Mực Siêu Rẻ Một Cách... Đáng Ngờ

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương xuất hiện một loại mực bán với giá rất rẻ, chỉ từ 20.000-40.000 đồng/kg, cao nhất cũng chỉ 50.000-70.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá mực bình thường từ 80.000-200.000 đồng/kg.
Nhiều người tiêu dùng mua về phát hiện hình dáng lạ, chất lượng tệ, mùi hôi khó chịu... nên không dám ăn mà đổ bỏ.
Chị Hường, một người dân tại quận 7, TP.HCM, cho biết loại mực này được người bán ở các chợ gọi bằng nhiều tên như mực lửa, mực đỏ, mực chanchu... có kích thước khá lớn, khoảng 400-800 g/con, thân tròn dài. Toàn thân mực có màu đỏ sẫm, khác hẳn với màu hồng tươi thường thấy ở nhiều loại mực.
Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc xuất xứ của loại mực này, tiểu thương mỗi chợ lại có những câu trả lời khác nhau. Có tiểu thương cho rằng nguồn gốc từ Nha Trang, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, thậm chí có người bảo rằng mực này có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Tại chợ Bến Ngự (TP Huế, Thừa Thiên - Huế), một tiểu thương tên Hoa bán hải sản cho biết sở dĩ loại mực này có giá rẻ là bởi trong ruột có nhiều chất bẩn, đen sì, khi chế biến phải vứt bỏ khá nhiều. Mặt khác, thịt mực không ngọt và thơm như mực thường.
Tuy vậy, trên thực tế loại mực “siêu rẻ” này vẫn được nhiều người mua, chủ yếu là các quán cơm, quán nhậu. Riêng người dân, khoảng một tháng trở lại đây có tin đồn mực này xuất xứ từ Trung Quốc nên cảm thấy lo lắng và hạn chế mua.
Chị Q., đang buôn bán tại chợ ngay khu vực Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ, cho biết loại mực ống rất to, khoảng 2 con/kg bày bán tràn lan. Mực được bỏ trong thùng xốp được những người bán dạo giới thiệu là mực Phú Quốc, Vũng Tàu, Cà Mau... giá bán 50.000-70.000 đồng/kg.
“Thấy giá mực rẻ, chồng tôi mua về 3kg nhưng khi chế biến món nhúng giấm thì ăn không được vì thịt có mùi, vị rất kỳ. Đặc biệt, thịt trong và cứng, màu hơi đỏ, râu ngắn, bên trong có gan giống như gan cá đuối. Tôi ăn không được nên bỏ cho chó mà chó cũng chê” - chị Q. nói.
Anh Nguyễn Tuấn Khanh, một tiểu thương bán mực, bạch tuộc tại chợ khu vực Bệnh viện Da liễu đã sáu năm nay, khẳng định chưa từng thấy loại mực này bao giờ.
“Mực tôi bán lấy từ các vựa có đăng ký kinh doanh, giá các con nhỏ bằng ngón chân cái cũng khoảng 100.000 đồng/kg, còn mực loại to giá từ 150.000-200.000 đồng/kg, trong khi đó với loại mực này họ chỉ bán từ 50.000-70.000 đồng.
Một số người thấy rẻ đã mua về nhưng sau đó họ không dám mua ăn nữa vì sợ là mực Trung Quốc, ăn vào sẽ bị bệnh” - anh Khanh nói. Rảo qua dạ cầu Cái Răng thuộc phường An Bình (Cần Thơ), nhiều người cũng bày bán loại mực này tràn lan.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng tại các địa phương đều cho biết chưa thể xác định được loại mực gì, ở đâu. Ông Dương Đắc Hoan - phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết cơ quan đang tìm hiểu thông tin và sẽ sớm có câu trả lời cho người tiêu dùng.
Tương tự, ông Hoàng Xuân Dũng, chi cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Cần Thơ, cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, lấy mẫu để xác định chất lượng, kiểm dịch, xác định nguồn gốc, xuất xứ... công bố cho người dân biết, tránh hoang mang như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Gần 10 năm qua, đời sống của người dân thôn Riễu, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) đang ngày một khấm khá hơn từ nghề trồng hoa lay ơn. Thôn Riễu từ lâu đã có nghề trồng hoa cung cấp cho TP Bắc Giang, các huyện lân cận và một số tỉnh ngoài. Những năm trước khi chưa có cây hoa lay ơn, người dân chỉ trồng lúa, rau màu và một số loài hoa như cúc, violet nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi có một số hộ trong thôn đem giống hoa lay ơn về trồng thì diện tích trồng hoa ngày càng được mở rộng.

Năm 2013, Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông Khuyến ngư Thái Bình đã xây dựng đề án mô hình thâm canh cá rô phi NOGIP IV tại các vùng chuyển đổi của xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy), xã Phú Xuân (thành Phố Thái Bình), xã Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ) và xã Tây Tiến (huyện Tiền Hải).

Ngày 19.11, tại hội trường Quốc hội, nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xung quanh tình trạng thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi kém chất lượng tràn lan trên thị trường. Tại Quảng Nam, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên lĩnh vực này cũng khá phổ biến, khi công tác quản lý nhà nước còn nhiều lỗ hổng.

Phong trào nuôi động vật rừng được nhiều nông dân quan tâm. Nó không chỉ tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế mà còn là giải pháp bảo tồn các loài động vật quý hiếm.

Tại hội thảo “Tổng kết dự án sau thu hoạch lúa gạo ADB-IRRI-Việt Nam”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng, Trường đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh - Điều phối viên dự án đánh giá: Công nghệ sấy lúa vùng ĐBSCL ngày càng phát triển về quy mô và tiến bộ, từ lò sấy lúa vĩ ngang, nay nông dân thay thế dần lò sấy tầng.