Nữ Tỷ Phú Chân Đất
Bằng mô hình sản xuất đa canh kết hợp (lúa + vườn + ao + chuồng), bà Nguyễn Thị The (ngụ ấp Vĩnh Thắng, xã Vĩnh Khánh) thu bạc tỷ mỗi năm, khiến bạn nhà nông bắt chước làm theo. Điều đáng nể hơn, sản xuất từ vùng kinh tế mới giúp bà giàu có, trở thành “Nông dân giỏi” của huyện Thoại Sơn và tỉnh An Giang nhiều năm liền.
Qua câu chuyện do bà kể, chúng tôi được biết, bà The sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, rất đông anh em và quê quán ở tận Cái Bè (Tiền Giang). Khi đến tuổi trưởng thành, lập gia đình thì vẫn cứ nghèo! Hơn 20 năm trước, gia đình nhỏ của bà phải dắt díu nhau “tha phương cầu thực”.
“Để có tiền sinh sống, vợ chồng phải làm đủ thứ nghề, từ phụ hồ, buôn bán nhỏ đến mần công hổng có tiền lương, chỉ được một ngày hai bữa cơm là quý lắm rồi” - bà The nhớ lại. Đến năm 1991, vợ chồng dạt đến vùng kinh tế mới Vĩnh Khánh (Thoại Sơn), với hy vọng đất đai màu mỡ và làm ăn khấm khá. Sau nhiều năm làm việc cật lực, cố gắng tích lũy, vợ chồng sang nhượng 4 công đất ruộng, mà vài năm mới trả dứt nợ.
Vậy là, vợ chồng, con cái sống trong mái nhà tạm giữa đồng trống, nơi hoang vắng. “Vợ chồng tôi luôn cố gắng cái gì có thể mần được là mần, miễn sao kiếm tiền đàng hoàng, quyết trả nợ nhanh chóng. Lúa thóc mần ra, trước hết chừa xay gạo ăn, phần dư bán hết để trả nợ, còn các khoản chi tiêu hàng ngày thì vợ chồng mần mướn có ít xài ít, có dư lại tiếp tục để dành” - bà The tâm sự. Nhờ chí thú làm ăn, bà đã trả dứt nợ, rồi mua một cặp heo giống nuôi và bầy vịt vài chục con thả đồng.
Quả thật, vùng đất mới không phụ lòng người có chí, vượt qua bao khó khăn ban đầu để khởi nghiệp đi lên. Từ hai bàn tay trắng mà có được ít vốn liếng, ruộng đất nơi vùng kinh tế mới, bà Nguyễn Thị The trải qua không ít vất vả gian nan, kỳ công mới có được kết quả như vậy.
Năm 2012, tại Đại hội tuyên dương nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi huyện Thoại Sơn và tỉnh An Giang, bạn nhà nông không khỏi ngạc nhiên khi được biết bà Nguyễn Thị The là đại biểu trong số ít nữ đạt danh hiệu “Nông dân giỏi” cấp tỉnh nhiều năm liền, với mô hình sản xuất đa canh kết hợp.
“Gia đình tôi chủ yếu là bỏ công lao động làm lời và lấy ngắn nuôi dài. Với 4 công đất ban đầu, sau khi thu hoạch lúa, tôi đem xay gạo giao cho mấy người bán lẻ chợ xã. Dư nguồn tấm, cám đem về làm thức ăn cho heo, vừa nuôi cá trong ao” - bà The cho biết.
Nhờ ứng dụng kỹ thuật kết hợp “lúa + vườn + ao + chuồng”, đất ruộng “nở nồi” được 4 héc-ta canh tác 3 vụ lúa/năm; 6.000m2 đất trồng cây ăn trái gắn liền trang trại nuôi heo, ao cá tra, cá điêu hồng… và cả trăm con gà ta thả vườn. Trong đó, nguồn lợi từ trang trại nuôi heo là thu nhập chính của gia đình.
Trong phát triển trang trại nuôi heo, bà Nguyễn Thị The gặp không ít khó khăn về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ, giá cả thất thường. Song, hiện tại trang trại của bà có 12 con heo sinh sản, đàn heo thịt luôn xoay vòng từ 150 – 200 con, khoảng 3 tháng bà sẽ cho xuất chuồng từ 30 – 40 con.
“Năm 2013, giá heo giảm liên tục, có lúc chỉ còn trên 30.000 đồng/kg, thêm vào đó là giá thức ăn tăng, dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình phải bù lỗ hàng trăm triệu đồng để tái đàn. Từ đầu năm 2014 đến nay, giá cả tương đối ổn định hơn, xuất chuồng trên 100 con heo thịt với giá trung bình khoảng 50.000 đồng/kg, thu về gần 500 triệu đồng, bù lại được khoản chi phí năm ngoái” - bà The phấn khởi.
Người xưa có câu “đại phú do thiên, tiểu phú do cần”, đối chiếu với thực tế bây giờ, nông dân giỏi Nguyễn Thị The không chỉ là tiểu phú, mà còn trở thành tỷ phú từ chân đất.
“Mô hình sản xuất đa canh của bà Nguyễn Thị The đạt hiệu quả nhiều năm liền. Việc trồng lúa, lập vườn, chăn nuôi… chứng tỏ sự tiếp cận với tiến bộ khoa học-kỹ thuật và ứng dụng vào thực tiễn thành công. Năm 2014, bà The tiếp tục được đề nghị xét chọn danh hiệu “Nông dân giỏi” cấp tỉnh - ông Nguyễn Văn Ngọc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Khánh, cho hay.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế bằng mô hình nuôi xen ghép, gia đình ông La Kế - hội viên ND thôn Vân Quật Đông, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thoát nghèo, trở thành hộ điển hình về sản xuất kinh doanh giỏi với thu nhập hàng năm 150 triệu đồng.
Không quen biết ngoài đời nhưng đồng cảm trên diễn đàn trồng rau hữu cơ, bốn chàng cử nhân 9X và 8X Hồ Văn Sang, Nguyễn Hồng Thủy, Nguyễn Thanh Phong và Nguyễn Thanh Liêm từ bốn tỉnh thành khác nhau đã khăn gói lên TP Đà Lạt thuê 0,5 ha đất hợp tác trồng rau sạch.
Đến nay, tổng diện tích mô hình trồng lan của anh Trường lên tới trên 2.000m2, vườn lan có vài trăm loài lan rừng như đai trâu, quế lan hương, tam bảo sắc, lan đuôi cáo, lan đuôi sóc... Doanh thu hàng năm vào khoảng 3 tỷ đồng, thu nhập đã trừ chi phí lên tới gần tỷ đồng.
“Trong thời gian làm đại lý bán thức ăn gia súc, tiếp xúc với nhiều ND sở hữu những trang trại có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm tôi đâm ra ham. Tôi quyết định nhượng cửa hàng lại cho con trai cả làm chủ và đấu thầu 1,6ha đất của xã để làm nông nghiệp”- ông Cải nhớ lại.
Tại trong một lần xem chương trình “Sinh ra từ làng” của kênh VTV6 - Đài truyền hình Việt Nam, thấy trang trại nuôi vịt trời của người nông dân Tô Quang Dần trên hồ Cấm Sơn (Bắc Giang) hay hay, Huy tìm đến thăm mô hình nuôi vịt trời tại Công ty Cổ phần dịch vụ thương mại Thống Nhất tại P. Bắc Sơn, TX Sầm Sơn (Thanh Hóa) để tham khảo.