Trăn Trở Thương Hiệu Cam Yên Thành (Nghệ An)
Từ năm 2007 đến nay, cây cam trên đất Yên Thành (Nghệ An) đã có sự phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao và được xếp là giống cây chủ lực, nhưng đến nay cam Yên Thành vẫn chưa xây dựng được thương hiệu; bà con trồng cam vẫn loay hoay tự tìm đầu ra cho sản phẩm.
Minh Thành là xã phía Tây của huyện Yên Thành (Nghệ An) - nơi có truyền thống trồng cam từ lâu đời; các vùng đồi Khe Nước, động Lầy Su… có nhiều vườn cam phát triển tốt. Gia đình anh Phan Viết Sáng và chị Nguyễn Thị Lương ở xóm 8 trồng tổng cộng 400 gốc cam, trong đó có 110 gốc trồng năm vừa rồi.
Chị Lương cho biết: “Hiện tại, mới chỉ có 150 gốc cho quả. Năm vừa rồi, nhà bán được 80 triệu đồng, trừ chi phí, thu lãi ròng 60 triệu đồng. Trên đất ni chưa có cây chi cho thu hoạch cao như cây cam”. Còn trang trại anh Tô Viết Sáu và Nguyễn Đình Thành, xóm 10, là một trong những mô hình thụ hưởng dự án “Cạnh tranh nông nghiệp” năm 2011 - 2013 của tỉnh.
Hai anh đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để kiến thiết cơ bản. Hiện tại, trang trại đã có vài nghìn gốc cam từ 1 đến 6 tuổi. Anh Thành chia sẻ: “Vụ cam 2013 có một số lô đã cho quả bói lứa đầu tiên, thu hoạch được 8 tạ quả. Năm nay, dự kiến sẽ được 7 đến 8 tấn quả; với giá bình quân 30 ngàn đồng bán tại gốc sẽ thu về trên 200 triệu đồng. Dự kiến 3 năm nữa, trang trại này thu về trên 1 tỷ đồng”.
Ở xã Đồng Thành, ngoài các trang trại của người dân còn có mô hình doanh nghiệp đầu tư trồng cam phát triển khá hiệu quả. Điển hình là Công ty cổ phần Sao Mai do ông Trịnh Xuân Giáo làm chủ. Ông Giáo cho biết: “Từ năm 2004, doanh nghiệp đầu tư vào vùng Đồng Trung, xã Đồng Thành, đến nay tổng diện tích đạt 23ha.
Giống cam được trồng là giống Xã Đoài, quả to, mỏng vỏ, ngọt và ít hạt. Năm 2013, doanh nghiệp đã bán 400 tấn, thu về 12 tỷ đồng. Năm nay dự kiến thu hoạch khoảng 500 tấn, ước tính thu về 15 tỷ đồng.”
Hiện nay phong trào trồng cam không chỉ phát triển mạnh ở các xã Minh Thành và Đồng Thành mà lan rộng nhiều xã trong huyện như Lý Thành, Mã Thành, Xuân Thành... Ngoài 18 hộ trồng được 100 ha tập trung, toàn huyện có gần 200 ha tính cả trồng phân tán.
Cây cam đang phát triển mạnh và có tiềm năng lớn trên địa bàn huyện. Đến mùa thu hoạch, lái buôn đến tận địa bàn để thu mua, tuy nhiên khi được hỏi tên cam thì người bán cam vẫn lúng túng chào mời là cam Xã Đoài, cam Vinh, hoặc cam Minh Thành… mà chưa có được một thương hiệu chung cho cây cam trên đất Yên Thành.
Để xây dựng được thương hiệu cho một sản phẩm hàng hóa cần đạt được những tiêu chí bắt buộc về số lượng, chất lượng, mẫu mã và định vị thương hiệu. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, đúng là vấn đề chất lượng cam Yên Thành mới chỉ “chạm” chuẩn.
Khi nghiệm thu “Dự án phục tráng cam Minh Thành năm 2007”, Hội đồng nghiệm thu lúc đó có đại diện Bộ KH & CN, Sở NN & PTNT và lãnh đạo tỉnh đã đánh giá: Về độ ngọt và vị thơm của cam Minh Thành không thua cam Xã Đoài, nhưng cam Minh Thành còn tồn tại nhược điểm là nhiều hạt.
Theo ông Trần Hữu Bình, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp Trịnh Xuân Giáo thì: “Hiện nay về chế độ chăm bón, trừ trang trại lớn và các hộ làm vườn có kinh nghiệm đã chăm sóc đúng kỹ thuật, còn không ít trường hợp vẫn thực hiện chưa khoa học.
Khi bón phân cần nghiên cứu kỹ loại đất trồng để biết đất thiếu hay thừa những yếu tố gì để điều chỉnh phân bón, chứ không thể dùng phân vi sinh và phân tổng hợp NPK đã chế biến sẵn. Mặt khác, trong thời gian kiến thiết cơ bản, cây cam cần được cắt tỉa và tạo hình đúng kỹ thuật. Tất cả những yếu tố trên quyết định rất nhiều về chất lượng của cam”.
Để đảm bảo chất lượng cam cần chú trọng vào 2 yếu tố căn bản là giống và kỹ thuật chăm sóc. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn văn Huệ, cán bộ khuyến nông huyện Yên Thành cho biết: “Qua khảo sát, trong số 170 ha cam toàn huyện đang trồng, bà con thường tự liên hệ và nhập giống ở các nguồn tư thương về trồng.
Điển hình là giống cam Vân Du (nhập từ Hà Nội), V2 (nhập từ Nghĩa Đàn)… không phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết của địa phương, dẫn đến phát triển chậm, năng suất thấp và chất lượng kém. Nghiên cứu trên địa bàn huyện hiện nay, 2 giống cam đang được bà con đánh giá cao là cam Sành (trồng nhiều ở Minh Thành) và Xã Đoài (trồng nhiều ở Đồng Thành). Hiện tại, Trạm Khuyến nông huyện đang khuyến cáo bà con dùng 2 giống này”. Mặt khác, sản lượng cam của Yên Thành đang rất hạn chế, mỗi năm chỉ mới xuất bán từ 2 đến 3 nghìn tấn quả.
Vì vậy, muốn xây dựng được thương hiệu riêng cho cam Yên Thành thì còn cần phải mở rộng vùng cam lên gấp đôi, gấp ba so với hiện nay. Theo khảo sát, cam Yên Thành không chỉ phát triển ở vùng đồi mà còn có thể trồng trong vườn ở các xã vùng đồng bằng như Vĩnh Thành, Long Thành, Khánh Thành, Nam Thành nên khả năng mở rộng diện tích rất lớn.
Cam là loại cây có thời gian kiến thiết cơ bản khá lâu và cần trường vốn. Quá trình từ làm đất tới khi cho thu hoạch gần 5 năm, trung bình 1ha cam phải đầu tư khoảng 250 triệu đồng (chưa tính tiền đất). Nhưng hiện nay, theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số người dân thiếu vốn đầu tư.
Anh Nguyễn Khắc Sơn - Bí thư Đoàn xã Đồng Thành phản ánh: “Đầu năm 2014, xã đã lập dự án cho 8 hộ sản xuất cam. Tuy nhiên, khi các hộ trên tiếp cận vốn ở ngân hàng chính sách thì được trả lời rằng ngân hàng vẫn chưa có nguồn vốn cho dự án”. Ngoài ra, một yếu tố cần chú ý khi xây dựng thương hiệu là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong cam.
Như vậy, để cây cam đứng vững trên đất Yên Thành, trở thành cây chủ lực giúp người dân phát triển kinh tế, ngoài việc hướng dẫn người dân trong chăm bón, đầu tư, các cấp ngành, chính quyền địa phương cần có định hướng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu hoàn toàn tự túc lúa gạo vào năm 2020, Reuters trích dẫn nguồn tin địa phương cho biết.
Thương vụ Việt Nam tại Ma-rốc cho biết gần đây, báo kinh tế LES ÉCO của Ma-rốc đăng tải bài viết có nhan đề “Nhập khẩu cá Basa: Mối nguy hiểm cho các món ăn của chúng ta”.
Ngày 29/9, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải; Phó Bí thư Tỉnh uỷ Cà Mau Phạm Bạch Ðằng;
Ngày 29/9/2015, tại hộ anh Trần Văn Phòng, thôn Liễu Dinh, xã Trường Thọ, huyện An Lão (Hải Phòng), Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hải Phòng tổ chức hội nghị tổng kết mô hình nuôi lươn đồng trong bể xi măng không bùn.
Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính năm 2015 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Hàm Yên thực hiện tại thôn Đồng Chùa 1 và Chợ Bợ 1, xã Bình Xa (Hàm Yên) bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao.