Hiến kế phát triển mãng cầu Xiêm ở Tân Phú Đông
Cây mãng cầu Xiêm ở huyện Tân Phú Đông đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Bất cập và thách thức
Anh Lê Văn Trung, ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, cho biết anh trồng 2 công mãng cầu Xiêm đã được 7 năm tuổi.
Những năm đầu, cây phát triển rất tốt nhưng từ năm 2010, một số cây xuất hiện bệnh thối rễ, suy kiệt.
Lúc đầu, anh nghĩ cây bị thiếu phân nên tăng cường bón phân dưỡng lá, phun thuốc trừ sâu.
Thế nhưng tình trạng cây bị thối rễ, chết cành, suy kiệt không những không giảm mà còn có xu hướng lan rộng với tỷ lệ bệnh 20 - 30%.
Sau đó, cơ quan chuyên môn đến lấy mẫu, xét nghiệm rồi kết luận cây bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ, chết cành.
Sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đến nay những cây bị bệnh nhẹ đang phục hồi dần (cây bị nhiễm nặng không phục hồi được).
Không chỉ ở vườn của anh Trung, thời gian qua, bệnh vàng lá, khô cành, thối rễ xuất hiện ở nhiều vườn mãng cầu Xiêm khác ở huyện Tân Phú Đông, gây thiệt hại đáng kể cho nhà vườn.
Thống kê cho thấy, nếu trước năm 2008, toàn huyện chỉ có khoảng 3 - 4 ha vườn có triệu chứng này thì đến năm 2010 đã tăng lên 18,4 ha và hiện nay có 62,7 ha bị bệnh.
Dù gần đây cơ quan chuyên môn đã nỗ lực triển khai, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ nhưng vẫn chưa ngăn chặn được bệnh.
Không chỉ vấn đề sâu bệnh, việc trồng, chăm sóc, xử lý mãng cầu Xiêm trên địa bàn trong thời gian qua cũng khá bất cập.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Phú Đông, cùng với phát triển nhanh về diện tích, qua khảo sát, các vườn cây hiện nay có mật độ trồng dày, mô liếp trồng còn thấp dẫn đến thường bị ngập úng vào mùa mưa.
Đa số nhà vườn chưa chú ý đến khâu chọn lọc giống.
Do chạy theo năng suất và lợi nhuận, nhà vườn khai thác khả năng cho trái của cây quá triệt để, trong khi đó chưa quan tâm đúng mức đến việc chăm sóc vườn, cũng như khâu kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM ít được nông dân biết đến và sử dụng.
Đó là chưa nói đến tình trạng lạm dụng thuốc hóa học dẫn đến dư lượng thuốc tồn dư trên sản phẩm vượt mức cho phép còn khá phổ biến.
Đó là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh, phát triển mạnh làm cây suy kiệt nhanh, giảm tuổi thọ.
Phân tích thêm thực trạng trồng mãng cầu Xiêm ở huyện Tân Phú Đông, TS.Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, mùa mưa những vườn bị ngập là điều kiện tốt cho bệnh phát triển và lây lan.
Cùng với đó, nước mặn xâm nhập với nồng độ cao cũng ảnh hưởng đến cây.
Qua khảo sát, có trên 80% hộ điều tra đều sử dụng thuốc làm trái chín (chấm lên cuống) nên khó có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm; đồng thời làm cây suy kiệt.
Việc vệ sinh vườn rất kém, nhất là các cây bị bệnh chết chậm chưa được xử lý là nguồn lây truyền bệnh quan trọng, dễ phát tán ra những cây khác và vườn lân cận.
Đề xuất giải pháp
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, những ghi nhận về bệnh thối rễ trên mãng cầu Xiêm vừa qua cho thấy, 57% vườn điều tra bị bệnh thối rễ có chỉ số bệnh trung bình 14% và 31% vườn bị bệnh chết cành có chỉ số bệnh trung bình 3,4%.
Cũng theo Viện này, bệnh thối rễ, chết cành trên cây mãng cầu Xiêm là sự kết hợp của nhiều tác nhân gây ra.
Trong đó, bệnh thối rễ là kết hợp giữa nấm Calonectria variabillis và tuyến trùng Pratylenchus spp; nấm Diaporthe phaseolorum gây chết nhánh, cành nhỏ của cây, còn nấm Lasiodiplodia pseudotheobromae gây chết nhánh, loét cành và thân cây mãng cầu Xiêm.
Ngoài ra, bệnh thối rễ còn có một số tác nhân khác gây nên như lạm dụng thuốc làm chín trái, khai thác tối đa, triệt để trái trên cây…
Để quản lý tốt bệnh thối rễ, chết cành, Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng nhà vườn cần làm tốt công tác vệ sinh vườn, cách ly vườn bị nhiễm bệnh, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh và tiến hành quản lý bệnh trên toàn vườn.
Vùng trồng cần có hệ thống đê bao bảo vệ, nhà vườn tránh xử lý khai thác khả năng ra hoa, cho trái của cây quá triệt để; không để cây mang quá nhiều trái; cắt tỉa cành hay khống chế chiều cao cây sau khi thu hoạch hoặc cuối mùa nắng (sau khi cắt tỉa, sát trùng vết thương bằng thuốc trừ nấm hoặc phun lên tán cây).
Bên cạnh đó, nhà vườn cần hạn chế tối đa làm chín trái bằng kỹ thuật chấm thuốc lên cuống trái, kiểm soát nguồn nước ra vào vườn, bón phân cân đối, trong đó bón nhiều phân hữu cơ kết hợp với nấm Paecilomyces spp và chế phẩm Trichoderma.
Đối với những vườn có nguy cơ nhiễm bệnh thối rễ, nhà vườn tưới (hay rãi) thuốc trừ tuyến trùng, nấm định kỳ cho vườn ít nhất 6 tháng 1 lần; phun ngừa thuốc trị nấm ít nhất 2 lần vào đầu, giữa mùa mưa khi vườn bên cạnh bị nhiễm bệnh chết cành và tiêm thuốc tăng hiệu quả kích kháng cho cây định kỳ 6 tháng 1 lần.
“Nếu nhà vườn áp dụng phòng, chống bệnh theo quy trình của Viện đưa ra và áp dụng đồng bộ trên diện rộng thì hiệu quả mới cao.
Muốn vậy, ngành Nông nghiệp cần tập huấn cho cán bộ nông nghiệp, khuyến nông xã và nông dân về cách phòng, chống; triển khai một số mô hình quản lý bệnh; xây dựng các mô hình sản xuất kiểu mới áp dụng tiến bộ kỹ thuật theo hướng an toàn, bền vững làm điểm để tập huấn, chuyển giao kỹ thuật.
Song song đó, ngành cần xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo tiêu chuẩn GAP, phối hợp với quản lý bệnh; tuyển chọn cây đầu dòng, xây dựng vườn cây đầu dòng, điểm sản xuất cây giống chất lượng cao…” - TS.Nguyễn Văn Hòa khuyến cáo.
Bên cạnh khuyến cáo trồng đúng kỹ thuật, vệ sinh vườn, sử dụng nguồn nước đảm bảo, ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT yêu cầu những cây bị nhiễm nhẹ nhà vườn cần tích cực điều trị, còn cây bị nặng thì phải đốn bỏ; tăng cường chăm sóc vườn.
Ngành Nông nghiệp tăng cường tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.
Trước mắt, ông Hóa yêu cầu cơ quan bảo vệ thực vật cùng với các ngành triển khai mô hình quản lý bệnh; khuyến nông xây dựng các mô hình sản xuất trồng mới có kêu gọi doanh nghiệp tham gia.
Tiếp đến, ngành Nông nghiệp, địa phương phát triển hạ tầng vùng trồng; tăng cường kiểm soát giống.
Từ đó, ông đề xuất Viện Cây ăn quả miền Nam sớm thực hiện đề tài về giống cây đầu dòng mãng cầu Xiêm cho vùng này.
Năm 2012, toàn huyện có 477 ha mãng cầu Xiêm, đến nay đã phát triển lên 858 ha (559 ha cho trái ổn định) với lợi nhuận trung bình 210 triệu đồng/ha/năm, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Vai trò của cây lúa lai trong việc tăng năng suất, sản lượng lúa và nhất là trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao giá trị xuất khẩu là rất quan trọng. Việc Trung tâm nghiên cứu và phát triển lúa lai của Tập đoàn Syngenta tại Nam Định đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) vừa phê duyệt 4 giống ngô biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Đó là các giống ngô Bt 11, MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto).
Ngày 19-8, tại kênh xáng Xà No, đoạn qua phường V, thành phố Vị Thanh, gần 40 đoàn viên Đoàn cơ sở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang đã thực hiện công trình thanh niên “Thả tôm càng xanh tái tạo nguồn lợi thủy sản tại kênh xáng Xà No”.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm về khai thác, đánh bắt thủy sản nên ngay từ đầu mùa lũ anh Nguyễn Văn Nhớ ở ấp Vĩnh Phước, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú cho biết “gia đình anh đã chuẩn bị nhiều tay lưới mới và tận dụng lưới cũ của mùa lũ năm trước cho vụ làm ăn của gia đình mình.
Ngày 29-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch trồng trọt năm 2015, phương án sản xuất vụ đông năm 2014-2015.