Đậu Đỏ Mất Mùa, Người Trồng Ngó Lơ
Đậu đỏ (có nơi gọi đậu gạo) trước đây trồng phổ biến ở các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân (Phú Yên). Thế nhưng do ảnh hưởng khí hậu nên loại cây trồng này liên tiếp bị mất mùa, bây giờ ở nhiều nơi không còn bóng dáng cây đậu đỏ.
Suốt một ngày, vợ chồng ông Ma Lang ở xã Ea Ba (Sông Hinh) lui cui đập cho nẻ trái, dồn lại nhưng không được nửa thúng hạt đậu đỏ. Ma Lang buồn bã nói: “Năm nay đậu đỏ dây nhiều mà trái ít. Trồng 2 sào đậu nhưng thu hoạch khoảng 50kg hạt”. Cũng theo Ma Lang, mấy năm nay đậu đỏ khi thời điểm chuẩn bị ra hoa thì trời không mưa, ban đêm thì lạnh, khiến đọt đậu xoăn lại, không ra hoa.
Còn bà Hờ Leng ở xã Ea Trol (Sông Hinh) cho biết, không như các năm trước, 1 sào đậu đỏ (1.000m2) có thể thu gần 1 tạ hạt, còn nay cũng 1 sào đậu đó nhưng chỉ thu được khoảng 10kg, đủ hấp cơm cho các thành viên trong gia đình ăn trong vài ngày.
Theo nhiều nông dân ở các huyện miền núi, đậu đỏ dễ trồng, không kén đất vì vậy đậu được trồng trên các vùng gò đồi. Tháng 7, 8 (âm lịch), khi trời mưa, nông dân tiến hành làm đất, xuống giống, đậu tự vươn lên mà không tốn công chăm sóc, làm cỏ và khoảng tháng 2 năm sau là thu hoạch. Ngoài ra, đậu đỏ còn là cây trồng lấp khoảng trống ở những vùng đất trồng sắn bị chết, không thể trồng dặm.
Ông Trương Văn Dũng ở xã Xuân Phước (Đồng Xuân) cho hay: “Là thân dây leo nên khi cây sắn chết do nắng hạn thì có thể đem đậu đỏ trỉa vào, dây mọc lên quấn vào các thân cây bụi, trái càng sai hơn là trồng ở nơi đất trống. Năm nay nắng hạn kéo dài, sắn chết nhiều nhưng nhiều người tìm không ra giống đậu đỏ để trỉa những khoảnh đất trống”.
Tuy nhiên, do năng suất giảm mạnh khiến nhiều người không còn mặn mà với loại cây trồng này, vì vậy diện tích ngày càng thu hẹp. Theo thống kê của Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, năm 2014 toàn huyện trồng 1.065ha đậu đỏ, năng suất đạt 4 tạ/ha, giảm gần một nửa về diện tích và sản lượng so với cách đây 4 năm. Còn tại huyện Sông Hinh, năm 2010 địa phương này có 2.500ha đậu đỏ, còn nay chưa đến 1.000ha.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Phước, trước đây đậu đỏ được trồng rất nhiều ở vùng đồi núi, nhưng nay nông dân trong xã không còn trồng nữa. Còn ông Nguyễn Văn Bình, Phó phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết, hiện chỉ còn vài hộ ở xã Phú Mỡ giữ giống đậu đỏ để trồng, 10 xã và thị trấn còn lại của huyện không ai trồng loại đậu này nữa.
Đậu đỏ là thức ăn giàu protein cho người, gia súc, đồng thời là cây phân xanh phủ đất, rất tốt đối với vùng đất đồi núi. Hạt đậu đỏ có giá trị dinh dưỡng cao, có dược tính chữa viêm gan, vàng da, lợi tiểu, tiêu độc, kháng khuẩn và ngăn ngừa ung thư...
Có thể bạn quan tâm
“Mấy chú xuống trễ quá, phải cách đây 2 ngày là vui lắm, anh em mới thịt một con heo ăn mừng vụ mùa thành công”, ông Nguyễn Minh Phối, Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) nuôi cua thương phẩm 2/9, ấp Kinh Lớn, xã Đông Thới, huyện Cái Nước (Cà Mau), nhanh miệng khoe khi chúng tôi vừa đến thăm.
Xã Nhị Mỹ (Cai Lậy, Tiền Giang) hiện mở rộng diện tích sản xuất cá giống lên gần 130 ha mặt nước với sản lượng mỗi năm khoảng 100 triệu con cá giống các loại cung ứng thị trường. Các loại cá giống được sản xuất đại trà tại địa phương gồm tai tượng, trê lai, phi dòng gifl, điêu hồng...
Gần mười ngày nay, cá dìa con xuất hiện nhiều tại vùng dừa ngập mặn xã Cẩm Thanh, TP. Hội An (Quảng Nam). Người dân làng chài Cẩm Thanh cho biết, mỗi ngày họ có thể bắt khoảng một kg cá dìa con (tương đương 1.000 con).
Phong trào nuôi trăn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển rầm rộ từ năm 1980, nhưng đến năm 1990 thì giá trăn trở nên bấp bênh do xuất khẩu không được thuận buồm xuôi gió, khiến cho nhiều hộ nuôi lao đao, thua lỗ, thậm chí có người còn mang trăn con vào rừng thả bỏ.
Vài năm gần đây, cây quế Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã lấy lại được thế đứng và trở thành một trong 10 đặc sản nổi tiếng của Việt Nam. Đây là tín hiệu vui để cây quế Trà Bồng phát triển, khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui ấy là nỗi lo thiếu nguyên liệu.