Nông Dân Vĩnh Châu Thận Trọng Trong Vụ Nuôi Tôm Thẻ Mới
Tin rằng với sự thận trọng của nông dân, sự hướng dẫn của ngành chuyên môn và những quan tâm chính quyền địa phương thì người nuôi tôm Vĩnh Châu sẽ tiếp tục đạt hiệu quả cao trong vụ nuôi năm 2014.
Trong nuôi tôm chính vụ năm 2013, dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh ở đầu vụ nuôi, nhưng do tuân thủ các khuyến cáo của ngành và giá tôm thương phẩm luôn ở mức cao nên người nuôi tôm ở Vĩnh Châu đã có một vụ nuôi thành công, kết thúc vụ nuôi toàn thị xã đã thả được 28.087 ha bằng 98,55% kế hoạch, sản lượng đạt 24.152 tấn, trong đó tôm sú 6.164 tấn, tôm thẻ chân trắng 17.988 tấn; tính ra người nuôi tôm sú lãi trên 80 triệu đồng 1 ha, còn nuôi thẻ chân trắng lãi trên 150 triệu đồng 1 ha. Có thể nói năm 2013 đã đánh dấu sự phục hồi vùng nuôi và sự khá thành công của người nuôi tôm Vĩnh Châu.
Hiện bà con đang cải tạo lại đất chuẩn bị thả nuôi vụ mới. Theo khuyến cáo của ngành chức năng, vụ nuôi tôm thẻ năm 2014 bắt đầu từ giữa tháng 11/2013 đối với những vùng có điều kiện thích hợp. Ông Trần Minh Trí - Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Khung mùa vụ nuôi tôm là một yếu tố quan trọng trong quy trình sản xuất hiệu quả.
Trong điều kiện sản xuất hiện nay, đặc biệt theo thông báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khung thời vụ năm 2014, đối với tôm thẻ nên thả nuôi từ 15/11/2013 đến 31/1/2014; trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 bà con nên ngưng thả do thời điểm này nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, do đó tôm thả nuôi dễ bị bệnh thân đỏ đốm trắng cũng như là bệnh gan tụy; từ tháng 4 đến hết tháng 7/2014 bà con có thể tiếp tục thả nuôi”.
Tuy nhiên người nuôi tôm ở Vĩnh Châu vẫn rất thận trọng với vụ nuôi năm 2014, thể hiện qua việc sau hơn 1 tuần theo lịch khuyến cáo toàn thị xã chỉ thả nuôi tôm thẻ được gần 100 ha. Như hộ ông Phạm Chí Lập ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp, ở vụ nuôi vừa qua chỉ hơn 4.000 m2 đất, nhờ tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn mà khi thu hoạch ông lãi trên 50 triệu đồng, dù đã cải tạo ao xong từ giữa tháng 10 nhưng theo khuyến cáo ông chỉ mới thả nuôi vào đầu lịch thời vụ.
Ông Lập cho biết: “Theo lịch thời vụ khuyến cáo thì nên thả nuôi từ ngày 15/11. Tôi đã chuẩn bị ao tôm hơn 1 tháng và mới thả nuôi cách đây 5 ngày. Năm rồi nhờ thả nuôi theo lịch thời vụ nên tôi nuôi có lãi, vì vậy năm nay tôi tiếp tục tuân thủ lịch thời vụ mà ngành chuyên môn khuyến cáo”.
Dự báo vụ nuôi tôm nước lợ năm 2014, diện tích nuôi thẻ chân trắng ở Vĩnh Châu sẽ tiếp tục tăng do sự hấp dẫn của giá tôm và thời gian nuôi ngắn hơn tôm sú, vì vậy để vụ nuôi đạt hiệu quả cao, ngành chuyên môn đã phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lịch thời vụ và các giải pháp bảo vệ môi trường vùng nuôi.
Ông Trần Minh Trí - Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu cho biết thêm: “Bà con nông dân nên chú ý, đối với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng bà con phải xử lý nước cho thật sạch. Ngoài ra bà con cũng cần tạo 1 hệ thống dinh dưỡng (hệ tảo) để giúp tôm thẻ phát triển, do giai đoạn đầu tôm sẽ lột xác liên tục.
Trong điều kiện hiện nay thì nhiệt độ tương đối thấp, các thành phần khoáng trong môi trường nước cũng thấp, do đó bà con nên sử dụng các sản phẩm dolomic và vôi để tạo hệ đệm và độ kèm trên 210mg/lít. Về mật độ, đối với các hộ có hệ thống lưới điện 3 pha bà con không nên thả mật độ vượt quá 50 con/m2; còn đối với những hộ sử dụng máy quạt thì nên thả với mật độ từ 15 đến 20 con/m2 để giảm áp lực về môi trường.
Hiện nay do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và không khí lạnh bà con nên thả nuôi vào buổi sáng khi mặt trời lên, không nên thả vào ban đêm vì lúc này nhiệt độ xuống thấp, tôm dễ bị hao hụt. Sau khi thả nuôi thì bà con nên chú ý đến hàm lượng ô xi trong ao”.
Tin rằng với sự thận trọng của nông dân, sự hướng dẫn của ngành chuyên môn và những quan tâm chính quyền địa phương thì người nuôi tôm Vĩnh Châu sẽ tiếp tục đạt hiệu quả cao trong vụ nuôi năm 2014.
Có thể bạn quan tâm
Công ty CP đầu tư nghiên cứu và xuất khẩu gạo thơm ITA-RICE (thuộc Tập đoàn Tân Tạo) vừa được nhận chứng nhận hệ thống thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP) cho dự án trồng lúa tại Long An.
Liên quan đến thời hạn giao đất nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Chinh - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho rằng, không phải là nới thêm 20 năm mà cần giao đất nông nghiệp vĩnh viễn cho nông dân...
Đệm lót lên men là công nghệ mới được ngành chăn nuôi heo và gia cầm ở Đồng Tháp áp dụng đã giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vật nuôi tăng trưởng nhanh hơn, ít tốn công chăm sóc, tăng lợi nhuận cho nông hộ.
Để có đàn giống tốt phục vụ cho nuôi thương phẩm, cần đặc biệt chú trọng đến khâu ương nuôi từ giai đoạn cá bột cho tới cá giống.
Trong những năm gần đây, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã trồng thử nghiệm me ngọt (giống Thái), mang lại hiệu quả đáng kể. Người trồng thành công nhất là mô hình của anh Hồ Quang Dũng ở ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên - Trà Vinh. Anh Dũng cho biết với diện tích 2 hecta, anh đã trồng trên 250 cây, hiện đang cho trái sum suê, năng suất bình quân mỗi cây khoảng 100 kg/vụ.