Nông Dân Thới Hoà Liên Kết Nuôi Ếch Đạt Hiệu Quả
Những năm gần đây, ở xã Thới Hoà, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long ngày càng có nhiều người đầu tư nuôi ếch công nghiệp, tuy nhiên, do nuôi đơn lẻ và chưa đúng qui trình kỹ thuật, nên dẫn tới tình trạng tư thương ép giá hoặc khó tiêu thụ, khiến người nuôi rơi vào tình trạng thua lỗ.
Trước thực trạng đó, nhiều bà con đã nghĩ hướng phát triển kinh tế mới. Anh Võ Văn Hận, ở ấp Ninh Hoà, xã Thới Hòa cho rằng, chỉ có phát triển chăn nuôi liên kết mới sẽ là hướng đi cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với chăn nuôi đơn lẻ.
Được sự đồng thuận của UBND xã Thới Hoà, cùng với sự hỗ trợ của dự án “Đa dạng hóa các loài giống thủy sản” (do Trung tâm Khuyến Nông Vĩnh Long triển khai năm 2013), với 4.500 con ếch và 30% thức ăn được dự án đầu tư, bà con nông dân ở ấp Ninh Hoà, xã Thới Hoà, huyện Trà Ôn đã thành lập Tổ sản xuất Nuôi ếch thương phẩm, với 8 thành viên tham gia. Tổ hoạt động nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi ếch và tránh tình trạng bị tư thương ép giá.
Anh Võ Văn Hận, được dự án đầu tư hỗ trợ 1.500 con ếch giồng, sau thời gian nuôi hơn 4 tháng, ếch đạt trọng lượng 2-3 con/kg, hao hụt 13,3% (còn 1.300con), sản lượng thu được khoảng 300 kg, với giá bán 35.000 đồng/kg, anh thu 10,5 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí anh thu được 5,374 triệu đồng. Mô hình nuôi ếch của gia đình anh Hận được xem là thành công nhất ở xã Thới Hòa.
Với cách làm sáng tạo, anh Hận tuyển lại những con ếch cái tốt giữ lại làm giống và bán cho một số hộ dân xung quanh có nhu cầu làm ếch giống cho các vụ nuôi sau, với số ếch giống này mang về cho anh thêm nguồn thu 5 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, anh cùng với 4 hộ nuôi ếch khác, đầu tư nuôi và sản xuất ếch giống, mỗi đợt anh xuất bán từ 20.000 - 30.000 con ếch giống (giá 1000 đồng/con).
Anh cho biết: "Năm nay, nuôi ếch “có ăn” lắm, tính từ đầu năm đến nay, tôi bán ếch giống thu được gần 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng cho một lần xuất (3,5 tháng). Tôi đang chuẩn bị xuất khoảng 1 tấn ếch thịt với giá bán 30.000 đồng/kg, dự tính tôi sẽ có lời thêm 30 triệu nữa".
Anh Hận cho biết thêm, một năm anh xuất 3 đợt ếch giống (mùa thuận thì anh bán giống, mùa nghịch anh để nuôi ếch thịt), do đó năm nào anh cũng có nguồn thu nhập rất cao từ mô hình này. Có được thành công này cũng nhờ vào sự chịu khó học hỏi thêm kinh nghiệm, những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới qua sách, báo, tài liệu, từ các buôi hội thảo do Trạm Khuyến nông huyện, Chi cục thuỷ sản tỉnh tổ chức.
Thời gian gần đây, thịt ếch được nhiều người ưa chuộng và số người nuôi nhiều nên thu hút thương lái từ các nơi đến mua với số lượng lớn, do đó, anh Hận mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình theo hướng công nghiệp. Hiện tại, gia đình anh có khoảng 1 tấn ếch thịt, cùng 30.000 con ếch giống trong 4 hồ xi măng.
Anh còn đầu tư xây bể chứa nước để ương ếch giống. Điều đáng nói từ mô hình nuôi ếch này là, tuy diện tích không lớn (diện tích ao nuôi và mặt đất chỉ 500m2), kinh phí đầu tư cho chuồng trại, con giống, thức ăn không cao, nhưng hiệu quả lại đạt đáng kể.
Hiện nay, mô hình nuôi ếch công nghiệp của nông dân xã Thới Hòa đang dần hoàn thiện và khép kín. Ngoài nuôi ếch trong các vèo, ở dưới ao, mương bà con còn thả các loại cá điêu hồng, rô phi, tai tượng, cá trê... để tận dụng lượng thức ăn thừa từ ếch và làm sạch môi trường nước.
Một cán bộ nông nghiệp xã Thới Hoà cho biết: "Nuôi ếch thương phẩm là mô hình tự phát cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội nông dân, nông nghiệp xã sẽ tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nuôi, đồng thời thành lập thêm Tổ hợp tác nuôi ếch, nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân trao đổi kỹ thuật nuôi, hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ".
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm hiện nay, các hộ nuôi tôm trên toàn tỉnh Ninh Thuận đang tập trung cải tạo đìa, thả tôm nuôi. Về khu vực nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát ở xã An Hải (Ninh Phước) vào đầu tháng 5, không khí lao động rất khẩn trương.
Sáng 9/5, tại KCN Lương Sơn, Ban quản lý các KCN tỉnh Hòa Bình đã tổ chức trao giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) thành lập công ty TNHH TONGWEI Hòa Bình và thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi TongWei Hòa Bình.
Không chỉ bị hớp hồn bởi những con vật đẹp như tranh vẽ, chúng tôi còn bị cuốn hút vào các câu chuyện xung quanh 3 loại gà Hồ, Đông Tảo và 9 cựa
Dự án chăn nuôi bò ứng dụng công nghệ cao được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh triển khai thí điểm tại huyện Chợ Mới từ tháng 6 năm 2013. Có 7 xã trên địa bàn huyện tham gia mô hình điểm là: Kiến An, An Thạnh Trung, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Long Điền A, Hội An và Mỹ An.
Hiện 1.700/8.700ha lúa Hè thu ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) bước sang giai đoạn trổ, chín, hai tuần nữa sẽ cho thu hoạch. Tại xã Trường Long Tây, thương lái đặt cọc mua lúa IR 50404 tươi cắt máy giá 4.350 đồng/kg.