Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông nghiệp sinh thái ở Hội An

Nông nghiệp sinh thái ở Hội An
Ngày đăng: 29/09/2015

Nhìn vào sự phát triển vượt bậc ở khu vực nông thôn càng thấy rõ vai trò của kinh tế nông nghiệp trong đời sống xã hội.

“Ngày hội bắp nếp” hằng năm góp phần khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị cây bắp Cẩm Nam.

Sản phẩm du lịch từ nông nghiệp

Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích đất nông nghiệp của Hội An chỉ chiếm 34% so với diện tích đất tự nhiên nhưng trên thực tế, diện tích đất sản xuất cho sản phẩm có giá trị chỉ khoảng 1.050ha, chiếm 50% trong diện tích đất nông nghiệp và chiếm 17% so với tổng diện tích đất tự nhiên.

Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp xếp vị trí sau cùng, chiếm tỷ trọng dưới 10% nhưng kinh tế nông nghiệp góp phần quan trọng ổn định đời sống một bộ phận nhân dân trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh trên một số lĩnh vực khác gặp nhiều khó khăn. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng ổn định 3% - 4%/năm.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND thành phố, sản xuất nông nghiệp ở Hội An những năm qua gắn chặt với hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái để tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch và khai thác giá trị tăng thêm của sản phẩm nông nghiệp như ẩm thực, thưởng ngoạn cảnh quan, trải nghiệm cuộc sống lao động...

“Thành phố đã chỉ đạo cụ thể hóa các mục tiêu từ Chương trình xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, chỉ đạo duy trì diện tích đồng ruộng hiện có để tạo cảnh quan môi trường, chú trọng gắn kết hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với việc tạo các sản phẩm, tour, tuyến du lịch độc đáo để thu hút khách, góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân” - ông Dũng nói.

Với Hội An, có những sản phẩm du lịch nông nghiệp rất đặc trưng mà hiếm nơi khác có được nhờ sự chuyển đổi cây trồng đúng hướng kết hợp ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để giảm chi phí, tạo sản phẩm an toàn.

Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết, bắp nếp Cẩm Nam vốn nổi tiếng ở giá trị thực phẩm tươi được chế biến thành các món ăn độc đáo càng được nâng cao giá trị hơn và ngày càng khẳng định thương hiệu thông qua hoạt động “Ngày hội bắp nếp” tổ chức vào 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm.

Hoa, cây cảnh Hội An không chỉ là sản phẩm phục vụ trang trí, thú chơi mỗi khi tết đến xuân về mà còn được người trồng cung cấp quanh năm để phục vụ trưng bày, sắp đặt trong các không gian sân vườn, nhà thờ, nội thất gia đình, cơ quan, công sở...

Lúa ở Hội An có năng suất bình quân thuộc hàng cao nhất tỉnh, khoảng 60 - 65 tạ/ha/năm nhưng giá trị mang lại chính là được khai thác để tạo cảnh quan, làm “xanh hóa”, “đồng ruộng hóa” cho du khách trải nghiệm đời sống người nông dân.

Rau Trà Quế, rau hữu cơ Cẩm Thanh, khoai lang, đậu phụng ở các vườn nhà, tôm, các loài thủy sản nước lợ nuôi trong các hồ, ao... dần dà đã trở thành những món ẩm thực được nhiều du khách ưa chuộng.

Kết nối nông dân - doanh nghiệp

Cũng từ những sản phẩm nông nghiệp, chính quyền thành phố đã khuyến khích và tạo điều kiện cho người nông dân liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp tham gia khai thác các mô hình sản xuất, các tour - tuyến phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm sản xuất, làm nghề, khám phá cảnh quan sinh thái, đời sống văn hóa làng quê, tổ chức chợ quê, ẩm thực làng nghề...

Theo thống kê, giá trị sản xuất trên một đơn vị sản xuất nông nghiệp của thành phố ngày càng được nâng cao.

Bắp nếp sản xuất 2 vụ đạt 120 -140 triệu/ha. Rau các loại 150 - 200 triệu/ha, với sản xuất 2 vụ có cơ giới hóa, sau khi trừ chi phí sản xuất, người nông dân thu 500 - 600 ngàn đồng/sào/năm.

Nhưng nếu gắn với phục vụ du lịch thì có thể thu 2,5 triệu - 3,5 triệu đồng/sào/năm tuy số này còn ít.

Hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Tỷ lệ lao động nông nghiệp ngày càng giảm (bình quân 1%/năm), tuổi lao động ngày càng cao, diện tích đất sản xuất ngày càng thu hẹp do tác động của quá trình đô thị hóa, tình trạng bỏ ruộng không sản xuất ngày càng nhiều, việc nâng cao giá trị tăng thêm, mang lại thu nhập cho nông dân để duy trì và phát triển sản xuất, đồng thời tạo cảnh quan, môi trường an toàn thuận lợi cho phát triển du lịch là yêu cầu cấp thiết.

Ông Trần Ánh - Phó Bí thư thường trực Thành ủy cho biết định hướng chung của đảng bộ trong những năm tới:

“Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng nông nghiệp sạch, sinh thái, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp sạch gắn với cơ giới hóa, cung cấp nông sản an toàn, chất lượng, trong đó chú trọng các loại cây trồng được xem là thế mạnh như hoa, cây cảnh, rau gia vị, bắp nếp, các nông sản được sản xuất theo quy trình nông nghiệp hữu cơ, các loại cây dược liệu...”.

Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các nhiệm vụ chủ yếu là đẩy mạnh huy động các nguồn lực xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển; chú trọng hỗ trợ nông dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất, đa dạng cây trồng, con vật nuôi theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch gắn với du lịch - dịch vụ.


Có thể bạn quan tâm

Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Ngựa Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Ngựa

Trong những năm gần đây, nhờ chăn nuôi ngựa sinh sản, gia đình ông Trương Thuỷ Long ở làng Chả, xã vùng cao Phong Vân (Lục Ngạn – Bắc Giang) không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá điển hình trong xã.

11/06/2013
Thu Nhâp Trên 200 Triệu Đồng/năm Từ Chăn Nuôi Thu Nhâp Trên 200 Triệu Đồng/năm Từ Chăn Nuôi

Anh Huỳnh Văn Thu ở thôn Thọ Đông, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh lớn lên ở vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi. Năm 1998, anh lập gia đình riêng, 2 vợ chồng và các con chỉ sống nhờ vào 3 sào ruộng lúa, thu nhập không đủ sống. Anh phải đi làm đủ nghề khác vất vả mà vẫn không kiếm thêm được bao nhiêu. Thế rồi vợ chồng anh bàn bạc và quyết định phải chuyển sang chăn nuôi lợn.

11/06/2013
Quy Định Điều Kiện Sản Xuất Kinh Doanh Giống Thủy Sản Quy Định Điều Kiện Sản Xuất Kinh Doanh Giống Thủy Sản

Nhằm tăng cường công tác quản lý giống thủy sản, ngày 22/05/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản.

12/06/2013
40 Doanh Nghiệp Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Trong Nước Phá Sản 40 Doanh Nghiệp Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Trong Nước Phá Sản

Cả nước hiện có 234 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó chỉ còn 194 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động, 40 doanh nghiệp còn lại (chủ yếu vốn trong nước) đã phá sản hoặc chuyển hướng kinh doanh.

12/06/2013
Bắp Non Và Mè Đen Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Bắp Non Và Mè Đen Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

UBND huyện Tri Tôn (An Giang) và các ngành chuyên môn của huyện vừa đến thị sát quá trình thu hoạch bắp non và kiểm tra việc chuyển đổi mô hình trồng mè tại các xã Cô Tô, Ô Lâm và An Tức (huyện Tri Tôn).

12/06/2013