Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Xen Cây Ăn Quả, Cây Rừng Trong Vườn Cà Phê: Một Cách Làm, Nhiều Lợi Ích

Trồng Xen Cây Ăn Quả, Cây Rừng Trong Vườn Cà Phê: Một Cách Làm, Nhiều Lợi Ích
Ngày đăng: 29/10/2014

Để khai thác hiệu quả diện tích đất sản xuất, nâng cao thu nhập, tái tạo môi trường sinh thái thích hợp cho cây cà phê, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã chọn giải pháp trồng xen các loại cây ăn quả, cây rừng vào vườn cà phê. Cách làm này thực sự đã mang lại lợi ích nhiều mặt cho bà con nông dân.

Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp thì khi trồng xen cây ăn quả hoặc cây rừng nhằm chắn gió, che bóng mát trong vườn cà phê, bà con nông dân không chỉ  thu hoạch được các sản phẩm nông sản phụ mà còn giúp cho cây cà phê tăng khả năng chịu hạn, vừa cho năng suất ổn định và hạn chế được sự xói mòn của đất. Đây là mô hình xen canh dễ làm, thích hợp với các nông hộ và thân thiện với môi trường.

Cũng như nhiều hộ nông dân trong vùng, gia đình ông Trần Vĩnh Khánh ở thôn 8, xã Đắk Ru (Đắk R’Lấp) chọn cây sầu riêng để trồng xen trong vườn cà phê.

Ông Khánh cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng độc canh mỗi cây cà phê. Hàng năm, gia đình phải tiêu tốn một lượng nước tưới, bón phân rất lớn. không những thế, cây cà phê dù chăm sóc tốt nhưng sinh trưởng và phát triển vẫn kém, đất đai bị thoái hóa… Từ khi trồng xen cây sầu riêng, vườn cà phê sinh trưởng, phát triển khá ổn định”.

Năm 2004, ông đã đầu tư giống sầu riêng xen cà phê, cứ 3 hàng cà phê trồng một hàng sầu riêng. Cũng trên mảnh đất đó, ông thiết kế trồng xen thêm 200 trụ tiêu sống bằng lồng mức, cây anh đào. Trên tổng diện tích 1,8 ha, ông trồng được 100 cây sầu riêng, 1.500 cây cà phê và 200 gốc tiêu trồng bằng trụ sống.

Theo ông Khánh thì việc trồng xen cây sầu riêng để vừa chắn gió và che bóng cho cà phê, dưới gốc cây trồng lạc dại che phủ mặt đất, chống xói mòn đã hạn chế được lượng nước tưới, chống được khô hạn vào mùa khô.

Thực tế cho thấy, với những diện tích trồng thuần cà phê mỗi vụ phải tưới 4 - 5 đợt nước, còn trồng xen các loại cây ăn quả chỉ tưới 2 - 3 đợt. Cà phê là cây thích hợp với cường độ ánh sánh trung bình, vì vậy khi trồng xen sầu riêng không chỉ tăng năng suất cho cà phê mà còn tạo thêm thu nhập từ sầu riêng.

Ngoài ra, cây tiêu không cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng với cây cà phê nên tiêu sinh trưởng và phát triển rất tốt. Năm vừa qua, ông Khánh đã thu được 200 triệu đồng từ 12 tấn sầu riêng cùng với 300 triệu đồng từ 7 tấn cà phê và trên 100 triệu đồng từ 9 tạ tiêu. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh còn lãi trên 400 triệu đồng.

Còn gia đình bà Trần Thị Hương ở thôn 5, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) lại đưa cây bơ ghép vào trồng tại vườn cà phê của gia đình. Sau 5 năm chăm sóc, vườn cà phê trên 2 ha trồng xen với 600 cây bơ của gia đình bà đã xanh tốt, ra hoa đậu quả.

Bà Hương cho hay: “Trồng bơ xen trong vườn cà phê mang lại rất nhiều tiện lợi, vì cây bơ khá phù hợp để trồng xen canh, đồng thời, giá cả hiện cũng khá cao và ổn định”.

Tương tự, gia đình ông Phạm Đức Quân ở thôn Đức Thuận, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) cũng chọn giải pháp trồng hồ tiêu xen canh trong vườn cà phê. Từ năm 2009 đến nay, ông Quân đã trồng hàng trăm trụ tiêu xen canh trên 2 ha cà phê của gia đình.

Để hồ tiêu không cạnh tranh với cà phê, ông Quân chọn giải pháp trồng xen với mật độ vừa phải và sử dụng trụ sống để trồng hồ tiêu. Trụ sống sẽ có tác dụng che bóng, chắn gió cho cà phê.

Qua thực tế sản xuất, khi trồng xen, tỷ lệ sâu bệnh trên cà phê và hồ tiêu đều giảm so với vườn trồng thuần. Do đó, việc trồng xen canh cây tiêu trong vườn cà phê với giải pháp hợp lý đang được nông dân và các cấp, ngành chuyên môn trong tỉnh quan tâm.

Có thể nói với phương thức canh tác trồng kết hợp giữa cây ăn quả, cây hồ tiêu với cây rừng trong vườn cà phê trên cùng một diện tích đất canh tác và phân bố hợp lý trong không gian sinh trưởng đã giúp các loại cây xen canh có điều kiện cộng sinh, tác động qua lại lẫn nhau cả về phương diện sinh thái và kinh tế theo hướng có lợi.

Nhờ đó, việc trồng xen ăn quả, cây rừng trong vườn cà phê đã tạo môi trường thích hợp cho cà phê, đồng thời giúp nông dân có thêm nguồn thu nhập không nhỏ so với độc canh.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Để Ớt Khô Trên Cây Vì Giá Thấp Nông Dân Để Ớt Khô Trên Cây Vì Giá Thấp

Vụ ớt năm nay nông dân Kbang được mùa, bội thu, khắp hai bên đường đi vào huyện, đâu đâu cũng thấy nhiều hộ nông dân phơi ớt đỏ rực. Nhưng đối lập với màu đỏ vui tươi của ớt được mùa, là không khí không mấy vui của nông dân Kbang, bởi điệp khúc được mùa mất giá cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm nay.

21/06/2014
Bát Xát (Lào Cai) Thu Gần 4 Tỷ Đồng Từ Dưa Hấu Bát Xát (Lào Cai) Thu Gần 4 Tỷ Đồng Từ Dưa Hấu

Năm 2014, tổng diện tích dưa hấu trên địa bàn huyện Bát Xát khoảng 60 ha. Trong đó, dưa hấu được trồng nhiều nhất ở các xã: Phìn Ngan (30 ha), Quang Kim (20 ha), diện tích còn lại được trồng rải rác ở các xã: Bản Qua, Cốc San, Toòng Sành. Năm nay, cây dưa hấu sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt khoảng 12 tấn/ha, tổng sản lượng dưa hấu toàn huyện đạt khoảng 720 tấn.

26/05/2014
Rau Ăn Lá Tăng Giá Mạnh Rau Ăn Lá Tăng Giá Mạnh

Gần 1 tuần nay, giá các loại rau ăn lá, ăn quả bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tục tăng thêm từ 3-5 ngàn đồng/kg. Ngày 17-6, rau ăn lá như: cải ngọt, cải xanh bán lẻ tại chợ là 10-12 ngàn đồng/kg, tăng khoảng 3-4 ngàn đồng/kg; mùng tơi, rau dền, khổ qua, dưa leo có giá từ 9-10 ngàn đồng/kg, tăng 3 ngàn đồng/kg; bầu, bí xanh 14-16 ngàn đồng/kg, tăng 5 ngàn đồng/kg so với cách đây gần 1 tuần.

21/06/2014
Doanh Nghiệp An Giang Ngừng Mua Cá Tra, Nông Dân Điêu Đứng Doanh Nghiệp An Giang Ngừng Mua Cá Tra, Nông Dân Điêu Đứng

Gần 1 tháng qua, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn An Giang và các tỉnh lân cận đã ngưng mua cá nguyên liệu của nông dân, làm người nuôi điêu đứng. Đại diện một doanh nghiệp cho biết, do thị trường thế giới hạn chế nhập hàng; giá xuất khẩu chỉ tăng 30 cent, nhưng giá nguyên liệu lại tăng 2.500 đồng/kg, nên doanh nghiệp hạn chế sản xuất.

27/05/2014
Nhiều Nông Dân Quay Lưng Với “Cây Quý Tộc” Nhiều Nông Dân Quay Lưng Với “Cây Quý Tộc”

Nhưng do người dân chạy theo thị trường, không theo quy hoạch dẫn tới cung vượt cầu và hệ quả là điệp khúc trồng - chặt - trồng liên tục diễn ra, người nông dân rơi vào vòng luẩn quẩn. Hiện nhiều người dân đã quay lưng với cây cao su, loại cây một thời làm giàu cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh.

21/06/2014