BasicGAP, An Toàn Và Dễ Áp Dụng
Sau hơn 4 năm kể từ ngày Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành, diện tích cây trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn rất khiếm tốn, 65 tiêu chí kiểm soát bắt buộc phải thực hiện trong quá trình sản xuất trong khi giá bán sản phẩm không cao hơn khiến nông dân không mặn mà với quy trình này.
Từ thực tế đó, ngày 2/7/2014, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ký Quyết định 2998/QĐ-BNN-TT ban hành hướng dẫn thực hiện các tiêu chí cơ bản của VietGAP cho sản xuất rau (quy trình GAP cơ bản – BasicGAP).
Đơn giản, dễ làm
Đó là nhận xét chung của 27 hộ nông dân Hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) Hạ Vĩ, xã Nhân Chính (Lý Nhân – Hà Nam) về BasicGAP mà họ đã thực hiện hơn 3 năm qua với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thông qua dự án Nâng cao năng lực quản lý ngành trồng trọt nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng.
Hạ Vĩ là vùng chuyên canh rau truyền thống, nông dân ở đây có nhiều kinh nghiệm trong canh tác các loại rau. Tuy vậy, việc sử dụng tràn lan phân bón (đặc biệt là urê) và thuốc bảo vệ thực vật khiến chất lượng rau không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và cả người sản xuất.
Mặc dù HTXNN Hạ Vĩ cũng đã triển khai sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP với quy mô 5ha nhưng chưa được chứng nhận, nguyên nhân là vì sản xuất theo VietGAP đòi hỏi yêu cầu cao và tốn kém.
Chính vì vậy, khi tiếp cận BasicGAP, nông dân rất phấn khởi, hào hứng áp dụng vì so với 65 tiêu chí của VietGAP, sản xuất theo BasicGAP, bà con chỉ phải áp dụng 26 tiêu chí, là những điều kiện cơ bản nhất trong sản xuất an toàn, phù hợp với quy mô sản xuất hộ gia đình, nhỏ lẻ và dễ áp dụng.
Theo bà Nguyễn Thị Vang, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hà Nam, diện tích sản xuất theo BasicGAP của Hạ Vĩ là 1,5ha, với các chủng loại rau: Bắp cải, su hào, súp lơ.
Vùng sản xuất rau an toàn được đầu tư xây dựng 3 bể chứa rác thải bảo vệ thực vật, 14 bể chứa rác thải tàn dư thực vật, làm các biển cảnh báo, xây dựng khu sơ chế. Nông dân được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất an toàn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”, cách ghi chép nhật ký đồng ruộng.
Điều khác biệt so với quy trình VietGAP trước đây là nông dân phải chịu trách nhiệm ghi toàn bộ nhật ký sản xuất với nhiều mục phức tạp thì nay bà con chỉ phải ghi những vấn đề liên quan trực tiếp đến canh tác, chăm sóc hay thu hoạch, còn những mục khác do cán bộ HTX lo nên bà con không còn tâm lý e ngại. Kết quả, đã có 20/27 hộ biết cách ghi chép nhật ký sản xuất.
Do giảm được chi phí sản xuất nên lợi nhuận của mô hình sản xuất rau an toàn theo BasicGAP tăng đáng kể. Tuy nhiên, bà Vang cho rằng, cái được lớn nhất của mô hình là giúp nông dân thay đổi phương thức sản xuất, từng bước áp dụng quy trình canh tác an toàn để cho ra những sản phẩm đảm bảo an toàn, nâng cao dần trình độ.
Và khi đã có tư duy sản xuất mới thì việc họ áp dụng những tiêu chuẩn đồng bộ, khắt khe để sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ dễ dàng hơn. Điều đáng mừng hơn là, đến nay, HTXNN Hạ Vĩ đã nhận được giấy chứng nhận VietGAP, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân nơi đây.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh thăm cánh đồng rau sản xuất theo BasicGAP ở Hạ Vĩ.
Đẩy mạnh liên kết
Ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho biết, quy trình GAP cơ bản hiện đang được triển khai ở 6 tỉnh phía Bắc, trong đó 3 tỉnh thí điểm là Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Ninh và 3 tỉnh vệ tinh là Hòa Bình, Thái Bình và Hải Phòng, với diện tích khoảng 500ha.
Theo ông Định, so với 65 tiêu chí bắt buộc phải thực hiện của VietGAP, sổ tay ghi chép phức tạp thì BasicGAP chắt lọc những yếu tố cơ bản nhất của quy trình sản xuất an toàn để nông dân dễ tiếp thu, áp dụng, phù hợp với mọi đối tượng, nhất là những mô hình nhỏ lẻ (VietGAP thường áp dụng cho những vùng sản xuất lớn).
Mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao năng lực hệ thống quản lý ngành trồng trọt, của nông dân về sản xuất an toàn, cung cấp cho thị trường trong nước những sản phẩm đạt chất lượng.
Với cách tiếp cận từ đơn giản đến phức tạp, nông dân sẽ dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất để làm sao đảm bảo sức khỏe cho chính mình và người tiêu dùng. Chúng tôi cũng hướng đến những mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nông dân với nhau, từ đó hình thành các tổ nhóm sản xuất để thuận tiện trong khâu chăm sóc, thu hoạch, tiêu thụ”, ông Định nói.
Cũng theo ông Định, khác với VietGAP, BasicGAP có 2 loại sổ ghi chép: Nhật ký đồng ruộng dành cho nông dân, gồm 3 biểu mẫu ghi chép, lưu giữ hồ sơ các hoạt động sản xuất hàng ngày trên đồng ruộng, thời điểm mua vật tư nông nghiệp, thu hoạch, bán sản phẩm.
Nhật ký quản lý sản xuất dành cho cán bộ kỹ thuật, chủ nhiệm HTX hoặc trưởng nhóm sản xuất ghi chép, lưu giữ hồ sơ về quản lý điều kiện sản xuất, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp cung cấp cho nông dân và công tác đào tạo.
Nói như bà Nguyễn Thị Hằng, cán bộ tư vấn của dự án, với nhật ký quản lý sản xuất, chính đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chủ nhiệm HTX đã trở thành “barie” vững chắc, giúp vùng sản xuất an toàn không có những sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu ngoài danh mục, việc sử dụng cũng khoa học, hợp lý hơn.
Ông Okiura Fumihiko, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng mà BasicGAP hướng tới là giúp giảm chi phí đầu tư, áp dụng sản xuất an toàn, chính vì vậy, dù hiện nay, giá bán sản phẩm không cao hơn bình thường là bao nhưng nông dân vẫn có lãi và muốn mở rộng sản xuất.
Trong tương lai, nếu BasicGAP được nhiều người biết đến thì chắc chắn người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn để được sử dụng những sản phẩm an toàn.
Với BasicGAP, nông sản Việt cũng chưa thể xuất khẩu được sang một số thị trường khó tính, trong đó có Nhật Bản, nhưng khi nông dân đã quen với 26 tiêu chí của BasicGAP, thấy được lợi ích của phương thức sản xuất mới, họ sẽ không ngại áp dụng các tiêu chuẩn khắt khe hơn, lúc đó con đường ra thị trường quốc tế sẽ rộng mở.
Ông Định cho biết thêm, trên cơ sở kết quả của dự án, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có chiến lược thúc đẩy nông hộ quy mô nhỏ sản xuất cây trồng an toàn theo BasicGAP. “Tuy nhiên, muốn nâng cao thu nhập cho nông dân thì khâu liên kết với doanh nghiệp trong vấn đề bao tiêu sản phẩm cần phải được thúc đẩy”, ông Định nói.
Có thể bạn quan tâm
Kết hợp việc ứng dụng nấm xanh Ometar cùng mô hình trồng hoa bờ ruộng góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cây lúa
Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 800 ha trồng ớt, nhiều nhất là ở huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công với nhiều vùng chuyên canh như Bình Ninh, Bình Phan, Bình Phục Nhứt, Vĩnh Hựu...
Những ngày qua, nhiều địa phương trong tỉnh Đồng Tháp rộ lên thông tin có thương lái nước ngoài thu gom chuối để xuất khẩu với số lượng không giới hạn làm cho giá chuối tăng vọt, nhiều nhà vườn rất phấn khởi vì chưa bao giờ trồng chuối lại lãi cao đến vậy.
Sau hơn hai năm đi vào họat động, câu lạc bộ (CLB) khuyến nông xã Hương Phong, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế) giúp cho hàng chục hộ dân vươn lên thoát nghèo từ mô hình nuôi ếch.
Sau nhiều năm nuôi thả nghêu, năm được mùa, năm mất mùa do thiên tai... đến năm 2013, những người nuôi nghêu ở xã Quảng Minh (Hải Hà - Quảng Ninh) đã chủ động được hơn khi có sự bảo hộ của Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng thuỷ hải sản Minh Hà - một tổ chức do chính họ lập ra.