Giá Lúa Sẽ Tăng Cao?!
Xuất khẩu gạo của Việt Nam và thị trường thế giới
Vụ lúa đông xuân khu vực ĐBSCL đã kết thúc với giá tương đối cao (lúa IR50404 là 4.600 - 4.700đ/kg; gạo 15% tấm xuất khẩu 7.700 - 7.800đ/kg; gạo 5% tấm xuất khẩu 7.900 - 8.000 đ/kg (không bao tại mạn). Chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo đến thời điểm hiện tại ước đạt 80% kế hoạch và sẽ kết thúc vào ngày 30/4.
Việt Nam vừa trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo 15% tấm cho Philippines với giá tương đối thấp, bình quân 370USD/tấn (Fob), thanh toán sau khi gạo đã được giao vào kho của cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) (giá này tương đương 7.600đ/kg không bao lên mạn). Số lượng gạo trên sẽ được giao từ tháng 5 - 8/2014, mỗi tháng 200.000 tấn.
Xuất khẩu gạo của Thái Lan trong quý 1/2014 đạt 2,1 triệu tấn, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể nói giá gạo Thái Lan đã chạm đáy và bắt đầu chiều đi lên. Bằng chứng rõ nhất là trước cuộc đấu thầu nhập khẩu 800.000 tấn gạo của Philippines, ông chủ tịch Hiệp hội gạo Thái Lan tuyên bố sẽ bán gạo bằng bất cứ giá nào, đến khi đấu thầu, mặc dù giá trần của đợt thầu này tương đối cao (477,2USD/tấn) nhưng chỉ có một Cty của Thái Lan là Thai Hua Co, Ltd tham gia bỏ thầu 100.000 tấn với giá cao ngất (474 USD/tấn). Cũng cần phải nói thêm, hiện nay các dấu hiệu về hạn hán do Elnino đã tương đối rõ ở Nam và Đông Nam á khiến nhu cầu nhập khẩu gạo có thể gia tăng ở một số nước như Bangladesh, Srilanka, Indonesia...
Xuất tiểu ngạch, nhu cầu nội địa tăng mạnh
Giá gạo xuất tiểu ngạch tại cửa khẩu Lào Cai hiện nay, gạo IR 50404 loại 5% tấm khoảng 9.500 - 9.600đ/kg; loại 15% tấm khoảng 9.200 - 9.300đ/kg, nếp khoảng 11.800đ/kg (giá giao tại cửa khẩu). Đây là một mức giá khá cao, tương đương những tháng đầu năm.
Gần đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ và FAO đều nhận định, nhập khẩu gạo vào Trung Quốc năm nay sẽ tăng mạnh, khoảng 14% so năm trước (4 triệu tấn). Lượng gia tăng nhập khẩu thêm của Trung Quốc năm nay nhiều khả năng sẽ lại tập trung vào gạo Việt Nam, thị trường có nhiều thuận lợi nhất.
Ngày 21/4, tại Hải Phòng, gạo IR 50404 loại 15% tấm là 8.200đ/kg, loại 5% tấm 8.400đ/kg. Tuy nhiên, có vài vấn đề về thị trường miền Bắc cần quan tâm: Cuối năm ngoái, các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Bắc Trung bộ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hàng loạt các cơn bão lớn, trong đó siêu bão Haiyan quét dọc bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến tận Quảng Ninh. Sản xuất lúa gạo của miền Trung đã bị ảnh hưởng nặng nề: đầu vụ thì khô hạn, cuối vụ thì bão lụt. Thậm chí cuối năm 2013, Chính phủ đã phải liên tục xuất lúa gạo dự trữ Quốc gia để cứu đói cho một số tỉnh.
Đầu năm nay, thời tiết miền Bắc có nhiều dấu hiệu bất thường, rét đậm rét hại diễn ra liên tục và kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất lúa xuân ở các tỉnh phía Bắc. Nhiều diện tích mạ bị chết rét, nhiều diện tích lúa phải gieo cấy lại. Chưa nói đến năng suất nhưng chắc chắn vụ lúa đông xuân ở các tỉnh phía Bắc sẽ bị chậm lại 15 - 20 ngày.
Và tất cả những điều này đang trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường lúa gạo các tỉnh phía Bắc. Gạo vận chuyển từ miền Nam ra cảng Hải Phòng không chỉ chảy lên biên giới phía Bắc mà còn vận chuyển về các tỉnh để tiêu thụ nội địa rất mạnh.
Các tỉnh miền Bắc còn khoảng 2 tháng để vào vụ thu hoạch lúa mới nên bây giờ bắt đầu thời kỳ giáp hạt. Trong thời gian tới, nhu cầu gạo của thị trường nội địa các tỉnh phía Bắc chắc chắn còn tăng.
Vụ đông xuân năm nay, có một đặc điểm khác với các năm trước, đó là đầu tháng 3, khi lúa đông xuân ở ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 30% diện tích, các kho gạo của các DN vẫn trong tình trạng gần như trống rỗng.
Lý do, cuối năm 2013 và đầu năm 2014 hợp đồng xuất khẩu 500.000 tấn gạo đi Philippines và các chuyến hàng xuất khẩu cả tiểu ngạch lẫn chính ngạch đã gần như vét sạch các kho gạo và lượng gạo mới thu hoạch của vụ đông xuân (theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam - VFA, quí 1 năm nay, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam). Trong suốt tháng 3, gạo vẫn được xuất khẩu ồ ạt sang Trung Quốc.
Ngày 21/3, chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo mới thực sự bắt đầu được triển khai. Đến ngày 17/4 khi vụ đông xuân đã kết thúc mới có khoảng 80% kế hoạch được thực hiện. Trong vài năm qua các DN tham gia chương trình tạm trữ thường có hiệu quả không cao, nhiều DN còn thua lỗ. Vì vậy, vụ đông xuân năm nay, lượng lúa gạo đưa vào dự trữ cả trong và ngoài VFA thực sự rất thấp so với các năm trước.
Sau một thời gian bị chậm lại do chiến dịch siết tải trọng xe đột ngột, thị trường Trung Quốc đã dần thích nghi với mặt bằng giá mới do cước vận tải tăng lên. Những ngày này gạo xuất tiểu ngạch dần sôi động trở lại. Dự đoán trong thời gian tới gạo từ ĐBSCL ra cảng Hải Phòng để tiêu thụ nội địa và xuất tiểu ngạch chắc chắn sẽ tăng mạnh hơn khi những nơi này vào cao điểm của thời kỳ giáp hạt.
Tại ĐBSCL, trong điều kiện mua tạm trữ khó đạt chỉ tiêu, vụ đông xuân đã hết và hợp đồng 800.000 tấn xuất Philippines bắt đầu giao hàng ngay từ tháng 5 nên đã xuất hiện tình trạng tranh mua đẩy giá lúa gạo lên cao. Các năm trước thường có tình trạng vào thời điểm này các DN cũng đẩy giá thu mua lên cao để hoàn thành chỉ tiêu tạm trữ nhưng sau đó, đầu tháng 5, khi chương trình tạm trữ kết thúc, lúa gạo đầy kho mà hợp đồng đầu ra không có, lúa gạo lại quay đầu vào chu kỳ giảm giá cho đến cuối vụ hè thu, tức khoảng tháng 8.
Như đã phân tích ở trên, năm nay hiện tượng này sẽ không xảy ra. Theo một nguồn tin chưa được kiểm chứng, ngày 22/4 Việt Nam đã tăng giá chào gạo xuất khẩu vượt qua Thái Lan (gạo 5% tấm lên giá 385 - 395USD/tấn) và tăng giá sàn qui định đối với gạo xuất khẩu từ 355USD/tấn lên 375USD/tấn.
Lại nói thêm về hợp đồng xuất khẩu 800.000 tấn gạo sang Philippines. Hợp đồng này thực hiện liên tục trong 4 tháng, tức từ nay đến hết vụ hè thu và giá xuất tương đương 7.600đ/kg (không bao lên mạn) hay tương đương giá lúa IR 50404 là 4.500đ/kg (lúa tươi tại ruộng). Trong điều kiện tồn kho vụ đông xuân chuyển qua mỏng, đây nhiều khả năng sẽ là chốt chặn quan trọng với sự giảm giá lúa vụ hè thu.
Có thể nói, trong điều kiện tồn kho mỏng khi bước vào vụ hè thu, hợp đồng xuất khẩu với số lượng lớn, người khổng lồ Trung Quốc đang dần thể hiện là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam. Yếu tố thời tiết ngày càng bất thường ở Việt Nam và thế giới đang đe dọa mùa màng và sản xuất lương thực, giá gạo tại các nước nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam như Indonessia, Malaysia đang ở mức rất cao, báo hiệu sự khan hiếm.
Dự đoán, bất chấp việc Thái Lan xả kho dự trữ, nhiều khả năng giá lúa vụ hè thu năm nay sẽ tăng cao, thấp nhất cũng từ 4.300 - 4.400đ/kg (giá lúa tươi tại ruộng) và giá gạo xuất khẩu loại 15% và 5% tấm thấp nhất cũng ở mức 7.600đ/kg và 7.900đ/kg (giá không bao tại mạn) tương đương 370USD/MT và 385USD/MT FOB trở lên.
Chúng ta cùng chờ đón một vụ hè thu ở ĐBSCL thắng lợi trên tất cả các mặt: năng suất, sản lượng và giá bán.
Có thể bạn quan tâm
Cùng với nhiều sản vật đặc trưng khác, cam sành Hà Giang đã trở nên nổi tiếng trong cả nước, góp phần không nhỏ trong việc tạo thu nhập cho người dân. Theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, đến năm 2015 diện tích cây cam, quýt toàn tỉnh đạt 5.000 ha.
Trồng rau vụ Đông không còn là khái niệm mới ở xã Sảng Tủng, theo cán bộ khuyến nông xã, Hầu Mí Co cho biết: Qua mấy năm trồng rau vụ Đông cho thu nhập khá, bà con trong xã đã nhận thức được giá trị của cây rau vụ Đông nên ngày càng nhiều hộ tham gia trồng rau.
Để hoàn thành kế hoạch của tỉnh là cuối năm nay có 6 xã được công nhận nông thôn mới (NTM), hiện Đảng bộ, chính quyền và người dân của các xã này đang đẩy mạnh thực hiện các công việc còn lại, qua đây tạo phong trào thi đua sôi nổi trước khi về đích NTM ở các địa phương.
Giá mía giảm, tình hình tiêu thụ khó khăn, không ít nông dân lâm vào cảnh nợ nần, nhiều nơi mía đã trổ cờ do quá ngày thu hoạch,... Đó là những khó khăn mà người trồng mía trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Phụng Hiệp nói riêng phải gánh chịu và đang cần sự giúp đỡ từ các ngành chức năng.
Sau hơn 2 tháng triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP, các cấp ngành và địa phương liên quan trong tỉnh đang tích cực vào cuộc nhằm hiện thực hóa những con tàu vỏ thép cho ngư dân. Tuy nhiên hậu cần nghề cá để đội tàu xa bờ vươn khơi hiệu quả còn tồn tại nhiều hạn chế cần kịp thời tháo gỡ.