Nông Dân Sáng Kiến Chăn Nuôi Nuôi Heo, Gà Độc Đáo
Trong bối cảnh người chăn nuôi điêu đứng vì dịch bệnh, giá bán thấp, thua lỗ triền miên thì ở nhiều địa phương xuất hiện một số mô hình chăn nuôi mới cho năng suất, hiệu quả cao.
Mô hình nuôi heo không tắm và nuôi gà không mùi hôi đang được một số hộ dân phía Nam áp dụng và đem lại hiệu quả bất ngờ!
HEO KHÔNG TẮM
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hội, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre cho biết, khó có thể tin được nuôi heo không cần tắm vẫn phát triển tốt, ít bị bệnh. Trại heo của anh Cao Minh Khải mặc dù ở gần trụ sở UBND xã, nhưng đặc biệt không có mùi, không ô nhiễm môi trường. Anh Khải là người đầu tiên ở xã ứng dụng chế phẩm đệm lót sinh học trong nuôi heo, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tới đây chính quyền tiếp tục tuyên truyền, tập huấn cho nông dân áp dụng mô hình này.
Anh Khải cho biết, đệm lót sinh học là một chế phẩm sinh học mới, được tạo ra bằng cách trộn hỗn hợp men vi sinh với trấu và mụn dừa, tạo một lớp nền dày trong chuồng, trại để chăn nuôi. Ngoài việc khử mùi hôi, tấm đệm lót này còn có thể chuyển hóa phân và tạo ra những vi khuẩn có lợi giúp vật nuôi khỏe mạnh. Đặc biệt, người nuôi heo chỉ cần thả heo vào nuôi và chỉ việc cho ăn, chờ heo lớn xuất chuồng, không phải vất vả tắm xả, giữ vệ sinh chuồng như cách nuôi truyền thống.
Trên 10 năm trước, anh Khải đã từng nuôi heo, ứng dụng xây dựng hầm biogas, tuy nhiên chuồng trại vẫn bị mùi hôi, tốn nhân công. Suốt ngày cứ lo tắm cho 500 con heo, xịt rửa chuồng, vừa tốn nước, vừa tốn điện, chưa kể mỗi khi heo bị bệnh là cả nhà lo mất ăn mất ngủ.
Tình cờ trong một lần xem truyền hình, anh thấy PGS.TS Nguyễn Khắc Tuấn, giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội hướng dẫn người chăn nuôi heo ở các tỉnh phía Bắc ứng dụng chế phẩm lót sàn sinh học, hiệu quả kinh tế rất cao. Sau lần đó anh lặn lội tìm kiếm nhà cung cấp loại men vi sinh trên để về áp dụng cho trại của mình. Lúc đầu anh xây 2 chuồng, mỗi chuồng 20 m2 và thả 50 con heo con để nuôi thử.
Anh thấy heo hoàn toàn khỏe mạnh, mau lớn, lông bóng mượt, con nào con nấy nhung nhúc thịt. Lứa heo đầu tiên không phải tốn một đồng thuốc thú y nào. Lúc đầu anh cứ nghĩ: “Con heo thải ra rồi, dù có thuốc thần tiên nào cũng không tránh khỏi tình trạng dơ bẩn, hôi thối, làm chúng khó chịu. Nhưng không biết nó chuyển hóa thế nào mà con heo ngoài ăn cám thì suốt ngày cứ chúi mũi xuống nền chuồng tiếp tục rà ăn”.
Hàng xóm cũng bớt phiền hà khi ở quanh một trại chăn nuôi lớn của anh Khải, bởi loại men vi sinh này có tác dụng khử ngay mùi hôi nước tiểu và phân thải của heo.
Anh Khải chia sẻ: “Tôi đang dùng men vi sinh dạng nước, loại 60.000 đ/lít, hòa nước tưới lên mụn dừa trộn với trấu, rồi ủ 2 - 3 ngày, chỉ việc cho heo vào nuôi, cho thức ăn, uống nước và chờ xuất chuồng. Tính ra tôi giảm được khoảng 25% chi phí so với cách nuôi trước đây. Nếu giá heo thấp như hiện nay từ 35.000 - 37.000 đ/kg, thì mỗi con tôi vẫn lời được 500.000 đ. Điều quan trọng nhất là không xả nước thải, không ô nhiễm môi trường.
Sử dụng chế phẩm sinh học, trong nuôi heo thực sự rất hữu hiệu, bởi vì đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi và rất hiệu quả trong việc phòng chống các dịch bệnh có hại trên đàn heo. Khi heo ăn men vi sinh từ đệm lót sẽ mang lại nhiều lợi ích do men vi sinh giúp cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột, giúp tiêu hóa tốt; giảm tỉ lệ các vi sinh vật gây bệnh, làm tăng khả năng hấp thụ axít amin. Từ đó cho chất lượng thịt nạc cao hơn, rất phù hợp SX heo sạch”.
Từ thành công ban đầu của anh Khải, những hộ dân ở các khu vực lân cận bắt đầu tìm đến học tập mô hình mới này.
GÀ KHÔNG MÙI HÔI
Chia tay Mỏ Cày Nam, chúng tôi ngược về Mỏ Cày Bắc để tham quan một số trại nuôi gà, sử dụng đệm lót sinh học; tiêu biểu là trại của ông Trần Văn Tiều (Tám Tiều) ở ấp Phú Bình, xã Phú Mỹ áp dụng rất hiệu quả.
Ông Tiều là một trong những người đi tiên phong ứng dụng chế phẩm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà. “Trước đây gia đình tôi cũng nuôi gà theo cách truyền thống. Số lượng đàn không nhiều, bởi vì hay bị dịch bệnh, lại có mùi hôi thối, hàng xóm phàn nàn nhiều.
Cách đây gần 1 năm, tôi có thằng cháu học Trường ĐH Nông lâm TPHCM cho biết chế phẩm sinh học trong chăn nuôi, tôi nhờ nó mua cho mấy kg chế phẩm về tự mày mò áp dụng cho trại gà của nhà. Kết quả ngoài sự mong đợi của mình, gà lớn nhanh, chuồng trại không có mùi hôi, xuất bán được giá. Từ thành công ban đầu, tôi mạnh dạn đầu tư tăng số lượng đàn, lúc cao điểm lên tới 6.000 con”, ông Tiều chia sẻ.
Cùng suy nghĩ với ông Tiều, ông Dương Văn Tánh ở ấp Kinh Gãy, xã Phú Mỹ cho biết, trước đây gia đình ông cũng nuôi gà theo kiểu truyền thống. Tháng 9/2012 ông chuyển qua áp dụng chế phẩm sinh học. Suốt trong thời gian nuôi, gà không bị bệnh, trại nằm sát với nhà ở nhưng không bị hôi thối.
Trước đây nuôi theo cách nuôi truyền thống, mới vào tới đầu ngõ là ngửi thấy mùi hôi, chịu không nổi. Nuôi theo phương pháp này, gà có bộ lông rất mượt, bán được giá rất cao. Riêng Tết Quý Tỵ ông bán được 1.000 con, bình quân 2 kg/con với giá 105.000 đ/kg, tổng doanh thu được 200 triệu, trừ chi phí lãi ròng hơn 100 triệu.
Ông Trần Văn Đẹp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Mỹ cho biết, hầu hết người dân ở đây nhà nào cũng nuôi gà, nhưng nuôi tập trung ở ấp Phú Thạnh và ấp Phú Bình. Vừa qua, Hội Nông dân xã kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện tập huấn quy trình kỹ thuật, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà.
"Qua quá trình nuôi thử nghiệm, kết quả rất khả quan, ngoài việc chuồng trại không có mùi hôi, con gà nuôi bởi mô hình này tăng trọng nhanh hơn cách nuôi truyền thống và lông rất mượt, bán được giá hơn khoảng 5% so với trước. Tới nay cả xã có 120 hộ nuôi gà, thì có khoảng 100 hộ ứng dụng tấm lót sàn bằng chế phẩm sinh học mang lại hiệu quả kinh tế rất cao", ông Đẹp chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
UBND huyện Thoại Sơn (An Giang) đang phối hợp triển khai dự án đầu tư xây dựng “Chuyển đổi cơ cấu lúa – tôm” tại xã Phú Thuận. Dự án có diện tích quy hoạch dự kiến 502 héc-ta, gồm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, vốn đầu tư 37 tỷ đồng. Mục tiêu dự án nhằm chủ động tạo nguồn nguyên liệu thủy sản phục vụ tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Không riêng gì các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà ngay cả xứ dừa Bến Tre trong thời gian gần đây bỗng rộ lên phong trào nuôi đuông dừa bán cho các nhà hàng, quán ăn.
Chôm chôm vụ thuận thường bị dội chợ, rớt giá nên những năm gần đây nông dân thuộc các huyện Cái Bè, Cai Lậy (Tiền Giang) đã áp dụng khoa học - kỹ thuật xử lý chôm chôm ra trái vụ nghịch. Chính nhờ vậy, nông dân trồng chôm chôm ngày càng khấm khá hơn với lợi nhuận mỗi năm đạt từ 150 - 300 triệu đồng/ha.
Tập trung lực lượng tài công, anh em bạn ghe giàu kinh nghiệm, các chủ tàu đánh bắt hải sản xa bờ ở Vũng Tàu, Long Hải, Phước Tỉnh đã tổ chức nhiều chuyến khai thác ngư trường vùng biển Trường Sa.
Người dân vùng ngọt Cà Mau từ trước đến nay trải qua nhiều thăng trầm với con cá bổi. Cũng có người thu về tiền tỷ và cũng có người phải lâm nợ từ vật nuôi này.