Nông Dân Thới Hoà Liên Kết Nuôi Ếch Đạt Hiệu Quả
Những năm gần đây, ở xã Thới Hoà, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long ngày càng có nhiều người đầu tư nuôi ếch công nghiệp, tuy nhiên, do nuôi đơn lẻ và chưa đúng qui trình kỹ thuật, nên dẫn tới tình trạng tư thương ép giá hoặc khó tiêu thụ, khiến người nuôi rơi vào tình trạng thua lỗ.
Trước thực trạng đó, nhiều bà con đã nghĩ hướng phát triển kinh tế mới. Anh Võ Văn Hận, ở ấp Ninh Hoà, xã Thới Hòa cho rằng, chỉ có phát triển chăn nuôi liên kết mới sẽ là hướng đi cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với chăn nuôi đơn lẻ.
Được sự đồng thuận của UBND xã Thới Hoà, cùng với sự hỗ trợ của dự án “Đa dạng hóa các loài giống thủy sản” (do Trung tâm Khuyến Nông Vĩnh Long triển khai năm 2013), với 4.500 con ếch và 30% thức ăn được dự án đầu tư, bà con nông dân ở ấp Ninh Hoà, xã Thới Hoà, huyện Trà Ôn đã thành lập Tổ sản xuất Nuôi ếch thương phẩm, với 8 thành viên tham gia. Tổ hoạt động nhằm hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi ếch và tránh tình trạng bị tư thương ép giá.
Anh Võ Văn Hận, được dự án đầu tư hỗ trợ 1.500 con ếch giồng, sau thời gian nuôi hơn 4 tháng, ếch đạt trọng lượng 2-3 con/kg, hao hụt 13,3% (còn 1.300con), sản lượng thu được khoảng 300 kg, với giá bán 35.000 đồng/kg, anh thu 10,5 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí anh thu được 5,374 triệu đồng. Mô hình nuôi ếch của gia đình anh Hận được xem là thành công nhất ở xã Thới Hòa.
Với cách làm sáng tạo, anh Hận tuyển lại những con ếch cái tốt giữ lại làm giống và bán cho một số hộ dân xung quanh có nhu cầu làm ếch giống cho các vụ nuôi sau, với số ếch giống này mang về cho anh thêm nguồn thu 5 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, anh cùng với 4 hộ nuôi ếch khác, đầu tư nuôi và sản xuất ếch giống, mỗi đợt anh xuất bán từ 20.000 - 30.000 con ếch giống (giá 1000 đồng/con).
Anh cho biết: "Năm nay, nuôi ếch “có ăn” lắm, tính từ đầu năm đến nay, tôi bán ếch giống thu được gần 40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 20 triệu đồng cho một lần xuất (3,5 tháng). Tôi đang chuẩn bị xuất khoảng 1 tấn ếch thịt với giá bán 30.000 đồng/kg, dự tính tôi sẽ có lời thêm 30 triệu nữa".
Anh Hận cho biết thêm, một năm anh xuất 3 đợt ếch giống (mùa thuận thì anh bán giống, mùa nghịch anh để nuôi ếch thịt), do đó năm nào anh cũng có nguồn thu nhập rất cao từ mô hình này. Có được thành công này cũng nhờ vào sự chịu khó học hỏi thêm kinh nghiệm, những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới qua sách, báo, tài liệu, từ các buôi hội thảo do Trạm Khuyến nông huyện, Chi cục thuỷ sản tỉnh tổ chức.
Thời gian gần đây, thịt ếch được nhiều người ưa chuộng và số người nuôi nhiều nên thu hút thương lái từ các nơi đến mua với số lượng lớn, do đó, anh Hận mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình theo hướng công nghiệp. Hiện tại, gia đình anh có khoảng 1 tấn ếch thịt, cùng 30.000 con ếch giống trong 4 hồ xi măng.
Anh còn đầu tư xây bể chứa nước để ương ếch giống. Điều đáng nói từ mô hình nuôi ếch này là, tuy diện tích không lớn (diện tích ao nuôi và mặt đất chỉ 500m2), kinh phí đầu tư cho chuồng trại, con giống, thức ăn không cao, nhưng hiệu quả lại đạt đáng kể.
Hiện nay, mô hình nuôi ếch công nghiệp của nông dân xã Thới Hòa đang dần hoàn thiện và khép kín. Ngoài nuôi ếch trong các vèo, ở dưới ao, mương bà con còn thả các loại cá điêu hồng, rô phi, tai tượng, cá trê... để tận dụng lượng thức ăn thừa từ ếch và làm sạch môi trường nước.
Một cán bộ nông nghiệp xã Thới Hoà cho biết: "Nuôi ếch thương phẩm là mô hình tự phát cho hiệu quả kinh tế cao. Thời gian tới, Hội nông dân, nông nghiệp xã sẽ tăng cường công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nuôi, đồng thời thành lập thêm Tổ hợp tác nuôi ếch, nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân trao đổi kỹ thuật nuôi, hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ".
Related news
Mùa thu hoạch cà phê cũng được coi là thời điểm nhạy cảm trong năm ở các tỉnh có diện tích cà phê lớn như Gia Lai khi có đến hàng ngàn người đổ về tìm việc. Áp lực thu hái kịp mùa vụ, cộng với thời gian làm việc cho mỗi gia đình khá ngắn, đại đa số lại không phát sinh hợp đồng, kiểm tra tốt nhân thân, lai lịch… đã trở thành cơ hội cho nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự hoặc liên quan tới pháp luật tìm nơi ẩn náu, nương thân…
Ông Võ Thành Dương cho rằng, thực trạng hàng gian, hàng nhái khiến mọi người bất bình; nhưng nếu nhìn nhận, đặt vấn đề một cách đánh đồng thì hậu quả thật khó lường. Ông Dương chỉ ra rằng, bài báo dẫn chứng việc nông dân trồng rau bên ngoài, cạnh một nhà lồng với mục đích trộn rau thường vào rau chuẩn VietGAP.
Để Dự án hoạt động tốt, Chi cục Lâm nghiệp (đơn vị thực thi Dự án) đề nghị Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ một số hoạt động như: thành lập thêm các nhóm sở thích về quế và thảo quả; quy hoạch vùng sản xuất quế tập trung; xác lập quyền chỉ dẫn địa lý Yên Bái cho sản phẩm quế của tỉnh; các hoạt động về quảng bá và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Đối với một quả dưa bao từ đạt loại 1 chỉ khoảng 3 ngày tuổi, vì thế, ngày nào cũng phải thu hoạch nếu không quả to quá sẽ không được giá. Ngoài ra, trong giai đoạn thu hoạch, cây cần đảm bảo lượng nước tưới và phân bón đầy đủ nếu không sẽ rất nhanh ruỗng dây, không đảm bảo năng suất theo kế hoạch.
Mô hình "Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý sâu bệnh trên đồng rộng" hay gọi đơn giản như nông dân là "Trồng hoa trên bờ ruộng" trên địa bàn huyện Tân Phước (Tiền Giang) 4 năm qua đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc phòng chống rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá.