Nông Dân Ngoại Giúp Nội
Trung tuần tháng 1-2014, có 4 nông dân Hà Lan, những chủ trại bò sữa cùng với ông Rinze Fokkema, giảng viên trường nông nghiệp vùng Friesland, phía Bắc Hà Lan đến Củ Chi TPHCM thực hiện vai trò “nông dân giúp nông dân”.
Đây là 4 trong số 15 chủ trại bò sữa xuất sắc được Tập đoàn FrieslandCampina và Tổ chức Phát triển nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) tuyển chọn trong chương trình hợp tác 2 bên nhằm đưa những chủ trại với hàng chục năm kinh nghiệm đến giúp các hộ nuôi bò sữa ở những địa phương ở Việt Nam như TPHCM có thể khai thác tối đa tiềm năng đàn bò sữa đang nuôi. Chương trình bao gồm tập huấn kỹ thuật, tư vấn khuyến nông, chăm sóc vật nuôi, ứng dụng những kinh nghiệm nhằm củng cố kiến thức chăn nuôi, nâng cao năng suất bò sữa các nông hộ nuôi.
Sau 1 ngày đến trực tiếp các hộ nuôi bò sữa, giao lưu, tìm hiểu và quan sát các thao tác chăm sóc ở 2 hộ nuôi bò sữa ở xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Hôm sau, 30 hộ nuôi bò sữa các xã Tân Phú Trung, Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông… tập hợp lại để chủ trang trại Wim Van Ittersum ở Masterbrock và chủ trang trại Herman Bakhuis ở Daarle trao đổi 6 tiêu chí quan trọng nhất: Thức ăn và nước uống, nuôi bê, sinh sản, vắt sữa, chăm sóc móng và chuồng trại cùng sân chơi.
Với thang điểm cao nhất là 5, đoàn nông dân Hà Lan đã có những nhận xét cụ thể: Nước cho bò là tốt. Thời điểm cho bò ăn hàng ngày hợp lý, nhưng thay vì cho bò ăn cám trước khi ăn cỏ thì nên làm ngược lại. Do để cỏ voi quá cao mới cắt làm chất lượng giảm xuống. Với cám, nên tìm loại có độ đạm cao hơn.
Theo ông Wim Van Ittersum, 35kg/bò/ngày là chưa đủ nhu cầu. Ăn thêm xác mì chỉ giúp bò “no bụng” chứ không đủ nguồn đạm cần thiết. Hèm bia là cách bổ sung đạm cho bò. Với những con bò cho sản lượng sữa cao cần có khẩu phần ăn phù hợp hơn. Ở Hà Lan, trong máng luôn có cỏ 24/24 giờ và thêm cám có đạm cao hơn. Vì vậy, phần này chỉ đạt điểm 3.
Về sinh sản (4 điểm), ông Harman Bakhuis cho rằng, cần giảm khoảng cách giữa 2 lứa đẻ xuống 400 ngày thay vì 480 - 500 ngày để nâng hiệu quả kinh tế. Việc sinh sản bò có tốt hay không phụ thuộc vào nguồn dinh dưỡng.
Vì vậy phải chăm sóc bò khỏe mới phối giống để tỷ lệ đậu thai cao hơn. Theo ông Wim Van Ittersum, khi bò “hạnh phúc” người nuôi mới “hạnh phúc”. Việc phát hiện khi nào bò “vui” hay “buồn” rất quan trọng. Cần sớm và biết cách phát hiện để điều chỉnh kịp thời giúp bò sữa “vui khỏe” sẽ cho năng suất sữa nhiều hơn, chất lượng cao hơn, đậu thai dễ hơn.
Tiêu chí đạt điểm thấp nhất (2 điểm) là khâu vắt sữa. Dù sử dụng thiết bị máy móc, vệ sinh bình và máy vắt sữa tốt, nhưng phần ống hút sữa bằng cao su, dù bên ngoài có vệ sinh, tuy nhiên khi cắt ra, bên trong đã hư hỏng và bị dính bẩn. Đây là ổ vi khuẩn làm tăng nguy cơ bệnh viêm vú bò.
Trong 6 tiêu chí, người nuôi bò sữa huyện Củ Chi được đánh giá cao và đạt điểm 5 ở 3 tiêu chí: Chăm sóc móng, chuồng trại và sân chơi, đặc biệt là nuôi bê. Ông Wim Ittersum nói vui, nông dân Hà Lan còn phải “học tập” cách nuôi bê của nông dân TPHCM.
Theo ông Rinze Fokkema, chỉ cần khắc phục những khiếm khuyết trên, năng suất sữa mỗi ngày của bò sữa sẽ được tăng lên. Có thể nói, qua những đánh giá cụ thể trên sẽ giúp người nuôi tự tin hơn với nghề nuôi bò sữa vốn còn non trẻ so với Hà Lan, xứ sở của nghề nuôi và chế biến sữa lâu đời trên thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, toàn huyện có trên 120 ha diện tích nuôi tôm đang chiếm dụng lòng sông Trường Giang.
Những năm gần đây, phong trào nuôi rắn ri voi (ri tượng) phát triển mạnh ở Cà Mau và các tỉnh ÐBSCL. Giá rắn ri voi thương phẩm và rắn giống rất cao, nên nhiều bà con quan tâm và chọn nuôi loài động vật này để phát triển kinh tế. Nhiều kiểu nuôi rắn được áp dụng như: nuôi trong khạp, trong lưới, trong bể xi-măng, trong ao đất…
Bên cạnh thế mạnh về thủy sản, thời gian qua, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) còn chú trọng phát triển đàn vật nuôi, nhất là nuôi bò, nuôi dê sinh sản, giúp cải thiện cuộc sống người dân.
Vùng cực nam Trung Bộ vừa trải qua một vụ nóng hạn tồi tệ. Cuộc sống con người bị chao đảo vì thiếu nước. Những cánh đồng nứt nẻ, cây trồng héo khô. Nhiều đàn gia súc ốm o, xơ xác vì khát. Những hình ảnh này gợi lên suy nghĩ về nhu cầu khẩn thiết là nước ngọt cho chăn nuôi.
Không chỉ mất cân đối về quy hoạch giữa nguồn lương thực xuất khẩu và nguồn nguyên liệu chăn nuôi trong nước, gây những xáo trộn mà những quan sát mới nhất từ các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng, vị thế cây lúa đã qua “thời gái son”, không chỉ thị trường xuất khẩu co hẹp mà còn đang làm sụt giảm đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp...