ăn là động vật trong khẩu phần ăn để cua nhanh lớn và chắc thịt. Có thể thả thêm cá rô đồng, cá rô phi để ăn thức ăn thừa của cua, giảm ô nhiễm nước nuôi.
Cua đồng là loại ưa thích nghi với thời tiết mát mẻ, vì thế phải trồng xen kẽ thêm rau muống, lúa, cây màu để giữ bóng mát cho cua vào mùa hè. Môi trường nước cũng cần phải giữ sạch sẽ và thường xuyên thay đổi nguồn nước vào, nước ra để kích thích cua lột xác và bắt mồi mạnh.
Vốn đầu tư cho nuôi cua rất thấp, chủ yếu là tiền thuê công thợ đào ao, mua tôn và cọc tre để khoanh bờ bao. Hiện nay, mỗi ngày nhà tôi thu được khoảng 3 - 4kg, bán được 150.000 đồng/kg”.
Qua tìm hiểu được biết, thấy cua đồng được nhiều người ưa thích, tận dụng chỗ ruộng trũng cấy lúa cho năng suất không cao, chị Nguyễn Thị Hường đã tìm hiểu và đưa loài cua đồng về thả trên diện tích ruộng của mình. Do cua đồng chưa có nơi nào sản xuất con giống nên phải mua của những người đi đánh bắt tự nhiên. Chị Hương cho biết: “Lúc đầu tôi mua cua giống của những hộ dân buôn từ Hải Dương về thả, nhưng mỗi đợt thả số lượng cua chết lên tới 70%.
Sau vài lần cua chết, tôi rút ra kinh nghiệm là muốn tỷ lệ sống cao và nhanh lớn phải mua con giống bản địa. Ngoài việc nuôi thương phẩm tôi cũng khoanh vùng ruộng và chọn lựa một số cua trưởng thành nuôi riêng để cho chúng sinh sản. Tới đây tôi sẽ đầu tư mua gạch lỗ để xây bờ, trồng nhiều lớp trụ bê tông, với mục đích để cho cua vào trú ngụ, tạo môi trường thuận lợi cho cua sinh trưởng và phát triển được tốt hơn”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Thọ cho biết: Mô hình nuôi cua đồng của chị Nguyễn Thị Hường đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ những hiệu quả ban đầu, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ chỉ đạo các chi hội cơ sở, tiến hành trao đổi kinh nghiệm, vận động người dân trong xã nhân rộng mô hình này. Đặc biệt là tận dụng những diện tích đất trũng, diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả để phát triển mô hình nuôi cua đồng thương phẩm, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên và người dân.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang tạm thời được kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ dịch cúm gia cầm trên đàn chim là rất cao.
Cũng theo ông Quang, các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở để nuôi chim yến kể từ thời điểm thông tư này có hiệu lực phải phù hợp với quy hoạch hoặc được sự đồng ý bằng văn bản của UBND cấp huyện. Thông tư quy định rõ từ 21 giờ đến 6 giờ, các cơ sở nuôi yến không được sử dụng âm thanh để dẫn dụ yến. Ngoài ra, các cơ sở nuôi yến phải đảm bảo điều kiện về vệ sinh thú y và phòng chống dịch.
Đầu tháng 7/2013, Công ty Cổ phần Việt Mỹ chuyên nuôi trồng sản xuất và chế biến đóng hộp nấm, rau quả xuất khẩu - Khu Công nghiệp Sông Hậu, xã Tân Thành, huyện Lai Vung đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng trong việc mở ra cơ hội phát triển đối với nấm rơm và rau quả xuất khẩu ở Lai Vung.
Nông dân ở các vùng Hiệp Thạnh, Liên Nghĩa, Liên Hiệp, Bình Thạnh (Đức Trọng), Đạ Ròn (Đơn Dương) đang chuyển nhiều diện tích trồng bắp thu trái sang trồng bắp thu cả cây để rút ngắn thời vụ canh tác, ổn định giá bán ra.
Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản ở tỉnh ta đã và đang có bước phát triển mạnh. Nghề nuôi thủy sản đang chuyển dần từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghiệp với quy mô lớn, tạo ra sản phẩm tập trung có giá trị kinh tế và xuất khẩu.