Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng Nấm Linh Chi Mô Hình Hay

Trồng Nấm Linh Chi Mô Hình Hay
Ngày đăng: 27/02/2014

Khoảng vài tháng trở lại đây, trên địa bàn xã Nhơn Phú (Mang Thít - Vĩnh Long) xuất hiện mô hình trồng nấm linh chi. Bước đầu đạt hiệu quả khá và được xem là mô hình phát triển kinh tế hay từ một số hộ nông dân quyết đoán, quyết làm…

Từ những đợt tham quan, hội thảo

Không phải ngẫu nhiên mà mô hình trồng nấm linh chi xuất hiện ở xã Nhơn Phú, mô hình có thể xem lần đầu xuất hiện trên địa bàn huyện Mang Thít.

Chúng tôi tìm đến nhà của cô Đào (ấp Phú Thạnh B) thì được biết, thông qua chính quyền xã, có đơn vị mời dự tham quan các mô hình ở các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau,… và thông qua các buổi dự thảo nên gia đình quyết định chuyển hướng trồng thử.

Hiện tại, gia đình của cô Đào có 4.000 phôi nấm được trồng trên diện tích chỉ khoảng gần 40m2. Cô cho biết, lúc trước gia đình làm lò gạch, nhưng từ lúc nghề gạch không còn sung túc thì bắt đầu chuyển qua chăn nuôi, trồng trọt.

Vào trước Tết Nguyên đán, sau khi đi tham quan, dự hội thảo về kỹ thuật trồng nấm linh chi, thấy hay nên quyết định trồng thử. Đến nay, chỉ còn khoảng 15 ngày nữa là thu hoạch đợt đầu tiên.

Điều thuận lợi cho các hộ trồng nấm linh chi là bên cung cấp phôi giống sẽ trang bị kiến thức kỹ thuật, cử cán bộ xuống hướng dẫn làm nơi nuôi trồng, về độ ẩm, ánh sáng,… đều được hướng dẫn.

Đứng kế bên, chú Út Được- chồng cô Đào cho biết: Không cần diện tích lớn, gia đình có thể tận dụng các trại gạch cũ, gia cố lại để sử dụng nơi trồng nấm. Công chăm sóc để nấm linh chi phát triển không cần nhiều, mỗi ngày chỉ cần tưới nước 2 lần và đảm bảo độ ẩm, ánh sáng đúng kỹ thuật,… là cây nấm có thể phát triển tốt. Do đó có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để làm việc khác… Hiện cũng đang hoàn thiện chỗ trồng mới đáp ứng đủ cho khoảng 10.000 phôi nấm.

Tìm đến nhà chị Loan (ấp Phú Thọ) để tìm hiểu về mô hình, chị cho biết, bên cung cấp phôi giống với giá 10.000 đ/phôi. Mỗi phôi sẽ cho ra 3 đợt nấm. Đợt 1 khoảng từ 50- 60 ngày, đợt 2 và 3 khoảng 30 ngày.

Các đợt liên tiếp nhau, cứ thu hoạch rồi nấm tự phát triển tiếp. Trung bình 70 phôi sẽ cho ra 1kg nấm linh chi khô, với giá thành hiện nay bên cung cấp giống thu vào là 500.000 đ/kg.

Do đó, nếu tính kỹ đợt đầu tiên có thể sẽ “hòa vốn, đợt 2 và 3 sẽ bắt đầu cho lợi nhuận… Hiện trại nấm linh chi của chị Loan cũng sắp đến ngày thu hoạch đợt đầu tiên. Khi nghiên cứu với các tài liệu cũng như tiêu chuẩn nấm, chị Loan cười tươi đánh giá: Nấm của chị đạt loại 1 gần như 100%.

Sản xuất cần ổn định

Hiện nay trên địa bàn xã Nhơn Phú có khoảng 11 hộ tham gia trồng nấm linh chi, với tổng số phôi nấm đang trồng và đăng ký mới khoảng 28.500 phôi, trải đều khắp các ấp. Có hộ đang trồng cao nhất là 4.000 phôi, hộ thấp nhất cũng 500 phôi, có hộ đã đăng ký trồng mới 10.000 phôi.

Chị Loan cho biết, do mới làm lần đầu nên chị đầu tư chỉ 2.000 phôi, nếu thuận lợi sẽ tiếp tục đầu tư nghiên cứu mở rộng mô hình.

Mô hình trồng nấm linh chi không chỉ cho nấm mà các hộ trồng nấm còn có thể thu hoạch bào tử (giống như dạng bột, thu hoạch xong phải phơi khô để bào quản- PV). Hiện nay, mỗi ký bào tử được thu mua với giá từ 3- 5 triệu đồng. Như vậy, thu nhập tăng thêm ở các mô hình là rất đáng kể…

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Phú Đặng Ngọc Thảo, xã đã kết hợp để tổ chức 2 cuộc hội thảo, mời nông dân đến dự. Qua đó, một số hộ bước đầu cũng mạnh dạn đầu tư trồng thử. Hiện có một số hộ đã thu hoạch, một số thì chuẩn bị thu hoạch đợt đầu tiên. Bước đầu đánh giá, mô hình hay, đạt hiệu quả và sắp tới sẽ có những bước đánh giá cụ thể, nếu được sẽ triển khai nhân rộng…

Tuy hiện nay được bao tiêu sản phẩm nấm với giá cao, bà con nông dân có thể yên tâm sản xuất, cho lợi nhuận kinh tế khá. Song không ít người trồng cũng lo ngại về đầu ra trong tương lai.

Một nông dân có mô hình ở ấp Phú Thọ cho rằng, đầu ra sản phẩm là điều kiện đảm bảo để người trồng nấm yên tâm. Cho nên, rút kinh nghiệm từ các loại nông sản khác vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường, thương lái, thì mô hình trồng nấm linh chi mới mở rộng, phát triển, mở ra điều kiện kinh tế cho bà con nông dân…

Nhiều hộ trồng nấm linh chi không chỉ mạnh dạn đầu tư trồng thử mà còn thí nghiệm trồng “kèm” nấm bào ngư. Qua đó, có thể so sánh mức lợi nhuận, kỹ thuật trồng, thị trường,…

Khi chúng tôi tìm đến một số hộ có mô hình, song song với hàng ngàn phôi nấm linh chi là vài trăm phôi nấm bào ngư. Ngoài ra, một số hộ còn tự tìm tòi nghiên cứu tài liệu qua sách, báo, thậm chí là mạng Internet… về các loại nấm này.


Có thể bạn quan tâm

Hướng Đi Nào Cho Nghề Nuôi Và Xuất Khẩu Cá Tra Hướng Đi Nào Cho Nghề Nuôi Và Xuất Khẩu Cá Tra

Tình trạng phá giá lẫn nhau,chất lượng sản phẩm của một số doanh nghiệp không đồng nhất ở lĩnh vực xuất khẩu cá tra trong hơn 10 năm qua đã dẫn đến hệ lụy khôn lường. Nhiều hộ nuôi cá treo ao, doanh nghiệp chế biến thua lỗ hoặc sản xuất cầm chừng.

26/07/2013
4 Bộ Kit Phát Hiện Bệnh Tôm Hiệu Quả 4 Bộ Kit Phát Hiện Bệnh Tôm Hiệu Quả

Virus gây bệnh đốm trắng (WSSV) thuộc họ Nimaviridae, có cấu trúc virion có dạng hình trụ đến elip hoặc hình trứng, rộng khoảng 121±9nm, dài khoảng 276±26nm, có vỏ bọc, không có thể vùi. Bộ gen của virus này là DNA sợi đôi với kích thước khoảng 305 kb. Đây là loại virus gây chết tôm nhiều, nhanh nhất và có khả năng lây nhiễm cao. Khi thâm nhập vào cơ thể tôm, loại virus này cư trú ở nhiều bộ phận như mô nội bì, mô dạ dày, mang, buồng trứng (hay tinh hoàn), hệ thống thần kinh, mắt, chân bơi… Khi nhiễm bệnh, tôm có màu đỏ hồng, đốm trắng ở vỏ giáp đầu ngực, tỷ lệ tôm bị chết khi nhiễm bệnh lên đến 80-100%.

17/07/2012
Giải Pháp Nào Ngăn Chặn Hội Chứng Tôm Chết Sớm Ở Ninh Thuận Giải Pháp Nào Ngăn Chặn Hội Chứng Tôm Chết Sớm Ở Ninh Thuận

Trong những tháng qua, ở Ninh Thuận, “sự cố” tôm nuôi chết hàng loạt đã làm các vùng nuôi tôm Đầm Nại (Ninh Hải), An Hải (Ninh Phước), Phước Dinh (Thuận Nam) trở nên ảm đạm thấy rõ. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh cho biết: “Bệnh lạ từng được nói tới vài tháng trước giờ đã được các nhà khoa học định danh là hội chứng tôm chết sớm bởi bệnh hoại tử gan tụy, có điều chưa tìm ra tác nhân”.

22/07/2012
Để Nuôi Thỏ Trở Thành “Mỏ Vàng” Để Nuôi Thỏ Trở Thành “Mỏ Vàng”

Hiện nay, thỏ là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ trong tỉnh Bắc Giang. Thêm vào đó, đầu tháng 6-2013, Công ty dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản khởi công xây dựng nhà máy Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam tại KCN Quế Võ (Bắc Ninh) với công suất chế biến, tiêu thụ 2 triệu con thỏ thương phẩm/năm, mở ra triển vọng cho nghề chăn nuôi thỏ ở Bắc Giang.

26/07/2013
Vào Mùa Thu Hoạch Lươn Ở An Giang Vào Mùa Thu Hoạch Lươn Ở An Giang

So với cùng kỳ năm trước, giá lươn thu mua tại bồn thời điểm này tuy có thấp hơn chút đỉnh nhưng người nuôi lươn vẫn phấn khởi vì lợi nhuận cao. Mô hình nuôi lươn trong bồn không sử dụng nhiều vốn, không đòi hỏi diện tích lớn, chỉ cần chịu khó chăm sóc là có thể bỏ túi vài chục triệu đồng sau 5 - 7 tháng thả nuôi.

22/07/2012