Nuôi Cá Tra Ở Đồng Tháp Mười Hướng Đột Phá Độc Đáo

Ngày đăng: 29/05/2012
Đồng Tháp Mười (ĐTM) là vùng đất nhiễm phèn vốn không phù hợp với việc nuôi cá tra. Vậy mà hiện nay, mỗi năm đã có hàng chục ngàn tấn cá tra được nuôi ở ĐTM nhờ sức sáng tạo của nông dân địa phương. Một hướng đột phá độc đáo đang mở ra triển vọng lớn cho ĐTM và cả nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL.
Nước lũ là tài nguyên
Lũ năm 2011 dâng cao gần bằng với cơn lũ lịch sử năm 2000. Thay vì phải vất vả đối phó với lũ lớn, ông Nguyễn Văn Tự (Hai Tự) - một nông dân ở xã Thạnh Hưng (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) - lại tất bật với các ao nuôi cá tra. Đây là năm đầu tiên ông Hai Tự liên kết với Tập đoàn Hoàng Long (huyện Bến Lức, Long An) triển khai nuôi cá tra vào mùa lũ ở ĐTM. Hàng tỉ đồng đã đổ xuống để biến 9 ha ruộng trồng lúa thành 6 ao cá với hệ thống cấp thoát nước hoàn chỉnh. Khoảng 2,5 triệu con cá giống đã được thả xuống ngay trước khi nước lũ tràn về, để rồi khi mùa lũ đi qua, lứa cá tra đầu tiên này (thời gian nuôi khoảng 6 tháng) cũng tới kỳ thu hoạch.
Để đi đến việc đầu tư quy mô như trên, những người trong cuộc đã làm thực nghiệm, nuôi “mô hình” để chắc chắn cá tra phát triển tốt ở ĐTM. Ông Hai Tự cho biết, đất ở ĐTM bị nhiễm phèn ở độ sâu khoảng 0,8m. Nếu đào sâu quá mức đó sẽ đụng lớp đất sét trắng, sét pha cát rất thích hợp cho nuôi cá. Có cách khác “ém” phèn để nuôi cá, đó là làm ao nổi, không đụng tới lớp phèn nằm trong lòng đất, cá vẫn phát triển tốt, thịt trắng, đạt yêu cầu xuất khẩu.
Đầy triển vọng
Ông Hai Tự không phải là người đầu tiên nuôi cá tra ở ĐTM. Trước đó, tại thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), Cty TNHH Hùng Cá đã thử nghiệm nuôi cá tra trong vùng đất phèn và đã thành công. Từ vài ao nuôi thử nghiệm ban đầu, Cty TNHH Hùng Cá đã phát triển gần 200 ha nuôi cá tra tại huyện nằm giữa ĐTM này. Nhiều đơn vị khác cũng đã đến huyện Tam Nông để đầu tư nuôi cá, như Tập đoàn Hoàng Long với 48 ha ao nuôi tại xã Phú Cường.
Nuôi cá tra quy mô lớn trong vùng ĐTM gặp thuận lợi nhờ quỹ đất dồi dào. Với đặc điểm sản xuất tập trung, tại ĐTM có thể tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại như áp dụng Global GAP.
Với việc triển khai thành công nuôi cá tra ở ĐTM, ngành công nghiệp cá tra nước ta đang đứng trước giai đoạn phát triển mới. Diện tích nuôi cá tra ven sông Tiền, sông Hậu có giới hạn và đã bão hòa, nếu tăng thêm sẽ có nguy cơ làm mất cân bằng môi trường sinh thái. Con cá tra trụ vững ở vùng ĐTM mênh mông, vừa thúc đẩy ngành sản xuất cá tra phát triển, vừa tạo cơ hội để “cánh đồng hoang” ngày nào vươn lên giàu có.
Có thể bạn quan tâm
20/11/2015

Với cách làm nghiêm túc, quy trình được khép kín và giám sát chặt chẽ, ĐTHT được nuôi cấy phát triển tốt và cho thu hoạch 30-40 gr (nấm và cơ chất)/hũ.
20/11/2015

Với độ cao từ 500 - 600m, biên độ nhiệt ngày đêm lớn, chất đất phù hợp nên Tây Nguyên là vùng trọng điểm phát triển cà phê vối của cả nước.
20/11/2015

Đó là khẳng định của ông Lê Văn Thủy, Tổng GĐ Cty TNHH MTV Sông Chu, đơn vị được giao trọng trách quản lý, vận hành “túi nước” khổng lồ Cửa Đạt đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ và chống hạn cho hàng chục nghìn ha đất SX nông nghiệp vào mùa khô.
20/11/2015

Máy gieo hạt đậu phộng gồm 2 phần: Máy xới tay hiệu Yanmar, sử dụng động cơ K15 và bộ phận gieo hạt đậu phộng, có thùng chứa đậu khoảng 20 kg.
20/11/2015