Ồ Ạt Phá Rừng Nuôi Tôm
Việc người dân ồ ạt phá rừng phòng hộ ven biển để đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng tiềm ẩn nhiều rủi ro, môi trường bị phá hủy. Người dân đầu tư quá lớn, nếu thương lái giở trò thì trắng tay…
Trong những ngày này, dọc tuyến đường Thanh Niên, ven biển 2 huyện Thăng Bình và Núi Thành của tỉnh Quảng Nam, rất nhiều người dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng, bất chấp ô nhiễm môi trường cũng như cảnh báo của chính quyền địa phương.
Những khu rừng dương phòng hộ ven biển xanh tươi trước đây giờ đã bị phá tan hoang. Thay vào đó là những ao tôm mọc lên như nấm. Rầm rộ nhất có lẽ là tại xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, người dân tận dụng tất cả diện tích đất có được để đào ao tôm. Từ các ao tôm, chằng chịt những đường ống dẫn nước thải chảy thẳng ra sông.
Ông Đỗ Hồng Thanh (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến) cho biết trước đây ông và một số ngư dân sắm thuyền đánh bắt xa bờ. Từ đầu năm 2013 đến nay, thấy những hộ nuôi tôm thẻ chân trắng thu lợi lớn nên ông và các ngư dân khác bỏ biển để nuôi tôm. Năm ngoái, ông vay ngân hàng gần 450 triệu đồng đầu tư đào 3 ao tôm, chỉ qua 2 vụ, gia đình ông đã trả hết nợ.
Thấy việc nuôi tôm dễ dàng, thu lợi cao, năm nay ông Thanh rủ thêm người em sống ở tỉnh Đắk Lắk về quê góp vốn nuôi. Anh em ông Thanh mở rộng diện tích lên 7 ao.
“Sáng nào, các đầu nậu cũng mang xe tải lớn chạy khắp đường làng. Ao nào đến thời điểm thu hoạch thì chỉ cần kéo lên cân, thương lái đưa tiền sòng phẳng, có bao nhiêu cũng mua hết khiến người dân rất hào hứng. Các thương lái cho biết họ thu gom rồi bán lại cho các đầu nậu người Trung Quốc. Buôn bán với người Trung Quốc thì cũng sợ nhưng cả năm nay có thấy gì đâu?” - ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, cho biết việc người dân ồ ạt phá rừng phòng hộ ven biển để đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng tiềm ẩn nhiều rủi ro, môi trường bị phá hủy. Người dân đầu tư quá lớn, nếu thương lái giở trò thì trắng tay…
“Để ngăn chặn việc này, UBND tỉnh đã thông báo nêu rõ hộ nào đang nuôi thì cho nuôi hết vụ, hộ nào mới đào ao chưa thả nuôi thì cấm. Tuy nhiên, khi đến xử lý thì hộ này nhìn hộ kia, phân bì nên rất khó khăn” - ông Giúp nói.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Quảng Nam, cho biết sau khi nhận được phản ánh, chi cục đã lập đoàn kiểm tra và xử lý rất nhiều trường hợp sai phạm. Về lâu dài, để tránh ô nhiễm môi trường, tỉnh Quảng Nam đang lên phương án quy hoạch vùng nuôi tôm cho các hộ dân.
“Chúng tôi đã khảo sát lập quy hoạch, đo đạc xác định vùng nuôi tôm tạm thời tại 2 huyện Núi Thành và Thăng Bình. Chúng tôi đang chờ sự góp ý của 2 huyện, sau đó trình UBND tỉnh ký thông qua để thực hiện” - bà Tâm cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Chuyện con bò tót “lạc đàn” về xã Phước Bình “gắn kết” với bò nhà sản sinh những con bê lai F1 “cường tráng” đang trở thành đề tài thời sự thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trong nước.
Phân bón cho cây trồng nông nghiệp bao gồm nhiều loại, nhưng có thể qui tập vào những nhóm chủ yếu: phân hữu cơ (cả hữu cơ vi sinh); phân vô cơ (phân đa lượng, trung lượng, vi lượng); phân vi sinh vật. Phân hữu cơ và phân vô cơ đều cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng nhưng không thể thay thế cho nhau.
Với quyết tâm chinh phục “đất nghèo”, ông Nguyễn Văn Hùng, ở thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn (Ninh Sơn) đã dày công cải tạo những thửa ruộng cằn cỗi thành trang trại sản xuất, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Mô hình Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình 5 không, 3 sạch” tại Chi hội Phụ nữ thôn Thành Sơn (xã Xuân Hải, Ninh Hải) mới đi vào hoạt động được một năm nhưng đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em phụ nữ xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Nhìn cơ ngơi làm ăn bề thế của anh nông dân trẻ Phạm Văn Tiến ít ai ngờ nơi đây nguyên là vùng sỏi đá. Bằng ý chí và nghị lực của tuổi trẻ, anh biến đồi hoang thành những vườn nho bốn mùa cho trái ngọt và những thửa ruộng vàng thơm sắc lúa. Anh Tiến là điển hình tiêu biểu của lớp nông dân trẻ sinh trưởng sau mùa xuân 1975 năng động có kiến thức vươn lên làm giàu bền vững ở xã Nhị Hà.