Phụng Hiệp (Hậu Giang) Triển Vọng Mô Hình Bơm Nước Tập Trung
Để phát huy vai trò hệ thống đê bao vùng mía nguyên liệu đang được triển khai tại huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), hiện Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đang thực hiện thí điểm mô hình vuông bơm tập trung tại xã Hiệp Hưng. Tuy mới triển khai, nhưng mô hình đã được ngành chức năng và người dân địa phương đánh giá cao về tính hiệu quả và hứa hẹn nhiều triển vọng trong việc giảm áp lực mía chạy lũ, nâng cao thu nhập cho người dân.
Huyện Phụng Hiệp là vùng trồng mía nguyên liệu trọng điểm của tỉnh, chiếm hơn 2/3 diện tích mía toàn tỉnh. Nhưng do địa hình trũng thấp nên hàng năm, nông dân ở đây phải lo thu hoạch mía chạy lũ mỗi khi mùa nước nổi đổ về. Đây cũng chính là lý do khiến nông dân không thể áp dụng một số giải pháp để hạ giá thành sản xuất, điển hình là mô hình trồng mía lưu gốc. Ngoài ra, một số hộ còn tận dụng mặt liếp trồng lại vụ lúa cũng không mấy hiệu quả.
Để tránh tình trạng phải thu hoạch mía chạy lũ, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư xây dựng hệ thống đê bao khép kín 5.000ha nhằm bảo vệ vùng nguyên liệu mía ở huyện Phụng Hiệp. Đây được coi là giải pháp căn cơ giúp nông dân tránh tình trạng phải thu hoạch mía quá sớm khi chưa đủ chữ đường và giảm áp lực ép mía chạy lũ cho các nhà máy đường.
Tuy nhiên, khi một số khu vực thuộc dự án đê bao đã hoàn thành, thì việc vận động người dân bơm nước nhằm kéo giãn thời gian thu hoạch mía để vừa đảm bảo năng suất, chữ đường, vừa tránh tình trạng thu hoạch mía chạy lũ lại gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do người trồng mía chưa thấy được hiệu quả từ việc bơm nước tập trung nên còn e dè.
Để phát huy vai trò hệ thống đê bao vùng mía nguyên liệu đang được triển khai tại huyện Phụng Hiệp, vụ mía năm nay, Casuco tiến hành triển khai thí điểm mô hình vuông bơm tập trung tại xã Hiệp Hưng.
Thực hiện mô hình này, Casuco sẽ hỗ trợ 100% chi phí bơm tát cho bà con. Nhưng cái khó lúc này là do đây là cách làm mới nên công ty và địa phương bước đầu gặp khó trong công tác vận động người dân tham gia. Do đó, chỉ thực hiện được 28ha mía tại ấp Quyết Thắng, với 18 hộ dân tham gia.
Ông Võ Quân Vũ, Phó Giám đốc Bộ phận Khuyến nông Casuco, cho biết: Triển khai mô hình này, Casuco mong muốn ngành chức năng có sự đánh giá chính xác và người dân thấy được những lợi ích từ việc thu hoạch mía rải vụ, đó là: năng suất và chữ đường sẽ tăng do đốn mía đúng độ tuổi; chủ động lịch thời vụ; giảm áp lực nhân công; áp lực tiêu thụ mía cho nhà máy.
Ngoài ra, bà con nông dân có thể tận dụng những ngọn mía còn tốt để trồng lại vụ sau, giảm chi phí mua hom giống; nhất là có thể áp dụng việc trồng mía lưu gốc, giảm giá thành sản xuất…
Theo đó, năm nay Casuco đã tiến hành bơm tát trong vuông bơm khoảng đầu tháng 10 và kéo dài đến khi bà con xuống giống dứt điểm của niên vụ mới. Từ khi triển khai mô hình đến nay, tất cả nông dân trong khu vực vuông bơm rất đồng tình và đánh giá cao kết quả bước đầu của mô hình đem lại.
Anh Phan Minh Tơ có 7 công mía nằm trong vuông bơm, chia sẻ: “Mọi năm, vào thời điểm này, người dân nơi đây phải chạy đôn chạy đáo kiếm thương lái và nhân công để thu hoạch mía vì nước lũ đã ngập khỏi liếp. Nhưng năm nay chuyện này không còn, bởi đã có hệ thống đê bao kiên cố cộng với máy bơm nước của Casuco túc trực liên tục nên không có chuyện mía ngập lũ nữa”.
Cũng theo anh Tơ, ngoài việc không còn áp lực mía ngập lũ, bà con trong vuông bơm còn thu hoạch mía trên nền liếp khô ráo nên giảm chi phí thuê nhân công, hạn chế thất thoát mía khi thu hoạch trong điều kiện bị ngập lũ. Đặc biệt, giá thu mua cũng cao hơn 10 đồng/kg so với những hộ bên ngoài, vì mía trong vuông bơm không bị ngập nên chữ đường cao.
Người trồng mía còn chủ động được thời gian thu hoạch, không bị thương lái ép giá khi phải đốn dồn dập chạy lũ. Trường hợp, giá mía thấp có thể neo lại mà năng suất, chữ đường vẫn được tăng thêm. Bình quân nếu kéo dài thêm một tháng mới thu hoạch thì năng suất có thể tăng thêm từ 1,5 - 2 tấn/công mía.
Bên cạnh giảm áp lực thu hoạch mía chạy lũ, việc có vuông bơm kiên cố còn là điều kiện thuận lợi để người dân có thể trồng mía lưu gốc nhằm giảm giá thành sản xuất. Bởi, theo người dân, ưu điểm của trồng mía lưu gốc là chỉ tốn nhiều chi phí ở vụ đầu, còn những vụ sau đầu tư rất ít vì không phải tốn tiền mua hom giống, công đào hộc và các chi phí khác. Chi phí đầu tư cho vụ mía lưu gốc chỉ bằng 70% của vụ mía tơ. Ngoài ra, bà con không bị đọng trong khâu mía hom, khan hiếm công đào hộc khi trồng đồng loạt.
Ông Phạm Văn Nha, có gần 1ha mía trong vuông bơm, cho hay: “Để trồng lại 1ha mía, nông dân phải mua từ 1 - 1,6 tấn mía giống, giá dao động ở mức 1,5 - 1,6 triệu đồng/tấn. Rồi phải mướn người đào hộc, chặt hom, mang đi trồng. Như vậy, nông dân phải tốn từ 4 - 5 triệu đồng để trồng lại 1ha mía mới. Quả là một số tiền không nhỏ, trong khi thu nhập từ cây mía ngày càng teo tóp. Trước sự tốn kém từ việc trồng mía lại như thế, vụ mía tới, gia đình dự kiến trồng lưu gốc thử vài công, nếu thành công sẽ áp dụng ra toàn bộ diện tích”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng Huỳnh Văn Ly cho rằng: Hiện nay, tuy chưa có kết quả đánh giá cụ thể về hiệu quả của mô hình mang lại, nhưng bước đầu địa phương đánh giá cao việc Casuco thí điểm mô hình trên địa bàn xã, đã giúp người dân nhận thấy lợi ích khi tham gia vào vuông bơm.
Dự kiến, trong niên vụ mía tới địa phương sẽ nhân rộng ra khoảng 200ha. Tuy nhiên, khó khăn của mô hình hiện nay là bà con còn e ngại vấn đề về giá thu mua mía giữa người bán trước và sau có sự chênh lệch, thường người bán sớm giá cao hơn bán muộn.
Do đó, địa phương đề nghị Casuco có thể xem xét đưa ra mức giá bao tiêu cho bà con trong vuông bơm, cũng như đưa ra thời gian tháng nào thu hoạch cụ thể để người dân có kế hoạch sản xuất. Ngoài ra, tiếp tục hỗ trợ tiền dầu để địa phương thuận lợi trong công tác vận động người dân nhân rộng mô hình…
Hiện nay, trong tổng số 28ha mía trong vuông bơm, đã được người dân thu hoạch hơn 10ha, diện tích còn lại dự kiến thu hoạch dứt điểm trong tháng 11 tới. Những diện tích đã thu hoạch xong, người dân dọn lại liếp để chuẩn bị xuống giống cho niên vụ mía mới. Theo đó, năm nay diện tích trong vuông bơm sẽ xuống giống sớm hơn cùng kỳ khoảng 2 tháng, từ đó, thời gian sinh trưởng của cây mía sẽ dài hơn, đến khi thu hoạch đảm bảo đạt tối đa năng suất và chữ đường.
Có thể bạn quan tâm
Từ nguồn vốn khoa học công nghệ huyện năm 2014, Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề tài “Thử nghiệm nuôi cá chạch bùn thương phẩm” tại 2 hộ dân ở tổ dân phố 2 và tổ dân phố 10, thị trấn Mađaguôi.
Giai đoạn 2012 - 2014, cùng với sự tự vươn lên của hội viên, Hội Nông dân huyện Quế Sơn đã phối hợp tổ chức 172 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho 15.280 lượt hội viên; phối hợp mở 24 lớp dạy nghề nông nghiệp, thú y, sản xuất phân hữu cơ vi sinh.
Các thương lái đến tận các làng cá thuộc phường Tân Mai, Tam Hiệp, Thống Nhất… để thu mua với giá 70.000-120.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng so với năm ngoái. Nhìn chung, đợt cá lăng lần này phát triển tốt và đạt năng suất cao, bình quân mỗi bè lãi từ 500 triệu đến vài tỉ đồng.
Vài năm trở lại đây nhiều hộ dân trên địa bàn TX Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã tranh thủ tận dụng diện tích mặt nước trên hồ thủy điện Đăk R’Tích để phát triển nghề nuôi cá lồng. Hiện giá cá diêu hồng và cá lăng nuôi chủ lực tại đây đang ở mức cao…
Với ưu điểm tốn ít vốn, khả năng thích nghi tốt, ít bệnh tật, ít tốn công chăm sóc và dễ mua, dễ bán, mô hình nuôi dê nhốt chuồng đang dần trở thành cứu cánh của những hộ nghèo không có đất hoặc ít đất sản xuất nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân vùng ven biển ổn định cuộc sống.