Nuôi Cá Điêu Hồng Đánh Cược Với Thị Trường
Giá cá điêu hồng xấp xỉ 35.000 đ/kg, tăng khoảng 6.000 đ/kg so trước tết. Thế nhưng, nhiều nông dân vẫn ngán ngại thả nuôi. Vì sao?
Giá cá thất thường
Nhiều hộ nuôi cá điêu hồng ở các xã cù lao Minh (Long Hồ - Vĩnh Long) cho biết, suốt năm qua, giá cá điêu hồng hầu như lúc nào cũng thấp hơn giá thành, khiến họ thua lỗ liên tục. “Mỗi ký cá lỗ 500 - 1.000 đ, thậm chí có lúc lỗ 2.000 đ. Qua nhiều đợt lỗ lã dần cạn vốn, giờ còn tiền đâu nữa mà nuôi” - chú Nguyễn Văn Tấn (Ba Tấn - ấp Phú Mỹ, xã Đồng Phú) than thở.
Anh Đỗ Hàn Phong - hộ có 6 bè nuôi cá điêu hồng ở xã An Bình cho biết, những tháng đầu năm 2012, người nuôi cá điêu hồng lồng bè liên tục gặp sóng gió do những tin đồn thất thiệt như “cá điêu hồng nhiễm chất cấm” rồi đến “ăn cá điêu hồng bị ung thư”.
Khi các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, sau đó “minh oan cho con cá” thì giá cá điêu hồng bắt đầu tăng dần trở lại. “Cách đây hơn nửa tháng, giá cá điêu hồng được thu mua với giá 30.000 đ/kg thì hiện thương lái đã báo giá 35.000 đ/kg. Tính ra trong vòng chưa đầy 1 tháng, giá cá điêu hồng đã tăng hơn 4.000 đ/kg” - anh Phong cho hay. Hiện trung bình giá thành nuôi 1 kg cá điêu hồng khoảng 26.000 đ, sản lượng mỗi bè khoảng 6 tấn, trừ các khoản phí người nuôi cá có thể lời đến vài chục triệu đồng.
Tuy nhiên, theo nhiều hộ nuôi, mức lời trên vẫn không hấp dẫn họ đầu tư trở lại. Trái lại, không ít hộ quyết định “treo bè” hoặc chuyển sang nuôi các đối tượng khác vì không muốn “đánh cược với thị trường”.
Bởi thời điểm sau Tết Nguyên đán khi giá cá có thời điểm lên 29.000 - 30.000 đ/kg hầu hết chủ bè có cá tới lứa thu hoạch đều đã tranh thủ bán hết cá để thu hồi vốn. Đến thời điểm này, sản lượng nuôi giảm mạnh thì giá cá tăng. Vì vậy, vấn đề họ lại lo ngại không muốn thả nuôi trong lúc này là ít nhất 6 tháng nữa mới cho thu hoạch thì liệu giá cá còn ổn định mức cao?
Chi phí nuôi tăng cao
Từ những vụ cá thắng lợi xen kẽ với thất bát ngày càng nhiều thì rất nhiều hộ nuôi đã tìm cách chuyển đổi hoặc “treo bè”. Những hộ còn chút vốn muốn thả nuôi “gỡ vốn” nhưng cũng hết sức dè dặt.
Chú Ba Tấn cho biết: Vụ cá năm 2012 tuy chưa tới thời điểm thu hoạch nhưng do cầm cự không nổi giá thức ăn tăng cao trong khi giá cả giảm mạnh nên đã bán 2 bè, trên 2 tấn cá với giá chỉ 20.000 đ/kg. Trừ chi phí con giống, thuốc, thức ăn khoảng 600 triệu, ông còn lỗ gần 200 triệu đồng.
“Nuôi cá bây giờ chi phí tăng cao lắm, lỗ liên tục vài vụ là phá sản chứ đừng nói tới chuyện đầu tư nuôi lại”.
Tình cảnh như chú Ba Tấn không phải hiếm, cùng thời điểm đó, gia đình anh Phan Văn Nhách - ngụ cùng ấp lưỡng lự trước khoảng 2 tấn cá điêu hồng vì không biết nên bán hay “giam” cá lại. “Thương lái trả 20.000 đ/kg, nếu bán trừ chi phí sẽ lỗ cả 100 triệu đồng, còn không bán thì phải đổ tiền mua thức ăn”.
Nhiều hộ nuôi còn cho hay, hiện chi phí nuôi tăng đòi hỏi vốn đầu tư cao, trong khi nông dân cho biết họ rất khó vay ngân hàng. Số bị thua lỗ liên tục chưa trả hết nợ nên ngân hàng không cho vay đã đành, nhưng số đã trả nợ rồi cũng khó vay lại.
Hộ nào có đất đai tài sản lớn được vay rất hạn chế. Đã vậy, những đại lý thức ăn, thuốc thú y không còn bán thiếu như trước. Nông dân giảm nuôi nên số lượng lồng bè cũng giảm mạnh.
Chính từ những khó khăn kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết thấu đáo nên câu chuyện loay hoay giữa việc nuôi - treo ao hay chuyển nuôi đối tượng khác hiện vẫn chưa có hồi kết.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, cuối năm 2012, toàn tỉnh có 719 lồng bè, giảm 28 chiếc so cùng kỳ.
Tại nhiều tỉnh, thành ĐBCSL như Tiền Giang, Đồng Tháp tình trạng “treo ao” cũng diễn ra phổ biến.
Có thể bạn quan tâm
Dịp này, tại các xã: Hồng Kỳ, Đồng Kỳ, Đồng Tâm, Tam Tiến, An Thượng, huyện Yên Thế (Bắc Giang), hầu như nhà nào cũng có giàn gấc sai trĩu quả. Đi đến đâu chúng tôi cũng nghe thấy bà con nói về vụ gấc năm nay.
Gắn bó với cây chè, một loại cây cho thu nhập ổn định trên đất Lâm Đồng, người nông dân đang tìm hướng thích ứng giữa việc nâng cao năng suất, chất lượng với bảo vệ môi trường.
Vì sao người nông dân vẫn chưa giàu lên trên chính mảnh ruộng của mình? Có rất nhiều yếu tố dẫn đến thực trạng trên, trong đó có thất thoát trong khâu trước và sau thu hoạch, mà phần lớn nguyên nhân là do thiếu cơ giới, công nghệ trong sản xuất...
Từ một cây trồng vốn chỉ để dùng trong sinh hoạt hàng ngày, cây hồng hoa bỗng trở thành cây công nghiệp mang theo hy vọng xóa đói giảm nghèo cho vùng đất Ayun Pa (Gia Lai).
Nguồn kinh phí sẽ duy trì sản xuất trên diện tích 5.100 ha và tăng thêm 2.000 ha diện tích sản xuất rau an toàn.