Nông Sản Cho Trái Đắng & Bài Toán Quy Hoạch: Đánh Vật Với Tiêu Chuẩn
Trong khi các ông bạn “hàng xóm” như Trung Quốc, Thái Lan cả chục năm nay đã có bản quy hoạch tổng thể ngành trái cây đi theo hướng GAP (thực hành nông nghiệp tốt), sản phẩm bay nhảy khắp năm châu bốn biển, thì đáng buồn là VN vẫn coi chuyện quy hoạch ngành này như một điều gì đó quá ư xa xỉ! Khi quy hoạch không có, đồng nghĩa với việc ông “tổng chỉ huy” ngành trái cây cũng không thấy bóng dáng đâu, khiến toàn ngành trái cây VN cứ mặc sức phát triển hồn nhiên đến tán loạn. Bắt đầu từ nông dân, nhiều câu chuyện buồn liên quan đến những tháng ngày đánh vật với đủ loại tiêu chuẩn, cuối cùng cũng đành ngậm ngùi quay về lối sản xuất cũ vì “đi trong rừng tối không có bản đồ hay người dẫn đường, làm sao thấy lối!?”…
“NGÁP” VỚI CHỨNG CHỈ TOÀN CẦU !
Hàng loạt khu vườn trồng vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP ở Tiền Giang hiện đang mùa thu hoạch nhưng… 100% không đạt chuẩn xuất khẩu khiến HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim mấy năm nay bị biến thành “vựa” trái cây èo uột kinh doanh theo kiểu truyền thống đúng nghĩa (chỉ mua bán luẩn quẩn trong nước).
Chúng tôi tìm đến trụ sở HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang) mặc dù đang vào mùa thu hoạch vú sữa nhưng thấy cảnh đìu hiu vắng bóng người. Thỉnh thoảng mới có một vài nhà vườn phóng xe máy chở tới một giỏ vú sữa, xách vào ngồi lựa ra vài trái kha khá cân bán cho HTX, số trái còn lại phải đưa ra chợ bán xô với giá rẻ. Gặp chúng tôi, bà Võ Thị Phụng, ấp Đông, xã Kim Sơn than phiền: “Mùa vú sữa này gia đình tôi đã hái được hơn phân nửa số lượng trái trong vườn, nhưng chẳng ăn thua, trái không đạt bằng những năm trước. Hiện vú sữa đang vào thời điểm cuối vụ nên giá chỉ còn 15.000 đ/kg, vẫn thấp hơn mức thấp nhất của năm rồi từ 17.000 – 18.000 đ/kg”.
Theo chân bà Phụng về tận vườn, len lỏi vào một ngõ hẹp chỉ vừa đủ một người đi dẫn đến một khu vườn vú sữa đang thu hoạch. Lúc này, trong vườn có hai nhân công đang hái vú sữa thuê cho nhà bà Phụng, người trên cây tung cho người đứng dưới gốc hứng trái rồi quăng đại vào giỏ. Quan sát toàn bộ khu vườn cây của gia đình bà Phụng, trước đó đã được quy hoạch khá bài bản theo đúng quy trình GlobalGAP. Tuy nhiên, đến nay trong vườn thấy cây nào cũng cằn cỗi, trái thưa và nhỏ. Thậm chí khi chúng tôi cầm vài trái vú sữa bẻ đôi ra thấy có sâu bò lúc nhúc bên trong.
Cầm trên tay trái vú sữa vừa hái xuống, bà Phụng buồn buồn nói: “Đã vài năm nay rồi, HTX không ký lại hợp đồng thu mua vú sữa cho bà con chúng tôi nữa vì thấy mặt hàng trái không đạt cả về chất lượng, mẫu mã và số lượng. Do vậy bà con xã viên cứ mạnh ai thu hoạch xong lựa được trái nào đạt thì đem vào cân cho HTX để bán được giá cao chút đỉnh, còn lại phải đem ra chợ bán xô nên chịu giá bèo…!”. Thực tế mới đầu các nhà vườn cũng được hỗ trợ làm nhà kho, nhà vệ sinh và kỹ thuật chăm sóc, bao trái… tuân thủ đúng quy trình GlobalGAP. Tuy nhiên, khi vào làm GAP rồi, đến mùa thu hoạch 1 – 2 năm đầu (2008 - 2009), mỗi vườn ráng lắm cũng chỉ lựa chọn bán cho HTX được vài chục trái vú sữa đạt chuẩn (bán được giá cao gấp đôi giá trái thường ngoài chợ).
Ông Trương Văn Vốn, ấp Phú Quới, xã Phú Phong, huyện Châu Thành - một trong những nông dân đầu tiên trồng vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP phân trần: “Năm 2008 chính vườn nhà tôi được HTX chọn giới thiệu cho khách hàng, chuyên gia người Mỹ với những thùng vú sữa Lò Rèn đẹp nhất, đạt chuẩn GlobalGAP. Vậy nhưng đến nay sản phẩm vú sữa của gia đình tôi cũng chẳng hơn các hộ khác phải bán xô đồng giá với vú sữa thường ngoài chợ...!”. Không chỉ riêng ông Vốn, mà hầu hết xã viên HTX khi mang sản phẩm ra HTX bán đều bị loại vì hàng trái không đạt, thậm chí có người không bán được trái nào loại 1 (đủ tiêu chuẩn bán ra Hà Nội).
THƯƠNG LÁI… CHÊ VƯỜN GAP
Vườn thanh long VietGAP rộng trên 1 ha của nông dân Lê Công Tam (thôn Minh Hòa, xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) đi đầu trong phong trào thực hành nông nghiệp tốt, nhưng nhiều năm qua vẫn phải chịu cảnh giá bán trồi lên, sụt xuống như thủy triều. Vào thời điểm hiện tại (vụ thanh long nghịch) giá bán có gỡ gạc đôi chút vì sản lượng rất nhỏ; còn cứ mỗi khi vào chính vụ thanh long thu hoạch rộ, thương lái đến vườn thẳng thừng trả giá cả vườn chỉ… 1.400 đồng/kg (50% trái lớn giá 2.500 đồng/kg và 50% trái nhỏ chỉ 300 đồng/kg).
Để áp dụng thành công quy trình GlobalGAP, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim phải đáp ứng 141 yêu cầu và các hộ xã viên phải thỏa mãn 236 yêu cầu về kỹ thuật canh tác rất khắt khe của Global GAP. Vậy nhưng, ghi nhận thực tế tại một số vườn cây vú sữa ở xã Vĩnh Kim, chúng tôi cảm nhận được tâm lý của bà con đang thật sự chán nản với chứng nhận GlobalGAP.
Nhiều nhà vườn có xây dựng cả kho chứa thuốc BVTV, nhà vệ sinh trong vườn nhưng khi kiểm tra thấy những “công trình” này đều bỏ hoang, mạng nhện giăng kín, vòi nước khô khốc sét gỉ từ lâu. Hỏi các nhà vườn họ đều xác nhận, dù xây dựng đầy đủ theo quy định nhưng chỉ để làm… cảnh cho có, còn chẳng sử dụng bao giờ!
Mấy năm trời tham gia làm VietGAP nhưng chẳng bao giờ ông thấy thương lái thu mua hỏi ông giấy chứng nhận, vì họ luôn nói rằng: Có VietGAP cũng chẳng thu thêm đồng lợi nhuận nào, thị trường có ai phân biệt đâu! Chính vì thế mà nhiều nông dân ban đầu hăng hái tham gia đăng ký lớp học VietGAP, nhưng sau khi chứng kiến thương lái ngoảnh mặt với sản xuất an toàn, họ lại đành chiều theo ý người mua.
Dù là vùng chuyên canh cây thanh long lớn bậc nhất nước nhưng cứ nói đến chuyện đầu ra, chuyện thương lái thu mua là nông dân lại thở dài ngao ngán. Cả tỉnh Bình Thuận có cả chục nghìn ha thu hoạch tới 300.000 tấn thanh long mỗi năm nhưng nông dân đều phải tự xoay xở lo đầu ra và liên tục bị thương lái chèn ép. Một số người còn nói tiêu cực: Vào VietGAP thậm chí còn thua thiệt vì phải hạn chế phun thuốc, khiến trái nhỏ, sản lượng thấp, màu sắc nhạt hơn, thương lái lợi dụng chê ỏng chê eo và liên tục ép giá! Vậy vào làm gì cho thiệt!?”. Nông dân khác hiểu chuyện hơn thì nói rằng: “Nói thế là tiêu cực, làm trái cây an toàn là tốt chứ. Nhưng các anh thông cảm, nhà vườn chúng tôi không bán cho thương lái, chiều theo ý họ để có trái đẹp giá lại rẻ thì vào chính vụ thu hoạch rộ… đổ đi đâu?”.
Sự tréo ngoe hiện nay là diện tích trái cây đang gia tăng, trong khi vấn đề đầu ra cho sản phẩm đang vô cùng thiếu và yếu. Vùng thánh địa thanh long Bình Thuận đã tăng lên gần 15.000 ha, tức tăng gần 2.000 ha (vượt ngưỡng kiểm soát của tỉnh). Đặc biệt, dù diện tích rất lớn nhưng sản xuất lại rất manh mún khi có tới trên 23.000 hộ nông dân sản xuất (trung bình 0,6 ha/hộ), sản lượng cũng tăng giảm thất thường, không có kế hoạch hay đầu mối tiêu thụ mang tính chiến lược nên giá bán lên xuống thất thường, rẻ mạt khiến nông dân liên tục “ngã ngửa” người sau khi hăm hở dốc toàn sinh lực cho sản phẩm trái cây an toàn của mình.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2011, nước ta đã thu được về hơn 1 tỷ USD từ xuất khẩu sắn. Thấy sắn bán được, nhiều địa phương đã đua nhau mở rộng diện tích trồng sắn. Bất ngờ là năm nay Trung Quốc ngừng nhập khẩu sắn của VN, dẫn tới giá sắn bị rớt thê thảm tại nhiều địa phương.
Vườn sầu riêng có diện tích 3 ha của chị Nguyễn Thị Thanh Hà ở tổ 2, ấp 2, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành - Bình Phước) được trồng từ năm 1998. Trong 14 năm, khi rất nhiều nhà vườn phá bỏ loại cây này để trồng cao su vì sầu riêng bị chết hàng loạt thì ngược lại, vườn sầu riêng của chị Hà vẫn luôn xanh tốt, duy trì số cây ổn định và cho năng suất cao.
Trong thời điểm dịch bệnh trên vật nuôi như hiện nay, một mô hình chăn nuôi mới đang dần mở ra hướng tích cực, bởi ít gặp rủi ro lại nhẹ công chăm sóc. Đó là mô hình chăn nuôi trăn của một số hộ dân thuộc ấp Thượng, xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Nhu cầu dùng điện lưới để chong đèn thanh long trái vụ ở tỉnh Bình Thuận lớn thế nào thì ai cũng biết. Những năm gần đây, do sự phát triển diện tích trồng thanh long nên nhu cầu trên lại tiếp tục tăng với nhịp độ chóng mặt
Mấy ngày qua, hàng chục hộ nuôi tôm ở các huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu (Bạc Liêu) sử dụng thảo dược để diệt giáp xác, cá tạp trong ao thì phát hiện tôm đột ngột chết hàng loạt chỉ sau 1-2 ngày thả nuôi.