Đẩy Mạnh Thực Hiện Chương Trình Tái Canh Cà Phê
Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, toàn tỉnh hiện có trên 117.357 ha, sản lượng ước đạt trên 230.000 tấn. Tuy nhiên, việc phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh chưa mang tính bền vững, chưa phát huy hết tiềm năng về đất đai, khí hậu để nâng cao năng suất, chất lượng.
Vì lẽ đó, ngành cà phê tỉnh đang đứng trước những thách thức do cà phê trồng không theo quy hoạch, trồng trên những chân đất không phù hợp, không đủ điều kiện canh tác, chất lượng giống không đảm bảo, mẫn cảm với nhiều loại sâu bệnh hại...
Do đó, năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường thấp và diện tích cà phê già cỗi cần phải tái canh trong tương lai ngày càng nhiều. Ngoài ra, sự tăng, giảm về diện tích biến động phụ thuộc nhiều vào cung, cầu của thị trường cà phê đã làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng bị khai thác quá mức, môi trường ngày càng bị suy giảm...
Theo tổng hợp của các địa phương, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có khoảng 24.658 ha cà phê cần tái canh, trong đó, diện tích cà phê trên 30 năm là 568 ha, trên 25 năm là 1.969 ha, trên 20 năm là 5.568 ha và trên 15 năm là 16.553 ha.
Trong số diện tích cần tái canh, ngoài diện tích quá già cỗi không thể phục hồi thì số diện tích còn lại phần lớn sử dụng giống kém chất lượng, mẫn cảm nhiều loại sâu bệnh hại, kỹ thuật canh tác kém cho nên chất lượng vườn cây thấp, khó có khả năng phục hồi, dẫn đến năng suất, hiệu quả thấp.
Trước thực tế đó, Sở Nông nghiệp-PTNT đã và đang xây dựng kế hoạch triển khai tái canh như xây dựng dữ liệu nhu cầu tái canh từ nay đến năm 2020 để có kế hoạch phối hợp với Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam trong việc chủ động giống và Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT cho nông dân vay vốn hỗ trợ tái canh.
Thế nhưng, việc tái canh cà phê trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn gặp những hạn chế như các địa phương chưa chủ động về nhu cầu sử dụng giống, do chưa nắm bắt được nhu cầu tái canh, còn người dân vẫn chưa nắm bắt được quy trình tái canh do ngành chuyên môn hướng dẫn, rồi khó khăn về vốn nên kết quả thực hiện chưa lớn…
Trong 3 năm qua, thực hiện các cam kết giữa Sở Nông nghiệp-PTNT và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, các địa phương trong tỉnh đã nhận về 2.100 kg hạt giống và 50.000 cây giống cà phê TRS1. Sau 3 năm triển khai chương trình tái canh cà phê, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chủ trì phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện tốt công tác nhận hạt giống, hướng dẫn kỹ thuật tổ chức gieo ươm, rà soát hố trồng của người dân đăng ký ở các địa phương và giám sát công tác cấp phát cây giống cho bà con.
Đến thời điểm hiện tại, cây con đem ra trồng ngoài thực địa sinh trưởng phát triển bình thường, thích nghi khá tốt với điều kiện sinh thái tại các vùng trồng cà phê trong tỉnh, với tỷ lệ sống đạt khoảng 85%. Thông qua chương trình tái canh, bà con đã được tiếp cận các giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, chống chịu tốt với sâu, bệnh đã được Bộ Nông nghiệp-PTNT công nhận. Hơn nữa, các hộ trồng cà phê tái canh bước đầu được tiếp cận với quy trình sản xuất cà phê theo hướng bền vững theo các tiểu chuẩn sản xuất cà phê như 4C, UTZ, Fairtrade…
Theo dự kiến của ngành Nông nghiệp tỉnh thì với diện tích tái canh khoảng 2.600 ha trong các vụ, khi vào giai đoạn kinh doanh thì năng suất bình quân tăng khoảng 10-15%, tức là từ 2,2 tấn/ha lên 2,6 tấn/ha, sẽ giúp tăng thêm 1.040 tấn. Đây là khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, nâng cao giá trị ngành hàng cà phê, đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, có 5 doanh nghiệp được tỉnh Bạc Liêu cho thuê đất nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích 397 ha. Các doanh nghiệp này thuê đất chủ yếu để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của mình.
Mặc dù là người làng cá bột nổi tiếng nhưng ông Nguyễn Thế Tự (xóm Táo, Mão Điền, Thuận Thành - Bắc Ninh) lại có đam mê nuôi gà Hồ, giống gà đang được chăm lo bảo tồn. Nhiều năm nay, ông Tự đã trở thành nhà cung cấp gà giống có uy tín trong vùng.
Do chí phí đầu tư thấp, dễ trồng và hiệu quả kinh tế cao nên cây rong sụn đang là đối tượng nuôi trồng được nhiều hộ dân ở phường Cam Phúc Bắc (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) lựa chọn, góp phần giúp đời sống của người dân ngày càng khấm khá hơn.
Trước tình trạng nghêu chết hàng loạt tại một số địa phương ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre, Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Viện Hải dương học Nha Trang và Cục Thú y đã phối hợp với các địa phương điều tra, nguyên nhân được xác định là do nắng nóng, môi trường khắc nghiệt cộng với việc người dân ham lợi nhuận thả nuôi mật độ cao.
Trong khi một số vùng trồng bắp lấy hạt bị thất mùa do ảnh hưởng thời tiết thì mô hình trồng bắp lấy thân để bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) mở ra hướng làm ăn mới…