Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cần Kiểm Tra Thường Xuyên Nguồn Nước Nuôi Trồng Thủy Sản

Cần Kiểm Tra Thường Xuyên Nguồn Nước Nuôi Trồng Thủy Sản
Ngày đăng: 25/09/2014

Nhiều hộ nuôi cá lồng, bè bị chết hàng loạt đã gây thiệt hại nặng nề, nguyên nhân được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm. Thiệt hại này hoàn toàn có thể tránh được nếu cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý các dấu hiệu bất thường trong môi trường nước ở khu vực nuôi cá cho người dân.

Khu vực cửa biển Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) là nơi nuôi trồng thủy sản của 30 hộ dân địa phương. Đây cũng là nơi neo đậu của tàu thuyền và diễn ra các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá, nên môi trường nước luôn trong tình trạng không đảm bảo.

Thế nhưng, việc kiểm tra và khuyến cáo môi trường nước cho người dân ở đây hầu như là không có. Vào đầu tháng 8 năm nay, cá nuôi của gia đình anh Đỗ Văn Được và 11 hộ dân khác ở khu vực này đều bị chết, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Nguyên nhân được kết luận là do nguồn nước ô nhiễm.

"Nuôi cá lồng là nguồn thu nhập chính của không chỉ riêng gia đình tôi mà còn của rất nhiều hộ khác. Cá chết do nguồn nước ô nhiễm khiến cho chúng tôi rất lo lắng. Do đó, rất mong cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên môi trường nước ở đây để cảnh báo, xử lý giúp bà con tránh được thiệt hại" - anh Đỗ Văn Được, ở thôn Thạch Bi 2, xã  Phổ Thạnh, nói.

Người dân nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc cũng cùng chung nỗi lo. Tháng 2 năm nay, trên 400 con cá trắm gần 1 năm tuổi của gia đình ông Nguyễn Văn Thu, ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh) bị chết do dịch bệnh, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Vì thế, không chỉ riêng gia đình ông mà nhiều hộ dân ở đây rất mong các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra nguồn nước ở khu vực nuôi trồng của họ.

Ông Nguyễn Văn Thu, xã Tịnh Sơn, cho biết: "Chúng tôi nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc đã nhiều năm nay, nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, cá thường xuyên bị chết do ô nhiễm nguồn nước. Thế nên, người dân ở đây mong muốn các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nguồn nước, hướng dẫn cho bà con nuôi trồng, chứ đã có nhiều hộ bỏ nghề vì thua lỗ".

Chi cục Bảo vệ môi trường Quảng Ngãi cho biết, đơn vị chỉ kiểm tra, thu thập thông tin về môi trường nước, không khí, đất với tần suất 3 lần trong năm. Lấy tại 3 thời điểm, gồm: Mùa khô, mùa mưa và thời điểm giao mùa. Và chỉ lấy mẫu tại 3 khu vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đô thị.

Đối với môi trường nước thì đơn vị chỉ kiểm tra nước ngầm, nước biển ven bờ và nước mặt ở các sông để lấy thông số chung theo quy định. "Đơn vị chỉ đánh giá, theo dõi chúng diễn biến môi trường trên toàn tỉnh chứ chưa có đánh giá riêng biệt.

Đối với nước ven bờ thì chúng tôi có lấy mẫu để kiểm tra, còn việc lấy mẫu chuyên biệt để phục vụ riêng cho lĩnh vực thủy sản thì chúng tôi chưa thực hiện", bà Trần Thị Hạ Vũ - Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh  nói.

Còn Chi cục Thú y Quảng Ngãi thì chỉ kiểm tra môi trường nước tại các khu vực đang xảy ra dịch bệnh để tìm nguyên nhân xử lý và không có chức năng kiểm tra mẫu nước thường xuyên.

Tuy nhiên, người dân có nhu cầu kiểm tra chất lượng nước tại khu vực nuôi trồng của mình có thể báo trực tiếp với cơ quan thú y huyện để lấy mẫu. Sau đó, cơ quan này sẽ gửi mẫu cho Chi cục Thú y tỉnh để kiểm tra và có hướng xử lý cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Năm - Phòng Thú y - Thủy sản, Chi cục Thú y Quảng Ngãi, cho biết: "Hiện tại, Chi cục có thể kiểm tra một số chỉ tiêu như độ mặn, NH3, PH, nhiệt độ, độ kiềm, oxy hòa tan. Tất cả kiểm tra các chỉ tiêu này đều hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi có thể hướng dẫn cho người dân trực tiếp thực hiện các thao tác kiểm tra này".

Việc kiểm tra, kiểm soát và cảnh báo các nguy cơ về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước cho người nuôi trồng thủy sản là cần thiết. Bởi, nếu phát hiện và xử lý sớm thì người nuôi trồng có thể tránh được thiệt hại. Thế nhưng, vấn đề này ở Quảng Ngãi vẫn chưa được thực hiện đầy đủ nên người nuôi trồng thủy sản thường xuyên phải đối mặt với thua lỗ.


Có thể bạn quan tâm

Thoát Nghèo Nhờ Dưa Hấu Thoát Nghèo Nhờ Dưa Hấu

Cây dưa hấu đã làm thay đổi đời sống ở một vùng quê từ đói nghèo sang khá, đó là phải nói đến xã Đồng Việt, Yên Dũng (Bắc Giang). Đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống từ 27% năm 2005, xuống còn dưới 10%. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Khu, Trần Văn Thanh, Trần Văn Khánh...

21/06/2013
Thu Tiền Tỉ Từ Nuôi Tôm Hùm Thu Tiền Tỉ Từ Nuôi Tôm Hùm

Mấy năm gần đây, tại đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài, xã Xuân Cảnh, huyện Sông Cầu, phong trào nuôi tôm hùm phát triển mạnh mẽ và ổn định. Nhờ vậy, nghề nuôi tôm hùm trong lồng đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, mở ra một hướng đi mới cho người dân trong huyện Sông Cầu nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung.

21/06/2013
Làm Giàu Trên Đỉnh Khău Choong Làm Giàu Trên Đỉnh Khău Choong

Qua 6 km đường đất vòng vèo uốn lượn, chúng tôi đến thăm mô hình trang trại của gia đình anh Hoàng Văn Bổn- Dân tộc Tày, trang trại của anh vắt vẻo trên đỉnh núi Khău Choong ở Nghĩa Đô (Bảo Yên- Lào Cai), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng và khâm phục ý chí quyết tâm làm giàu của anh.

21/06/2013
Gặp Chủ Trang Trại Vịt Lớn Nhất Điện Biên Gặp Chủ Trang Trại Vịt Lớn Nhất Điện Biên

Rời quê Vĩnh Phúc lên xã Sam Mứn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) lập nghiệp cách đây hơn chục năm trước, thời gian đầu rất gặp rất nhiều khó khăn do không nhà cửa, không đất sản xuất, với chút vốn ít ỏi và vài chục con vịt giống mang theo để bán, anh Phan Văn Mão đành phải dựng lán ở bờ sông Nậm Rốm để mưu sinh bằng nghề bán vịt giống. Đến nay anh đã trở thành chủ trang trại vịt lớn nhất Điện Biên.

21/06/2013
Đất Nóng Lên Xanh… Đất Nóng Lên Xanh…

Vẫn biết là cuộc sống không hiếm những lối rẽ bất ngờ, những sự đổi thay vượt quá những điều ta vẫn nghĩ, tôi không thể kìm được tiếng thốt ngạc nhiên khi đứng trước vườn cao su trồng mới năm 2008 của Nông trường An Phú thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông…

21/06/2013