Nông dân U Minh trúng đậm vụ lúa lỡ
Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật và giống lúa mới vào sản xuất, cũng như những thuận lợi mà thiên nhiên ưu đãi nên hầu hết diện tích lúa của bà con đều cho năng suất cao, cộng với giá lúa khá cao nên người dân rất phấn khởi.
Những ngày này, đi dọc theo các tuyến bờ bao lâm phần thuộc ấp 13, ấp 15, xã Khánh Thuận, huyện U Minh sẽ dễ dàng bắt gặp không khí háo hức thu hoạch lúa của người dân.
Là một trong những người tiên phong thực hiện vụ lúa này, ông Vũ Văn Ðịnh, ở ấp 13, xã Khánh Thuận, chia sẻ: “Lúc đầu làm, vợ chồng tôi lo lắng lắm vì đây là vùng đất mới, nào giờ đâu có làm lúa.
Nhưng khi sạ xuống thấy lúa phát triển tốt, vợ chồng tôi cũng mừng thầm.
Rồi nhờ thời tiết thuận lợi, nắng nhiều, mưa ít nên lúa phát triển thuận lợi cho đến ngày thu hoạch.
Bên cạnh đó, tôi cũng mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên lúa đạt năng suất khá cao.
Hôm qua tôi mới suốt được 2 ha, cân thử cũng được 30 giạ lúa tươi/công; 2 ha còn lại tôi tin chắc cũng được chừng đó trở lên.
Có được mùa lúa này gia đình tôi phấn khởi lắm”.
Làm được vụ lúa thắng lợi, bà con ở ấp 13, xã Khánh Thuận rất phấn khởi.
Cũng là hộ trồng lúa trên diện tích rừng tràm mới khai thác, những ngày này gia đình ông Vũ Văn Ðỉnh, ở cùng ấp với ông Ðịnh đang khẩn trương thu hoạch lúa.
Do đất của ông Ðỉnh khai thác tràm xong đốt được gốc và nhánh tràm nên đất hạ được độ phèn, cộng với lượng phân hữu cơ có sẵn trong đất từ lá tràm tích tụ nhiều năm qua nên không chỉ giúp lúa phát triển tốt mà năng suất cũng đạt cao hơn các hộ khác.
Ông Ðỉnh phấn khởi chia sẻ: “Bên cạnh các yếu tố thuận lợi từ thiên nhiên, tôi còn áp dụng biện pháp sạ thưa theo công thức 3 giảm, 3 tăng trên ti-vi hướng dẫn nên lúa phát triển tốt và cho bông dài, hạt sáng hơn hẳn các hộ khác, năng suất cũng cao hơn từ 3 - 5 giạ/công.
Bên cạnh đó, chi phí cũng thấp hơn, với 8 ha lúa, từ sạ cho đến khi thu hoạch mỗi công tôi chỉ tốn khoảng 500.000 đồng, trong khi các hộ khác phải tốn từ 600.000 - 700.000 đồng/công.
Không chỉ trúng mùa, tôi và bà con ở đây còn trúng giá nữa, hiện các thương lái thu mua lúa tươi với giá 5.000 đồng/kg, ai cũng có lời nên rất phấn khởi”.
Không chỉ có ông Ðịnh, ông Ðỉnh mà còn hàng chục hộ dân khác cũng có được mùa lúa bội thu.
Giống lúa được người dân chọn là OM 6976 của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh.
Với giống lúa mới này đã mang về cho bà con nhiều kết quả bất ngờ.
Ông Võ Văn Hiệu, một trong những hộ dân ở ấp 13, xã Khánh Thuận tham gia thực hiện vụ lúa này, chia sẻ: “Giống lúa mới này không chỉ chịu phèn tốt, hạn chế sâu bệnh mà còn cho bông dài và hạt to.
Sở dĩ chúng tôi chọn cùng một giống là để cho nó chín đồng loạt để trồng tràm lại đồng loạt luôn, thương lái thu mua cũng dễ, chứ làm nhiều thứ giống bán khó lắm.
Với 30 công đất, vừa rồi tôi thu hoạch được gần 1.000 giạ, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 70 triệu đồng.
Nhờ có vụ lúa này mà đời sống gia đình tôi cải thiện nhiều lắm”.
Bên cạnh việc trúng mùa, trúng giá lúa, rơm rạ sau thu hoạch cũng mang về nguồn thu lớn cho người dân.
Bởi thời điểm này, những vùng sản xuất lúa ổn định trên địa bàn huyện U Minh nói chung và các địa phương lân cận nói riêng đều không có lúa chín nên nhu cầu rơm rạ để làm nấm rơm rất khan hiếm.
Chính vì thế, giá rơm rạ sau thu hoạch của người dân nơi đây cũng được mua với giá khá cao và liên tục tăng giá.
Nếu như những ngày trước đây, mỗi công rơm người làm nấm chỉ mua với giá 50.000 - 60.000 đồng thì nay đã tăng lên 100.000 đồng.
Bà Vũ Thị Vang, ở ấp 13, xã Khánh Thuận, cho biết: “Gia đình tôi có 3 ha lúa nên bán rơm cũng được 3 triệu đồng, nhờ có tiền này mình mướn nhân công cắt lúa, rồi suốt hay có những người sử dụng số tiền này để mua tràm trồng mới nên cũng đỡ lắm”.
Ðến thời điểm này, người dân đã thu hoạch được hơn 25 ha trong tổng số hơn 40 ha, diện tích còn lại sẽ được người dân thu hoạch dứt điểm trong tháng 11 này để tiến hành trồng tràm mới theo đúng quy định của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ.
Theo người dân, lượng phân hữu cơ của rơm rạ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cây tràm phát triển.
Ðây là một trong những cách nghĩ, cách làm mới nhằm khai thác hết tiềm năng đất đai, vừa đảm bảo diện tích rừng trồng mà vẫn có thêm thu nhập, góp phần tích cực cùng với huyện nhà thực hiện thắng lợi kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cần được quan tâm nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm
Đó là khẳng định của ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ NNPTNT tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm diễn ra chiều ngày, 17/9.
Có thể nói, hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản năm nay của ngư dân thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) không thuận lợi vì chi phí đánh bắt tăng cao dẫn đến đời sống của ngư dân khai thác và sơ chế thủy sản gặp không ít khó khăn.
Thạc sĩ Phan Phương Loan, Khoa Nông nghiệp và Tài nguyên thiên nhiên (Trường đại học An Giang) vừa thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá trê vàng”. Đề tài triển khai thực nghiệm tại ấp Bình Hòa 2, xã Mỹ Khánh (TP.Long Xuyên) bằng hai hình thức sử dụng 100% thức ăn là cá tạp và 50% cá tạp, kết hợp 50% thức ăn công nghiệp.
Hơn 10 ngày qua, giá tôm hùm thương phẩm trên địa bàn huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tăng nhẹ trở lại. Hiện tôm loại 1 có giá hơn 1,7 triệu đồng/kg, tôm loại 2 và loại 3 giá từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/kg, cao hơn 200.000 đồng so với trước đây 2 tuần.
Niên vụ 2012 - 2013, tổng diện tích mía tím trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) tăng hơn 300 ha. Nếu như trước đây, mía tím chỉ được trồng ở những khu vực đất đai màu mỡ, gần nguồn nước như: xã Sơn Hiệp, Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp... thì hiện nay, cây mía tím đã được trồng ở một số khu vực có điều kiện sản xuất không thuận lợi như xã Ba Cụm Nam.