Nuôi Cá Chạch Lấu
Tháng 8/2012, Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Kiên Giang hỗ trợ nông dân nuôi thí điểm cá chạch lấu hay còn gọi là cá chạch bông. Sau gần một năm thực hiện, bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả, mở ra hướng phát triển mới cho nông dân trong nghề nuôi thủy sản nước ngọt.
Mô hình nuôi cá chạch lấu thí điểm được thực hiện tại hộ nông dân Danh Anh, ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành (Kiên Giang) trên 1.400 m² mặt nước. Với 10.000 con giống, sau hơn 10 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân 300 gram/con, tỷ lệ hao hụt khoảng 20% và khá dễ nuôi, chưa thấy xuất hiện bệnh gây hại đàn cá.
Thức ăn chủ yếu của cá chạch lấu là cá đồng, cá phân, cá tạp, cua, ốc, tép xay nhuyễn hoặc cắt ra từng miếng nhỏ. Hiện nay, cá chạch lấu có giá từ 450 - 500 ngàn đồng/kg, được người tiêu dùng ưa thích, thị trường tiêu thụ ổn định.
Ông Danh Anh cho biết: Cá chạch lấu thích hợp nuôi trong lồng bè, nơi có dòng nước chảy thông thoáng, giúp cá tăng trọng nhanh, hạn chế ô nhiễm môi trường nguồn nước. Ngoài hỗ trợ kinh phí, nguồn cá giống, Sở Khoa học - Công nghệ Kiên Giang hướng dẫn kỹ thuật nuôi như: thiết kế lồng bè và cải tạo ao nuôi, chăm sóc, kiểm soát môi trường nguồn nước, thức ăn cho cá.
Qua thực hiện thí điểm, kinh nghiệm rút ra từ nuôi cá chạch lấu là phải theo dõi kiểm soát môi trường nguồn nước hàng ngày như: đo độ pH, độ kiềm và ô-xy thích hợp. Nông dân Danh Anh cho biết thêm, sau khi thu hoạch xong sẽ tiếp tục đầu tư nuôi cá chạch lấu bởi hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, giải quyết việc làm ổn định cho lao động trong gia đình, tăng thu nhập.
Theo Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Kiên Giang, mục đích của mô hình nuôi thí điểm cá chạch lấu là tìm kiếm mở rộng đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt cho nông dân. Từ thành công của mô hình nuôi cá chạch lấu tại hộ gia đình ông Danh Anh, Sở đánh giá hiệu quả kinh tế, xây dựng quy trình nuôi để chuyển giao và nhân rộng mô hình ở những địa phương có điều kiện nuôi phù hợp, nhằm tăng thêm nguồn thu nhập trong phát triển kinh tế gia đình cho nông dân.
Kỹ sư Trần Thị Tường Vi, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành (Kiên Giang) đánh giá: Bước đầu mô hình thí điểm nuôi cá chạch lấu thành công ngoài mong đợi, mở ra nhiều triển vọng giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Related news
Hiện tình trạng chất lượng tôm giống không đồng đều vẫn còn khá phổ biến, tuy các địa phương đã kiểm soát được hầu hết số lượng tôm giống xuất trại, nhưng vẫn còn một lượng không nhỏ (khoảng 10-20%) chưa kiểm soát được chất lượng do nhiều cơ sở vẫn sử dụng tôm giống trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Cần tách biệt khu nuôi tôm bố mẹ với các khu khác của trại giống để tránh tối đa việc lây nhiễm bệnh cũng như giảm thiểu các yếu tố stress (làm sốc tôm).
Chăm bón cực công, nông dân trồng hoa màu nuôi hy vọng tới kỳ thu hoạch. Nhưng trở ngại lớn nhất là khâu tiêu thụ, giá cả thất thường.
Đến thời điểm này, tại một số vùng tôm lúa của tỉnh Bạc Liêu, nông dân vẫn chưa thể thả giống như đã dự kiến. Có tình trạng trên là do năm nay nguồn nước được điều tiết về chậm hơn mọi năm.
Ngày 13-3, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã lấy ý kiến các địa phương về mức hỗ trợ hộ nông dân chăn nuôi. Chính sách đó gồm hỗ trợ về giống, thuốc thú y, môi trường chuồng trại, đào tạo tập huấn cho nông dân.