Nuôi Cá Chạch Lấu
Tháng 8/2012, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Kiên Giang hỗ trợ nông dân nuôi thí điểm cá chạch lấu hay còn gọi là cá chạch bông. Sau gần một năm thực hiện, bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển mới cho nông dân trong nghề nuôi thủy sản nước ngọt.
Mô hình nuôi cá chạch lấu thí điểm được thực hiện tại hộ nông dân Danh Anh, ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành (Kiên Giang) trên 1.400 m² mặt nước. Với 10.000 con giống, sau hơn 10 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân 300 gram/con, tỷ lệ hao hụt khoảng 20% và khá dễ nuôi, chưa thấy xuất hiện bệnh gây hại đàn cá.
Thức ăn chủ yếu của cá chạch lấu là cá đồng, cá phân, cá tạp, cua, ốc, tép xay nhuyễn hoặc cắt ra từng miếng nhỏ. Hiện nay, cá chạch lấu có giá từ 450 - 500 ngàn đồng/kg, được người tiêu dùng ưa thích, thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Danh Anh cho biết: Cá chạch lấu thích hợp nuôi trong lồng bè, nơi có dòng nước chảy thông thoáng, giúp cá tăng trọng nhanh, hạn chế ô nhiễm môi trường nguồn nước. Ngoài hỗ trợ kinh phí, nguồn cá giống, Sở Khoa học - Công nghệ Kiên Giang hướng dẫn kỹ thuật nuôi như: thiết kế lồng bè và cải tạo ao nuôi, chăm sóc, kiểm soát môi trường nguồn nước, thức ăn cho cá.
Qua thực hiện thí điểm, kinh nghiệm rút ra từ nuôi cá chạch lấu là phải theo dõi kiểm soát môi trường nguồn nước hàng ngày như: đo độ pH, độ kiềm và ô-xy thích hợp. Nông dân Danh Anh cho biết thêm, sau khi thu hoạch xong sẽ tiếp tục đầu tư nuôi cá chạch lấu bởi hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, giải quyết việc làm ổn định cho lao động trong gia đình, tăng thu nhập.
Theo Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Kiên Giang, mục đích của mô hình nuôi thí điểm cá chạch lấu là tìm kiếm mở rộng đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt cho nông dân. Từ thành công của mô hình nuôi cá chạch lấu tại hộ gia đình ông Danh Anh, Sở đánh giá hiệu quả kinh tế, xây dựng quy trình nuôi để chuyển giao và nhân rộng mô hình ở những địa phương có điều kiện nuôi phù hợp, nhằm tăng thêm nguồn thu nhập trong phát triển kinh tế gia đình cho nông dân.
Kỹ sư Trần Thị Tường Vi, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành (Kiên Giang) đánh giá: Bước đầu mô hình thí điểm nuôi cá chạch lấu thành công ngoài mong đợi, mở ra nhiều triển vọng giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Có thể bạn quan tâm
Được thành lập từ năm 2010, đến nay, Tổ hợp tác trồng rau an toàn ở phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên, tỉnh Bình Phước có 22 thành viên tham gia, với diện tích trên 10 ha.
Cà phê già cỗi, năng suất thấp, đời sống người dân khó khăn nhưng mong ước tái canh cà phê chưa biết đến bao giờ mới thực hiện được.
Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Châu Thành (Tây Ninh) xuống giống được 760 ha thuốc lá vàng, tập trung nhiều ở các xã Hảo Đước, Long Vĩnh và Ninh Điền.
Chuyện anh Nguyễn Ngọc Luân lấy bằng tiến sĩ lọc dầu ở Cộng hòa liên bang Đức và từ bỏ các công việc hấp dẫn về làm nông nghiệp một huyện thuần nông vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đồng Nai đã làm nhiều người hết sức ngạc nhiên. Nhưng đối với anh, việc giúp nông dân làm giàu ngay trên mảnh đất của họ là ước mơ đã được ấp ủ bấy lâu nay.
Nhiều công ty bán giống mắc ca lên tới vài trăm nghìn/cây là quá đắt so với giá thực tế của loại cây này. Việc phát triển quá nhanh diện tích cây mắc ca, cũng như thiếu kiểm soát trong công tác quản lý giống khiến nhiều hộ dân mua phải giống kém chất lượng.