Cá, Tôm Chết, Ngư Dân Đứng Ngồi Không Yên
Khoảng giữa tháng 4 đến nay, cá, tôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra dịch bệnh và chết, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng; khiến hàng trăm hộ nuôi ăn không ngon ngủ không yên.
Nguyên nhân
Theo thống kê từ Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, đến nay toàn tỉnh có 119 ha nuôi chuyên tôm và xen ghép ở vùng đầm phá xảy ra dịch bệnh; trong đó, huyện Phú Vang 56 ha, Phú Lộc 35, Quảng Điền 28. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều hồ nuôi tôm xen ghép cá dìa xuất hiện bệnh nhưng được hộ nuôi thu hoạch bán kịp thời nên thiệt hại không đáng kể; bởi cá dìa ngư dân thả nuôi được 5 tháng, trọng lượng 7 - 8 con/kg.
Anh Lê Ngọc Tuấn, Phó trưởng phòng Nuôi trồng (Chi cục Nuôi trồng thủy sản) cho biết: “Khác với mọi năm, năm nay mô hình nuôi xen ghép xảy ra dịch bệnh và chết trên diện rộng. Nguyên nhân khách quan do không có lũ nên các ao, hồ không được rửa sạch; nắng nóng và mưa giông kéo dài đó là điều kiện thuận lợi để các ký sinh trùng sinh sổi nảy nở. Nguyên nhân chủ quan là các hộ nuôi thả cá với mật độ quá dày 15 - 20 con/m2; trong khi đó theo quy định của ngành thủy sản cá dìa, kình chỉ thả 2 con/m2. Thả nuôi với mật độ dày cũng dẫn đến cá chậm lớn, bị ngạt và sinh ra dịch bệnh”.
Theo kinh nghiệm của các kỹ sư thủy sản và bà con ngư dân, năm nào cá kình tự nhiên trôi dạt vào đầm phá nhiều là năm đó có dịch bệnh.
Bởi, cá kình là loại thủy sản gián tiếp đưa một số loài tảo độc và nấm vi sinh gây hại vào ao nuôi. Ông Hà Dũng, ở thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân (Phú Vang) xót xa: “Gia đình tui nuôi xen ghép tôm cá kình, dìa đã 3 năm nay, những năm trước tôm, cá phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Năm nay, gia đình tui đầu tư 100 triệu đồng thả nuôi 3,5 ha xen ghép các đối tượng, sau hơn 4 tháng thả nuôi cá chết hàng loạt; thiệt hại hơn 30 triệu đồng”. Tương tự, ở xã Phú Xuân hàng trăm hộ gia đình có tôm, cá bị chết, khiến họ ăn không ngon ngủ không yên.
Anh Dương Phúc, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang cho biết: “Đầm Sam Chuồn có diện tích nuôi trồng thủy sản với 1.800 ha của xã Phú An, Phú Mỹ, Phú Xuân và thị trấn Thuận An. Do đầm Sam Chuồn có nhiều bất cập về cơ sở hạ tầng vùng nuôi, kênh cấp, thoát nước sử dụng lâu năm nay bị bồi lấp và mực nước trong ao nuôi cũng bị cạn. Hơn nữa, năm vừa rồi không có lũ nên nhiều hữu cơ tích tụ lại, dòng nước khó lưu thông, dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước. Vì thế, hơn 1 tháng nay cá, tôm ở vùng nuôi này chết rải rác, nhưng bà con vẫn thu hoạch để bán với giá từ 80 - 120 ngàn đồng/kg cá dìa”.
Khuyến cáo
Sau khi cá, tôm bị bệnh chết Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh chủ động phối hợp với phòng nông nghiệp & phát triển nông thôn các huyện và chính quyền địa phương sở tại kiểm tra tình hình cá, tôm bị bệnh, đồng thời lấy mẫu cá bị bệnh tiến hành tiểu phẫu, soi trên kính lúp để kiểm tra ký sinh trùng và nấm. Kết quả chưa xác định cá kình chết do bệnh vi khuẩn và vi rút; một số cá dìa có biểu hiện nấm và ký sinh trùng.
Do đó, khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh hộ nuôi tuyệt đối không được xả nước ao nuôi ra môi trường xung quanh; chủ nuôi phải báo ngay cho UBND xã, cán bộ thú y, khuyến ngư viên cơ sở để khoanh vùng và cảnh báo cho người xung quanh đề phòng lây lan. Đối với các ao nuôi xen ghép nếu cá, tôm chết nhưng vẫn tiếp tục nuôi các đối tượng khác phải đóng kỹ cống không cho nước rò rỉ ra môi trường. Dùng clorin hoặc vôi hàu rãi đều quanh bờ đê và xung quanh khu vực ao nuôi, cống cấp và thoát nước để giảm thiểu tối đa lây lan sang các ao nuôi khác. Sử dụng các loại hóa chất như BCK, thuốc tím, formol nồng độ thích hợp để tiêu diệt mầm bệnh trong ao, tái tạo môi trường để tiếp tục nuôi các đối tượng xen ghép khác.
Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, thiết nghĩ bà con ngư dân cần nâng cao ý thức trong việc nuôi trồng; chấp hành đúng quy định của ngành thủy sản đưa ra. Bởi khi tôm, cá chết nếu nhà nước có hỗ trợ thì cũng chỉ một phần nhỏ, còn thiệt hại kinh tế thì bà con ngư dân phải gánh chịu.
Có thể bạn quan tâm
Trước khi mùa mưa bão năm nay bắt đầu, huyện Châu Thành A đã chủ động xây dựng kế hoạch sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân, cùng cơ sở vật chất nhà nước.
Tôm hùm con (tôm nhí) bất ngờ xuất hiện vào những ngày đầu tháng 4, nhiều ngư dân ở xã Bình Châu (Bình Sơn) trúng đậm. Nghề “hái” ra tiền này giúp nhiều người dân nơi đây có nguồn thu nhập khá cao, một ngày lặn biển có người thu được gần chục triệu đồng.
Chính thức triển khai từ tháng 5/2013 đến nay, Lâm Đồng đang dẫn đầu Tây Nguyên với hơn 1.830 hộ gia đình đã vay từ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện việc tái canh, trồng mới cà phê trên tổng diện tích khoảng 8.650ha.
Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu Mỹ vừa cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền cho 2 nhãn hiệu "gạo Nàng thơm Chợ Đào” và "thanh long Châu Thành - Long An."
Heo tộc không còn được thả rông trong vườn, ngoài đường; không chỉ được nuôi một vài con để làm thịt mỗi khi tết đến, lễ hội về mà nay đã được nuôi với số lượng lớn hơn và đang góp phần cải thiện sinh kế cho người dân ở xã Lộc Bảo, huyện Bảo Lâm.