Nuôi Cá Tra: Vì Sao Lỗ Nhiều Hơn Lãi ?
Xuất khẩu cá tra liên tục tăng lên trong những năm qua, và năm nay hoàn toàn có thể đạt mốc 2 tỷ USD. Nhưng người nuôi cá tra trong 5 năm qua lại thường ở trong tình trạng lỗ nhiều hơn lãi.
Theo Thạc sỹ Phạm Thị Thu Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Vĩnh Long, các kết quả khảo sát từ năm 2007 đến đầu năm 2012 ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ và Vĩnh Long, cho thấy, chỉ có năm 2007 và năm 2011 người nuôi cá tra có lãi, còn các năm từ 2008 đến 2010 và đầu năm 2012 người nuôi cá tra bị lỗ, có năm lỗ nặng. Cụ thể, năm 2007, người nuôi cá tra lãi bình quân 1.500 đ/kg, năm 2011 lãi bình quân 3.187 đ/kg, năm 2008 lỗ 400 đ/kg, năm 2009 lỗ 1.700 đ/kg, năm 2010 lỗ tới 3.020 đ/kg và đầu năm nay lỗ 123 đ/kg.
Sở dĩ người nuôi cá tra lỗ bị nhiều hơn lãi là do giá thành sản xuất liên tục tăng cao, năm sau luôn cao hơn năm trước, trong khi giá bán cá rất không ổn định, lên xuống bất thường. Nếu như năm 2007, giá thành cá tra bình quân ở mức 13.000 đ/kg, thì giá bán bình quân là 14.500 đ/kg. Năm 2008, giá thành lên 15.000 đ/kg, cao hơn 400 đ/kg so với giá bán là 14.600 đ/kg. Năm 2009 và 2010, giá thành là 17.000 đ và 20.320 đ/kg, thì giá bán tương ứng là 15.300 đ và 17.300 đ/kg. Tới năm 2011, nghề nuôi cá tra khởi sắc trở lại khi giá thành ở mức 22.313 đ/kg, thấp hơn nhiều so với giá bán là 25.500 đ/kg. Nhưng từ cuối tháng 3/2012 đến giờ, giá bán lại đang xuống thấp hơn một chút so với giá thành là 23.123 đ/kg.
Trong 4 yếu tố chính tạo nên giá thành sản xuất cá tra là con giống, thức ăn, thuốc – hóa chất và lãi suất ngân hàng, thì thức ăn được nhận diện là yếu tố “ăn” nhiều nhất vào giá thành sản xuất cá tra. Năm 2007, giá thành cá tra là 13.000 đ/kg, thì chi phí thức ăn chiếm tới 10.500 đ (chiếm 81%). Tới đầu năm nay, tuy chi phí thức ăn có giảm về tỷ lệ trong cơ cấu giá thành (chỉ còn chiếm 77,3%), nhưng so với 5 năm trước, người nuôi cá tra đã phải bỏ ra thêm 7.380 đồng thức ăn cho mỗi kg cá tra. Điều đáng nói là trong 5 năm qua, chi phí cho thức ăn liên tục tăng lên nhưng chất lượng thức ăn lại giảm.
Bằng chứng là nếu như trước đây, để có được 1 kg cá tra, chỉ cần tới 1,45-1,5 kg thức ăn công nghiệp. Còn bây giờ, nông dân phải mất 1,6-1,8 kg thức ăn mới được 1 kg cá. Bà Hồng khẳng định “Chính chất lượng giảm sút đã làm tăng hệ số chuyển hóa thức ăn trong nuôi cá tra. Chỉ cần doanh nghiệp gian lận về chất lượng 1 độ đạm, người nuôi đã có thể bị mất đi phần lời từ 300-400 đ/kg thức ăn”.
Lãi suất ngân hàng tuy chỉ chiếm 1 tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu giá thành cá tra, nhưng lãi suất liên tục tăng chóng mặt trong những năm qua, cũng đã khiến cho người nuôi cá tra phải lao đao. Năm 2007, giá thành cá tra là 13.000 đ/kg thì lãi suất ngân hàng chiếm 500 đồng (4%). Đến năm 2011 và đầu năm nay, lãi suất ngân hàng đã lên tới 1.880 đ/kg cá tra (8,1%). Như vậy, so với năm 2007, lãi vay ngân hàng của những hộ nuôi cá tra đã tăng tới 3,76 lần, với mức tăng bình quân 4,4%/năm.
Con giống ngày càng suy giảm về mặt chất lượng cũng đã góp phần đáng kể vào việc làm tăng giá thành sản xuất cá tra. Theo bà Hồng, trước đây chất lượng con giống khá tốt nên nông dân chỉ cần nuôi 6-7 tháng là đã có thể đạt kích cỡ thương phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu là 09-1,2 kg/con. Bây giờ, muốn đạt đến kích cỡ đó, nông dân phải mất nhiều thời gian hơn, từ 8-9 tháng, thành ra chi phí nuôi cá vì thế mà bị đội lên khá nhiều. Chất lượng con giống giảm, mà giá giống lại tăng lên khá nhiều.
Ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết, giá cá tra giống ở ĐBSCL hiện từ 2.500-2.700 đ/con (loại 2 cm), cá giống lớn hơn lên đến 3.000 đ/con. Như vậy, nếu so với trước Tết Nhâm Thìn, giá cá tra giống đã tăng 10-15%, và cao hơn tới 50% so với cùng kỳ 2011. Chất lượng giống giảm trong khi giá vẫn thường xuyên tăng lên, đã khiến cho chi phí con giống đầu năm nay đã tăng 1,59 lần so năm 2007, với mức tăng 9,9%/năm.
Chất lượng giống giảm, trong khi người nuôi lại ham chạy theo năng suất quá cao, nên đã đua nhau thả giống với mật độ quá dày, từ 50-70 con giống/m2. Điều này đã khiến cho nguồn nước nuôi cá tra bị ô nhiễm, tình trạng dịch bệnh ở cá giống và cá nuôi thương phẩm diễn biến phức tạp hơn so với trước đây. Do đó, nếu như trước đây, tỷ lệ cá tra bị hao hụt trong quá trình nuôi chỉ khoảng trên dưới 10%, thì nay đã lên đến 20-30%. Nguồn nước ô nhiễm cộng với dịch bệnh đã làm gia tăng đáng kể chi phí sản xuất cho người nuôi, trong đó có chi phí thuốc và hóa chất.
Theo những người nuôi cá tra kỳ cựu ở ĐBSCL, mỗi vụ cá, nếu chi phí thuốc và hóa chất chỉ chừng 200-250 triệu đ/ha thì người nuôi sẽ đạt lợi nhuận và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cao nhất. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi do ao bị bệnh hay lạm dụng thuốc và hóa chất, nên chi phí thuốc và hóa chất vượt quá mức trên khá nhiều, thành ra giá thành tăng cao khiến lợi nhuận bị giảm nhiều.
Theo Thạc sỹ Phạm Thị Thu Hồng, để giảm giá thành sản xuất cá tra, trước hết, người nuôi phải mạnh dạn giảm ngay mật độ cá giống trong ao nuôi. Theo đó, mật độ tối ưu nên ở mức 30-40 con giống/m2. Nếu đảm bảo các điều kiện nuôi đúng kỹ thuật, với mật độ này, người nuôi vẫn có thể đạt năng suất tới 250-300 tấn/ha. Khi ấy, chỉ cần giảm hệ số thức ăn đi 0,1, người nuôi hoàn toàn có thể thu lợi thêm 200-250 triệu đ/ha. Đấy là chưa kể việc giảm chi phí do tiết kiệm tiền mua giống, thuốc và hóa chất… Người nuôi cũng có thể tiết kiệm chi phí thức ăn bằng cách cứ 5-7 ngày lại cho cá ngừng ăn 1-2 ngày. Với thời gian ngừng ăn này, người nuôi sẽ tiết kiệm đáng kể tiền thức ăn cho cá mà không ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của cá tra thương phẩm.
Việc nâng cao chất lượng giống cá tra, chất lượng thức ăn, tổ chức nông dân sản xuất theo mô hình liên kết…, cũng là những giải pháp cần thiết để giảm giá thành sản xuất cá tra, qua đó mới có thể giúp cho người nuôi thoát khỏi tình trạng lỗ nhiều hơn lãi như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn tỉnh nhằm triển khai thực hiện Chỉ thị số 14 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện không buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp động vật, thực vật hoang dã.
Các mô hình trồng rừng để phát triển kinh tế cũng được quan tâm. Điển hình là mô hình thâm canh cây gỗ lớn, như: xoan, lát tại xã Mường Lý với quy mô 8 ha, có 16 hộ gia đình tham gia. Qua kiểm tra sơ bộ cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt từ 85 đến 90%...
Theo hướng dẫn lịch thời vụ, vụ gieo cấy lúa trên đất nuôi tôm gần kề, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân xả nước mặn, tận dụng nguồn nước mưa để cải tạo đất ngay từ đầu mùa mưa. Độ mặn trong ruộng cần ổn định ở mức dưới 2%o trong thời gian ít nhất 30 ngày trước khi gieo cấy.
Những ngày này, hơn 1,5 ha đất lúa của ông Thắng đã ngả màu vàng óng. Nước trên ruộng đang được ông chắt cạn dần. Những con ba ba đủ cỡ lần lượt bò xuống ao lắng rộng hơn 1.000 m2. Ông Thắng cho biết: “Nhờ mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi ba ba và nuôi cá mà vụ lúa nào gia đình tôi cũng thu hoạch đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh hai cây trồng chủ lực là chè và cà phê, cây mít nghệ cũng đang là loại cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi xã nghèo Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng).