Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gấp Rút Tái Canh Cây Điều

Gấp Rút Tái Canh Cây Điều
Ngày đăng: 24/03/2014

Ngành điều đang đối mặt nhiều khó khăn khi diện tích canh tác bị thu hẹp, sản lượng không ổn định, cây giống già cỗi, sâu bệnh, trồng phân tán...

Cuối tuần qua, tại TX Đồng Xoài (Bình Phước), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp lần thứ 1 năm 2014 với chủ đề “Một số giải pháp phát triển điều bền vững” đã thu hút rất đông các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và nông dân đến từ các tỉnh, thành phía Nam…

Diện tích giảm mạnh

Theo Cục Trồng trọt, năm 2012, diện tích điều cả nước đạt trên 326.000 ha, sản lượng trên 296.000 tấn hạt, kim ngạch xuất khẩu 1,47 tỷ USD; năm 2013, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,654 tỷ USD. Hiện, ngành điều của Việt Nam chuyển từ sản xuất nguyên liệu sang chế biến điều của thế giới.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây nhiều diện tích điều bị đốn bỏ vì năng suất và sản lượng ngày càng giảm sút, hiệu quả sản xuất thấp so với một số cây trồng khác như cao su, cà phê, hồ tiêu hay cây ăn trái.

Đáng chú ý, đến năm 2013, cả nước chỉ còn khoảng 310.000 ha điều, trong đó diện tích trồng tập trung khoảng 60,8%, phân tán 39,2%, năng suất bình quân đạt 9,1 tạ/ha, sản lượng 285.000 tấn.

Ông Phan Huy Thông, GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Những năm gần đây ngành điều nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức khi diện tích canh tác điều đang bị thu hẹp và cho sản lượng không ổn định.

Thực tế, trong hơn 300.000 ha điều của cả nước, chiếm tới 29,5% diện tích điều đã bị già cỗi (trên 20 năm tuổi), trên 39,2% diện tích điều bị sâu bệnh, trồng phân tán bị năng suất thấp. Có đến 98% số hộ dân có vườn điều già cỗi đã chặt bỏ chuyển sang cây trồng khác.

Phần lớn diện tích điều được trồng trên đất xấu, độ dốc lớn, không có nước tưới, khó có điều kiện thâm canh, thậm chí có những vùng sinh thái điều kiện khí hậu, đất đai không phù hợp.

Trên 65% diện tích điều hiện nay được trồng bằng giống chất lượng kém, không được chọn lọc nên năng suất thấp, chất lượng hạt kém.

Các giống này có đặc điểm ít quả, dễ nhiễm sâu bệnh, ra hoa tập trung trong thời gian ngắn, dễ bị ảnh hưởng của thời tiết bất lợi như mưa trái vụ, sương muối…

Một số giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt đang được khuyến khích, nhưng khâu quản lý chất lượng giống chưa được kiểm soát chặt chẽ khiến người dân mất lòng tin vào tiềm năng của giống cây này.

Bên cạnh đó, diện tích điều già cỗi trên 20 năm chiếm gần 30%, sâu bệnh nhiều, trồng phân tán nên cho năng suất thấp.

Là tỉnh được mệnh danh thủ phủ cây điều của Việt Nam, Bình Phước có gần 135.000 ha điều. Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, do tình trạng giá cả, năng suất điều bấp bênh nên nhiều hộ nông dân không còn mặn mà với cây điều.

Ông Phan Văn Đon, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết: “Từ năm 2005 đến cuối năm 2012, năng suất điều của tỉnh giảm từ 12,35 tạ/ha xuống 10,75 tạ/ha. Việc thu mua điều phụ thuộc vào thương lái, chưa có sự liên kết giữa sản xuất, thu mua và chế biến hạt điều”.

Theo ông Đon, các DN chế biến của tỉnh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất cầm chừng, một số DN nhỏ bị thua lỗ và giải thể.

Trước tình trạng này, Cục Trồng trọt đã phối hợp với Sở NN-PTNT và HND tỉnh Bình Phước tiến hành khảo sát tại 3 huyện Đồng Phú, Bù Đăng và Bù Gia Mập cho thấy, hầu hết cây điều đều được trồng trên đất xấu, độ dốc lớn (chiếm 84,7% diện tích) và chủ yếu theo phương thức sản xuất cũ, ít ứng dụng TBKT vào sản xuất. Phần lớn diện tích điều bị sâu bệnh gây hại nặng đều ở những vườn cây giống chất lượng kém, già cỗi do trồng từ năm 1986 - 1995, năng suất chỉ đạt bình quân 5 tạ/ha.

Giải pháp tái canh

Theo Cục Trồng trọt, muốn phát triển ngành điều bền vững cần phải đồng bộ sản xuất hàng hóa lớn với các sản phẩm đa dạng, có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân và DN.

“Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có tổng diện tích điều 350.000 ha, phân bố ở 9 tỉnh: Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Nông, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Bình Định, trong đó diện tích thu hoạch 300.000 ha, chiếm 85%.

Năng suất bình quân đạt 15 tạ/ha, trong đó vùng trọng điểm 4 tỉnh (Bình Phước, Đồng Nai, 2 huyện phía bắc tỉnh BR-VT và 3 huyện phía nam tỉnh Bình Thuận) diện tích thu hoạch khoảng 200.000 ha, năng suất 17 tạ/ha. Sản lượng cả nước đạt 450.000 tấn hạt điều, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành điều 2,5 tỷ USD”.

TS Nguyễn Như Tiến, Cục Trồng trọt cho rằng, để đạt được mục tiêu trên phải quyết liệt thực hiện giải pháp về chính sách. Theo đó tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ trồng tái canh, cải tạo, khôi phục và trồng mới, trồng xen ca cao; hỗ trợ 80% giá trị cây giống đạt tiêu chuẩn cho nông dân được sản xuất từ các đơn vị cung ứng giống chỉ định; hỗ trợ phân bón 3 năm đầu tiên khi trồng tái canh, hỗ trợ 40% phân bón năm đầu tiên diện tích điều cải tạo, khôi phục; hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi 6%/năm, thời gian 7 năm đối với vốn đầu tư tái canh, cải tạo khôi phục và trồng mới giống có chất lượng. Thời gian hoàn trả vốn và lãi suất bắt đầu từ năm thứ 4 và kết thúc vào năm thứ 7.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, GĐ Trung tâm quy hoạch nông nghiệp (thuộc Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Miền Nam) cho biết: “Trong 5 năm gần đây cả nước giảm 105.000 ha điều, trong đó Bình Phước là một trong những địa phương có diện tích điều giảm mạnh nhất. 81% vườn điều của Bình Phước được trồng bằng cây thực sinh, năng suất rất thấp.

Hơn nữa do điều trồng trên đất lâm nghiệp ít được chăm sóc, ngay ở giai đoạn đầu cây điều đã kém phát triển. Khi vào giai đoạn thu hoạch kinh doanh thì người dân chăm sóc không đúng qui trình kỹ thuật, thực tế chỉ có 30% hộ dân tiến hành chăm sóc, bón phân, tỉa cành tạo tán cho điều, còn lại chủ yếu phó thác cho tự nhiên”.

Theo ông Tuấn, để phát triển ngành điều bền vững, từng địa phương cần xây dựng kế hoạch, bước đi cụ thể để tái canh, cải tạo khôi phục vườn điều, nhằm từng bước nâng cao chất lượng vườn điều, tăng năng suất, hiệu quả và nâng cao đời sống cho người dân.

Nhất là đối với vườn điều già cỗi, giống có năng suất thấp, sâu bệnh hại nặng cần phải tiến hành đốn bỏ‎ để trồng tái canh bằng giống điều mới, phương thức tiến hành đồng loạt hoặc cuốn chiếu phù hợp với khả năng của từng vùng, từng hộ không ảnh hưởng lớn đến đời sống và tổng sản lượng điều.


Có thể bạn quan tâm

Cá Tra, Khóm Tăng Giá Cá Tra, Khóm Tăng Giá

Theo số liệu thống kê từ Trạm thủy sản thị xã Ngã Bảy, hiện trên địa bàn thị xã Ngã Bảy còn 89 hộ nuôi cá tra thương phẩm với diện tích mặt nước ao nuôi 51ha. Trong đó diện tích đã được thu hoạch trong hơn 10 tháng đầu năm nay là 42ha, với tổng sản lượng trên 11.000 tấn.

25/11/2014
Đội Thủy Nông Theo Nước Phục Vụ Sản Xuất Đội Thủy Nông Theo Nước Phục Vụ Sản Xuất

Nhằm đảm bảo việc điều tiết nước phục vụ sản xuất, xã Lợi Hải (Thuận Bắc), đã thành lập Đội thủy nông theo nước (TNTN) ở các thôn trên địa bàn. Qua hoạt động, các đội đã phát huy được vai trò của mình, tạo được sự tin tưởng để bà con yên tâm sản xuất, góp phần tạo nên những vụ mùa bội thu.

18/06/2014
Lâm Sơn Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Phát Triển Kinh Tế Lâm Sơn Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Phát Triển Kinh Tế

Xã Lâm Sơn (huyện Ninh Sơn) được biết đến như “Nam Bộ thu nhỏ” với nhiều loại trái cây đặc sản như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… Đặc biệt, những năm gần đây, nông dân Lâm Sơn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều vùng đất hoang hóa, vườn tạp cằn cỗi đã trở nên trù phú, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.

18/06/2014
Làm Giàu Từ Nuôi Cá Ở San Thàng (Lai Châu) Làm Giàu Từ Nuôi Cá Ở San Thàng (Lai Châu)

“Từ gần 10 năm nay, bên cạnh nghề trồng rau, hoa, nuôi cá ở xã San Thàng (thành phố Lai Châu) đã trở thành một nghề. Với diện tích 65,27ha mặt nước, nhiều gia đình đã trở thành hộ khá, giàu từ phát triển kinh tế thủy sản” - chị Lò Thị Thìn, cán bộ Trạm Khuyến nông xã San Thàng cho biết.

25/11/2014
Cần Giải Pháp “Gỡ Khó” Cho Phát Triển Tôm Giống Cần Giải Pháp “Gỡ Khó” Cho Phát Triển Tôm Giống

Ông Trương Hữu Thông – Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cho biết: “Hiện nay, do giải quyết “bài toán” quy hoạch vùng nuôi tôm giống còn dang dở khiến cho các doanh nghiệp vùng tôm danh tiếng ở Tuy Phong đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc”.

19/06/2014