Nuôi Cá Trên Ruộng Mùa Lũ
Khi lúa thu đông đang rực vàng trên những cánh đồng vùng ĐBSCL, những người dân ở các huyện ngoại thành TP.Cần Thơ bắt đầu thả cá giống trên đồng ruộng để đón nước lũ về.
Năm nay, mô hình nuôi cá trên ruộng trong mùa lũ đang phát triển mạnh ở các huyện Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền với diện tích trên 10.000 ha, tăng 10 - 15% so với cùng thời điểm năm trước....
Đến hẹn là thả...
Hằng năm vào đầu tháng 7 (âm lịch), dù chưa biết diễn biến lũ năm nay ra sao, nhưng nhiều nông dân ở các huyện thuộc TP.Cần Thơ lâu nay quen sản xuất 2 hoặc 3 vụ lúa và 1 vụ cá đã đặt mua cá giống, chuẩn bị nuôi cá trên ruộng trong 3 tháng mùa nước nổi. Tận dụng lợi thế nguồn nước dồi dào từ các nhánh sông ở vùng ĐBSCL đổ về, dâng lên đầy đồng và nguồn thức ăn cá tạp trong mùa lũ, nhiều mô hình nuôi thủy sản trên ruộng đã đem lại thu nhập cao cho nông dân vùng ven TP.Cần Thơ.
Anh Phạm Văn Út Em - ở ấp Trường Phú (xã Trường Thắng, huyện Thới Lai) - là người đầu tiên đem mô hình nuôi thủy sản trên ruộng về làng. Anh Út Em cho biết: “Lúc trước tôi đi bộ đội, thấy người ta làm cách này hay mà lại không bỏ công ra nhiều nên tôi thử luân canh ở cánh đồng mình làm 3 vụ lúa, 1 vụ cá thì rất có hiệu quả. Tính đến năm nay, tôi sản xuất mô hình này đã được 8 năm, và bà con ở đây cũng nhiều người sản xuất theo cách này, chủ yếu nuôi cá chép, cá mè hoa, mè vinh... Một số hộ nuôi cá tra giống cũng đã đưa lên ruộng, không còn nuôi ao như trước đây”.
Theo anh Út Em, người nuôi ở xã Trường Thắng thường đặt mua cá giống tại các điểm ươm cá giống, bởi bà con quanh đây chưa nắm rõ quy trình ương cá. Thông thường, cá giống lớn khoảng 100 - 200g nông dân mới thả xuống ruộng; như vậy cá mới kịp lớn để thu hoạch trước khi bắt đầu sản xuất vụ lúa tiếp theo. Cũng nhờ mô hình này, nghề nuôi cá giống trên địa bàn huyện ra đời, vừa giúp bà con nông dân nuôi cá mùa lũ có nguồn cá giống đảm bảo chất lượng để nuôi, vừa tạo cho người dân có thêm công ăn chuyện làm từ nghề ương cá giống cung ứng cho người nuôi...
Năm nay, vào thời điểm này, trọng lượng cá nuôi trên ruộng của nhiều hộ đã khoảng 200 - 300 gr/con (tùy theo cá lúc thả lớn hay nhỏ). Ông Trần Văn Trí - ở ấp Thới Hữu (xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ) - đã 5 năm liền không làm lúa vụ 3 mà thả nuôi cá trên ruộng. Mỗi năm, vụ cá mùa lũ mang lại lợi nhuận cho gia đình ông Trí hàng chục triệu đồng, tương đương với lợi nhuận của 3 vụ lúa trên cùng diện tích.
Ông Trí nói: “Với 1 hécta ruộng tôi kéo một đợt trên 3 tấn cá, bán ra được 60 triệu đồng. Tính ra mình không bỏ ra công sức nhiều, chỉ đăng lưới hoặc đắp đê tấn nhằm tránh cho cá tràn ra sông, rạch thôi. So với làm lúa thì nuôi cá trên ruộng hiệu quả hơn nhiều...”.
Một công hai lời
Với mô hình nuôi cá trên ruộng mùa lũ, nông dân các huyện vùng ven TP.Cần Thơ vừa có thêm thu nhập, vừa góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất. Theo bà con, trong quá trình nuôi cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp vụ lúa tiếp theo giảm chi phí về phân bón và sâu bệnh, đem lại năng suất cao cho các cánh đồng ngoài sản xuất lúa còn kết hợp nuôi cá.
“Đầu vụ, gia đình tôi chỉ bỏ ra khoảng hơn 1.000.000 đồng mua cá giống, không tốn thức ăn cũng như không phải bỏ công ra chăm sóc mà cá nuôi vẫn lớn bình thường, do ăn thức ăn thiên nhiên sẵn có trong ruộng. Nếu ai nuôi số lượng nhiều mới cần phải bổ sung thêm nguồn thức ăn cho cá. Từ lúc thả nuôi đến khi thu hoạch, thời gian khoảng 3 - 4 tháng. Nuôi cá trên ruộng năng suất trung bình một vụ đạt từ 900 - 1,2 tấn/ha. Mỗi vụ, gia đình tôi lời khoảng 13 triệu đồng, còn vụ lúa kế tiếp sau vụ cá thường trúng hơn vì nguồn phân hữu cơ từ nuôi cá để lại rất tốt cho lúa, giúp tiết kiệm chi phí phân, thuốc ...” - chị Lanh (vợ anh Út Em) phấn chấn kể.
Những năm gần đây, mùa nước nổi trở thành mùa... kiếm ăn của bà con nông dân ở các huyện ngoại thành TP.Cần Thơ. Tuy lợi nhuận từ nghề nuôi cá trên ruộng mùa lũ không lớn, nhưng đối với bà con nông dân đây cũng là một khoản thu nhập thêm rất có ý nghĩa ngay trên khoảnh ruộng sản xuất lúa.
Ông Võ Hoàng Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ - nhận định: “Đầu vụ, chúng tôi đã mở lớp tập huấn cho bà con về kỹ thuật nuôi cá mùa lũ nên hầu hết bà con nông dân trong huyện ai cũng hăng hái tham gia mô hình này. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở nhiều buổi tập huấn hơn để cung cấp cho người nuôi cá kiến thức về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản mùa lũ. Hy vọng mô hình nuôi cá trên ruộng mùa lũ ở huyện Cờ Đỏ nói riêng, các huyện vùng ven của TP.Cần Thơ nói chung sẽ ngày càng phát triển với quy mô lớn hơn, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp của các huyện vùng ven phát triển...”.
Có thể bạn quan tâm
Trong tuần vừa qua, 2lúa có dịp về vùng "nóng" nuôi tôm ở tỉnh Cà Mau. Hiện nay, toàn địa bàn tỉnh Cà Mau đang vào mùa vụ nuôi tôm, các đầm ao đang trong giai đoạn xử lý nước hoặc đã bắt đầu thả tôm
Cây mận vốn là cây ăn quả thế mạnh của nông dân ở huyện Mộc Châu – Sơn La. Tuy nhiên trước đây, người dân thường để cây mận phát triển tự nhiên mà không có kỹ thuật chăm sóc dẫn đến sự suy giảm về chất lượng và giá trị kinh tế, thì những năm gần đây được sự hỗ trợ của các nhà khoa học cùng với các tổ chức hợp tác quốc tế, bà con đã được hướng dẫn cách chăm sóc, đốn tỉa, trẻ hóa vườn mận nhằm tiến tới cải tiến năng suất và chất lượng.
Trước đây, bà con nông dân ở xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) thường "giải quyết" rơm - một phế phẩm trong nông nghiệp bằng cách đốt bỏ. Thế nhưng hiện nay, rơm lại đắt hàng, có giá hơn vì có thể phục vụ trồng rẫy, làm thức ăn cho bò..
Trong vài năm gần đây, nhiều nông dân ở Khánh Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng giống xoài R2E2 (còn gọi là xoài Úc), nhờ đó có thu nhập tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ đầu năm 2011 đến nay, tỉnh Cà Mau đã đề xuất, ban hành nhiều giải pháp nhằm phát triển, nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi, đề ra các biện pháp về công tác quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, vùng nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm kết hợp trồng lúa, nuôi tôm sinh thái, quy hoạch nuôi tôm gắn với bảo vệ môi trường