Nuôi Cá Nước Lạnh Trở Thành Tỷ Phú
Nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình ở Lâm Đồng đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng nuôi cá hồi và cá tầm nước lạnh. Hiệu quả bước đầu cho thấy mỗi ha nuôi cá có thể cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Đà Lạt nổi tiếng bởi những sắc hoa, cảnh đẹp, món ăn ngon và con người thân thiện. Giờ đây, trong các món đặc sản mà người Đà Lạt tự hào giới thiệu còn có món cá hồi, cá tầm, những sản vật của vùng nước lạnh.
Năm 2007, sau thử nghiệm và nuôi thành công cá hồi vân (Phần Lan) và cá tầm Nga, tỉnh Lâm Ðồng đã phát triển mạnh nghề nuôi cá nước lạnh, với sản lượng khoảng 40 tấn cá hồi và 100 tấn cá tầm/năm. Mặc dù mới nuôi ở dạng mô hình, nhưng hiệu quả kinh tế bước đầu cho thấy mỗi héc ta (ha) nuôi cá nước lạnh có thể cho thu nhập hàng tỷ đồng.
Mạnh gan… trở thành tỷ phú
Lạc Dương là huyện vùng cao của tỉnh Lâm Đồng, với trên 80% là đồng bào dân tộc, nếp sinh hoạt, tập quán canh tác còn lạc hậu nên đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhiều xã có số hộ nghèo lên đến trên 60%. Làm gì để cải thiện và nâng cao đời sống cho đồng bào nơi đây là điều mà lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng trăn trở nhiều năm qua. Khi chương trình nuôi cá hồi thử nghiệm thành công tại Lạc Dương, nhiều hộ dân tộc đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi cá hồi.
Chị K’Hoa - một phụ nữ người dân tộc Chil ở buôn Tupoh, xã Ðạ Chais, huyện Lạc Dương đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng nuôi cá hồi. Sau 4 tháng nuôi thả, đàn cá hồi của chị K’Hoa tăng trưởng tốt, tỷ lệ sinh trưởng và phát triển lên tới 600gr/con, cao hơn so với đàn cá nuôi thử nghiệm của tỉnh Lâm Đồng. Trong năm 2008, tổng sản lượng cá nuôi đạt trên 3 tấn, doanh thu ước đạt trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư lợi nhuận thu được khoảng 100 triệu đồng. Nếu tính ra trên 1 đơn vị diện tích 1ha có thể đạt 3 tỷ đồng/ha.
Chị K’Hoa tâm sự: “Khó khăn nhất đối với bà con nông dân nói chung và bản thân tôi nói riêng khi đầu tư nuôi cá hồi là việc chọn vị trí, địa điểm nguồn nước lạnh để bố trí khu ao nuôi. Đây là đối tượng nuôi hoàn toàn mới cho nên khâu kỹ thuật cũng có nhiều khó khăn. Ngoài ra, vốn đầu tư lớn, nếu thất bại đối với hộ nông dân thì điều kiện phục hồi sản xuất và cuộc sống là rất khó khăn nên cần phải cẩn thận khi lựa chọn đầu”.
Nhờ nuôi cá nước lạnh, chưa đầy 2 năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Lạc Dương đã giảm trên 20% (nay còn khoảng 40% hộ nghèo). Kết quả này đã chứng minh chương trình nông nghiệp công nghệ cao và mô hình cụ thể đã khẳng định hướng đi đúng của huyện Lạc Dương.
Theo thống kê của ngành thủy sản Lâm Đồng cùng phối hợp thực hiện với Công ty cổ phần Yangly về việc nuôi thử nghiệm cá hồi trên dòng suối nước lạnh Đạ Mưng, trọng lượng cá đạt bình quân 1,2kg/con, năng suất ước đạt 30 tấn/ha, tỷ lệ sống từ giai đoạn ươm giống cho đến thành phẩm đạt 76,8%.
Chi phí để nuôi cá hồi thành phẩm mất từ 63.000-67.000 đồng/kg và giá bán cá hồi thương phẩm tại hồ nuôi ở Đạ Chais là 150.000 đồng/kg. Theo tính toán, nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt, người nuôi sẽ có lãi 35%-40%.
Ông Trần Văn Hào - Trưởng phòng chăn nuôi thuỷ sản (Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Đồng) cho biết: So với các kết quả nghiên cứu của nước ngoài, nuôi cá tầm ở Lâm Đồng tăng trưởng nhanh hơn rất nhiều. Sau thử nghiệm 4 tháng đã có doanh nghiệp đầu tư nuôi, ấp cá. Kết quả nuôi cá tầm ở Đà Lạt rất thành công. So với cá hồi, cá tầm có thể phát triển ở nhiều địa bàn hơn.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư qui mô lớn
Từ năm 2007 đến nay, tại Lâm Đồng đã có 9 đơn vị và hộ cá nhân đầu tư nuôi cá hồi. Từ lúc chỉ có 20.000 con cá hồi vân và 20 con cá tầm Nga đến nay Lâm Đồng đã cho ấp nở được trên 200.000 con cá giống. Cá thương phẩm đạt xấp xỉ 50 tấn. “Với hiệu quả như vậy, sản phẩm này thực sự có hiệu quả và đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, tạo cho Lâm Đồng sản phẩm đặc thù có giá trị kinh tế cao” – bà Nguyễn Thị Kim Loan – Giám đốc Công ty cổ phần Yangly khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Kim Loan cũng cho biết, từ nay đến 2010, sản lượng cá hồi của công ty có thể lên tới 100 tấn và cá tầm cũng đạt con số tương tự. Sau năm 2010, định hướng của Yangly là riêng các loại sản phẩm cá tầm, cá hồi đạt từ 300-500 tấn/năm để phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Bà Kim Loan cũng đưa ra ý tưởng khá táo bạo là các sản phẩm cá hồi, cá tầm có thể xuất khẩu trở lại chính quê hương của những loài cá này (Nga, Phần Lan…). “Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ cung cấp giống cho các đơn vị sản xuất với qui mô từ 500 – 700 ngàn con và đảm bảo đủ giống để cung cấp cho các đơn vị bạn phối hợp sản xuất sản phẩm này” – bà Kim Loan cho biết.
Nhận thấy tiềm năng phát triển nuôi cá nước lạnh tại buôn K’Long K’Lanh, xã Đạ Chais, Lạc Dương, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư nuôi cá kết hợp với du lịch sinh thái.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc đầu tư trang trại bài bản, qui mô nhất đến thời điểm này là mô hình của Công ty TNHH Thung lũng nắng ở Lạc Dương. Ông chủ là Vadim Kuzhetsov - một người Nga chính gốc. Dù không có chuyên môn trong lĩnh vực thuỷ sản nhưng ông Vadim Kuzhetsov vẫn quyết định đầu tư vào lĩnh vực này chỉ với một lý do rất đơn giản là vùng Lạc Dương có điều kiện khí hậu khá giống với nước Nga (có thể nuôi cá tầm, cá hồi rất tốt) và điều quan trọng là Vadim Kuzhetsov nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương.
Được biết, đến nay Công ty Hoàng Phố đã đầu tư 5 tỷ đồng nuôi cá hồi và cá tầm Nga tại K'Long K'Lanh, hồ Tuyền Lâm và hồ Ða Nhim; Công ty Hà Quang dự tính đầu tư 8 tỷ đồng và Công ty 7-5 thuộc Quân khu 7 (Bộ Quốc phòng) cũng lập dự án đầu tư hơn 44 tỷ đồng. Ðặc biệt, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã lập dự án đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu sản xuất các giống cá nước lạnh tại Lâm Ðồng, với kinh phí hơn 15 tỷ đồng.
Cần những bước đi thận trọng
Theo bà Xuân Thu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 3 (Bộ NN và PTNT), cá tầm và cá hồi được dự báo là đối tượng nuôi phát triển mạnh trong thời gian tới ở Lâm Đồng và Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện tại, ở Lâm Đồng, một số công ty và cơ sở nuôi thử nghiệm đã chứng minh đây là loài có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, tỉnh Lâm Ðồng còn nhiều điều cần phải giải quyết. Việc đầu tiên là cần tiến hành khảo sát cụ thể để qui hoạch vùng nuôi trồng thủy sản một cách phù hợp. Tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra trong tương lai, nhất là trả giá về ô nhiễm môi trường khu vực sông, suối, hồ chứa.
Việc nuôi thử nghiệm cá tầm đã thành công nhưng còn một số vấn đề về khoa học công nghệ cần phải giải quyết như nghiên cứu để nuôi cá thành thục trong điều kiện nhiệt đới Việt Nam để cá có thể sinh sản, thu trứng, vấn đề thị trường, thức ăn, công nghệ nuôi… để đảm bảo sự cân bằng trong môi trường nuôi, đặc biệt là khi chúng ta quan tâm phát triển mô hình nuôi cá tầm trong hồ chứa. Đây là mô hình rất tiềm năng, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, với diện tích hồ chứa trên 50.000 ha. Nếu phát triển có qui hoạch, ở mật độ nuôi hợp lý có thể kết hợp với các đối tượng khác (mè, trôi, trắm, chép) tạo môi trường bền vững để có thể phát triển nuôi cá tầm thành một ngành công nghiệp.
Còn theo ông Lê Thanh Lựu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 (đơn vị lai, ấp nở thành công cá tầm, cá hồi ở Việt Nam) thì vấn đề đặt ra là phải tạo được nguồn thức ăn tại chỗ để giảm bớt chi phí vận chuyển. Thức ăn cho cá hồi và cá tầm đều rất cao cấp cho nên cần có sự đầu tư, nghiên cứu kỹ càng.
Cả hai đối tượng cá nước lạnh này đều mới có mặt ở Việt Nam khoảng 3-4 năm nên vấn đề về dịch bệnh chưa xuất hiện nhiều. Nghiên cứu để có các giải pháp phòng, chữa bệnh cho cá là một yêu cầu bắt buộc phải thực hiện trong thời gian sớm nhất. Làm được điều này thì người tiêu dùng mới được hưởng những sản phẩm chất lượng cao và chúng ta mới dám nghĩ đến việc xuất khẩu.
Việc nuôi thử nghiệm thành công của một số hộ nông dân là đáng ghi nhận, tuy nhiên, như khuyến cáo của Sở NN và PTNT Lâm Ðồng: Không để người chăn nuôi phát triển các dòng cá nước lạnh một cách tự phát, làm theo phong trào, mà chỉ phát triển nuôi thả theo đúng kế hoạch dựa trên kết quả khảo sát và xác định từng thủy vực hồ chứa, ao hồ về các yếu tố như nguồn nước, thủy lý, thủy hóa.../.
Có thể bạn quan tâm
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm chiều ngày 24/4, tại Hà Nội, ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh dịch lợn tai xanh đang có nguy cơ lan ra diện rộng, vì vậy các địa phương cần cảnh giác phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Thực hiện Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020, Bộ Công Thương đã xây dựng thí điểm mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp ở 12 tỉnh, thành trong cả nước
Ông Nguyễn Vũ Hành - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuy An cho biết: Hơn 1 tháng qua, tôm tít (còn gọi là con bàn chải) xuất hiện khá dày trong đầm Ô Loan (huyện Tuy An, Phú Yên). Tôm tít xuất hiện tập trung tại ngư trường 3 xã An Hòa, An Hiệp và An Cư.
Chúng tôi đến ấp 3, ấp 4, ấp Cây Da ở xã Bình Lộc (Long Khánh- Đồng Nai) xem những ruộng ổi thẳng cánh cò bay, vườn nào vườn nấy trĩu quả, thật thích mắt.
Anh Quách Phi Long, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, được giao 3 ha rừng. Anh thả nuôi 1,5 tấn ốc len, sau 7 tháng cho thu hoạch gần 2 tấn ốc. Giá thương lái thu mua tại vùng nuôi là 60.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí đầu tư, anh Long thu lãi gần 50 triệu đồng.