Nuôi bồ câu an toàn
Anh Nguyễn Văn Hoàn ở thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (huyện Lục Nam, Bắc Giang) mở đầu câu chuyện về kinh nghiệm nuôi chim bồ câu bằng bí quyết của mình.
Đến thôn Hà Mỹ dễ dàng tìm được nhà anh Hoàn bởi đây là người khá nổi tiếng với nghề nuôi chim bồ câu. Nhấp ngụm nước mát, chúng tôi nghe anh kể về hành trình đến với nghề.
Trước đây, do nhà nghèo, gia đình đông con nên anh phải nghỉ học sớm để phụ giúp cha mẹ. Sau đó từng làm thuê ở nhiều nơi rồi chăn nuôi lợn.
Đất vườn đồi rộng, có lứa anh nuôi tới hơn 100 con lợn. Nhiều khi lãi lớn nhưng lỗ cũng không nhỏ do giá cả bấp bênh, dịch bệnh. Năm 2008, anh theo những người cùng làng gom lợn xuất sang Trung Quốc để vừa bán sản phẩm của mình vừa tiêu thụ giúp bà con.
“Những chuyến mang hàng lên cửa khẩu, tôi thấy phía Trung Quốc phải nhập khá nhiều ngô, gạo của Việt Nam để làm thức ăn cho chim bồ câu.
Thương lái Trung Quốc lại bán chim bồ câu thương phẩm rẻ hơn nhiều so với chim bà con ta nuôi. Tìm hiểu kỹ tôi biết được họ có kỹ thuật nuôi cho năng suất cao”, anh Hoàn cho biết.
Cuối năm 2012, anh bỏ buôn lợn sang trại chim bồ câu lớn bên Trung Quốc học nghề. Nắm bắt được kỹ thuật, đầu năm 2013, anh Hoàn mạnh dạn đầu tư hơn 400 triệu đồng mua 350 đôi chim giống bồ câu Pháp và làm hệ thống chuồng nuôi có nước uống tự động.
Do vận chuyển vật nuôi vào thời điểm tháng 2, tiết trời ẩm ướt, chim chưa quen môi trường mới nên 50 đôi bị chết.
Vừa xót của, vừa lo lắng cho đàn chim, anh dồn hết tâm huyết chăm sóc. Các cặp chim được nuôi trong lồng có ngăn để đựng trứng, bên ngoài dán bảng ghi theo dõi ngày chim đẻ.
Toàn bộ trứng được gom đưa vào lò ấp. Khi những quả trứng đầu tiên ấp nở thành công, những chú chim non lần lượt ra đời, anh vui mừng khôn xiết và tin rằng mình sẽ thành công.
Anh chọn một số cặp bố mẹ khéo nuôi con, cho ăn tăng bữa, bổ sung dinh dưỡng để nuôi chim non mới nở, ghép 4 con non với 1 cặp bố mẹ. Nhờ tách con sớm, những cặp còn lại tiếp tục sinh sản rất nhanh sau đó.
Anh Hoàn so sánh: “Thông thường 1 cặp chim bố mẹ chỉ nuôi được 2 con non và sau 40 - 45 ngày mới tiếp tục đẻ lứa tiếp theo. Trong thời gian đó, chúng tiêu tốn lượng thức ăn rất lớn nên chi phí tốn kém, nếu tính toán sẽ thấy hiệu quả kinh tế thấp.
Thế nhưng tách chim non khỏi mẹ thì chỉ sau 10 - 13 ngày chim mẹ đẻ 1 lứa, bằng 1/4 thời gian so với cách nuôi truyền thống. Qua đó giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất vật nuôi”.
Dẫn khách thăm khu vực nuôi chim bồ câu, anh Hoàn hỏi: “Mấy hôm nay các bạn có đi vào trang trại chăn nuôi nào không?”. Thấy chúng tôi lắc đầu, anh bảo có nhiều người muốn thăm trang trại nuôi chim nhưng tôi không đồng ý vì nguy cơ lây truyền bệnh cho vật nuôi từ nơi khác rất cao.
"Các bạn chưa đi trại nào thì tôi yên tâm rồi” - vừa nói anh Hoàn vừa dẫn chúng tôi đi theo, yêu cầu mặc áo bảo hộ.
Lội qua vũng nước vôi trong, tiếp đó đến lớp vôi bột, xỏ đôi dép lê dành riêng vào khu chăn nuôi, chúng tôi mới đến được trại nuôi chim.
Anh Hoàn giải thích: “Không chỉ người lạ mà bản thân người nuôi chim cũng làm như vậy, mỗi khi vào khu vực chuồng nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định để tránh dịch bệnh”.
Để làm mát cho chim, anh trang bị quạt công suất lớn, phun nước bằng máy phun sương trên mái khu chăn nuôi. Hiện khu nuôi chim có số lượng cá thể lên đến hơn 10.000 con, trong đó hơn 3.500 chim bố mẹ.
Thấy có người lạ, chim ban đầu dáo dác. Khi được chủ nhân rắc thức ăn vào máng, tiếng mổ của chúng rộ lên thành dàn âm thanh rất vui tai. Thành phần thức ăn cho chim gồm 20% cám công nghiệp còn lại là ngô, lúa mạch, đậu tương.
Đặc biệt, chúng chỉ ăn thức ăn viên mà không ăn loại nghiền nhỏ. Cám, ngô rơi vãi được tận dụng nuôi gà đẻ trứng. Chim nuôi con cho ăn 4 lần/ngày, chim đẻ thường 2 lần/ngày.
Vừa chăm chỉ, đam mê, lại mát tay nên việc chăn nuôi của anh luôn thuận buồm xuôi gió. Giống chim này nhanh lớn, dễ tiêu thụ. Sau 20 - 22 ngày, chim thịt xuất chuồng nặng khoảng 0,6 kg/con.
Bình quân mỗi tháng, anh xuất hơn 1.000 chim thương phẩm với giá 70.000 đ/con, 300 - 400 cặp chim giống với giá 200.000 đ/đôi cung cấp cho các nhà hàng, trang trại nuôi chim ở khắp các tỉnh miền Bắc. Trừ chi phí anh lãi khoảng 20 triệu đ/tháng.
Nhằm bảo đảm an toàn cho đàn chim, hàng tuần anh phun thuốc phòng dịch cho toàn bộ khu trang trại, định kỳ phòng trị bệnh Newcatson, Gumboro, tụ huyết trùng.
Đồng thời quan sát để chọn lọc cặp chim khéo nuôi con rồi ghép các đôi chim non, giảm lượng con “ăn bám”.
Từ nhà đến Chi cục Thú y tỉnh gần 20 km nên mỗi lần xuất bán chim ra ngoài tỉnh, anh Hoàn tốn công làm giấy kiểm dịch. Số lượng chim xuất chuồng rất lớn, thường chỉ ước lượng, nên đôi khi vô tình vi phạm. Do vậy anh đề nghị cơ quan chuyên môn tạo điều kiện hơn nữa, giảm phí thú y cho người chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Thành công từ mô hình nuôi cá đối mục trong ao nuôi tôm suy thoái tại xã Tam Quan Nam và thị trấn Tam Quan đã tháo gỡ được nỗi lo của người nuôi tôm, góp phần khôi phục lại môi trường nuôi trồng thủy sản, vừa mở ra hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.
Cụ thể, loại tôm sú cỡ 40 con/kg được bán với giá 175 - 185 ngàn đồng/kg, tôm sú loại 30 con/kg có giá 205 - 215 ngàn đồng/kg; tôm thẻ chân trắng loại 60 con/kg có giá 130 - 140 ngàn đồng/kg, tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg cũng được bán với giá 100 - 110 ngàn đồng/kg.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 50 tấn hóa chất sát trùng Chlorine thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi.
Mô hình nuôi bò sữa ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ hiện đang được nhiều hộ dân tham gia do thu nhập ổn định, giải quyết việc làm nhàn rỗi cho bà con. Đặc biệt, từ khi Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi bò sữa Long Hòa ra đời, bà con càng yên tâm đầu ra sản phẩm luôn được đảm bảo.
Huyện Tân Thành (Bà Rịa Vũng Tàu) có khoảng 10 trang trại nuôi chim cút, quy mô 20 ngàn - 70 ngàn con. Trung bình mỗi năm các trang trại cung ứng ra thị trường 22 triệu quả trứng và hàng chục tấn thịt cút thương phẩm. Tuy nhiên, do 2 tháng trở lại đây giá trứng cút giảm mạnh, các hộ nuôi chim cút khó có thể tiếp tục duy trì đàn.