Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Mộ Đức Thu Nhập Cao Nhờ Trồng Cà Tím

Nông Dân Mộ Đức Thu Nhập Cao Nhờ Trồng Cà Tím
Publish date: Wednesday. November 13th, 2013

Mùa mưa, trong khi nhiều nơi khác trong tỉnh Quảng Ngãi việc trồng cây rau màu gặp khó khăn do thời tiết bất lợi, thì với nhiều bà con nông dân ở các xã Đức Thạnh, Đức Minh, Đức Chánh (Mộ Đức) lại là mùa "ăn nên làm ra", nhờ trồng cà tím trên những vùng đất cát.

Ở những vùng đất cát bạc màu, tưởng chừng như việc trồng và phát triển cây rau màu là điều không thể, thế nhưng dưới bàn tay cần cù của người nông dân, tại những vùng đất ấy mùa này là bạt ngàn màu xanh của đủ loại cây hoa màu. Trong đó cây cà tím đã trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Về các xã này vào thời điểm này, đi đâu cũng dễ dàng bắt gặp những ruộng cà tím xanh tốt. Nơi thì đang trong kỳ thu hoạch, nơi đang chuẩn bị ra hoa, lại có ruộng cà tím vừa được trồng để kịp thu hoạch vào cuối năm. Ngày nào cũng vậy, trên những ruộng cà tím là cảnh thu hoạch rất nhộn nhịp, người thì hái trái, người thì rửa sạch cà để cân cho thương lái, tiếng cười nói giòn giã vì cà tím được giá.

Tranh thủ cùng gia đình thu hoạch hơn 5 sào cà tím để chiều kịp bán cho thương lái, lão nông Nguyễn Thanh Tính ở thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh hồ hởi tiếp chuyện, khi biết chúng tôi tìm hiểu về hiệu quả kinh tế của cây cà tím.

Ông Tính cho biết: Thời điểm này ruộng cà của gia đình vào giai đoạn thu hoạch rộ. Cứ 2 ngày hái 1 đợt, mỗi đợt hái khoảng trên 600kg. Với mức giá 4.500 đồng/kg, chẳng nói giấu gì, mới thu hoạch 2 đợt, nhưng tôi đã thu về hơn 10 triệu đồng từ 5 sào cà tím.

"So với các loại cây trồng khác thì cây cà tím trong những năm gần đây mang lại hiệu kinh tế rất cao bà con nông dân chúng tôi ở đây. Bình quân 1 sào cà tím, nếu thời tiết thuận lợi, thu hoạch cũng được vài tấn cà/vụ. Việc tiêu thụ cũng dễ dàng, vào mùa cà, các thương lái đem hẳn ô tô đến tận ruộng thu mua, không phải gồng gánh đi đâu cho mệt nhọc"- ông Tính cho biết.

Dạo trên những vùng trồng cà tím, chứng kiến cảnh nông dân phấn khởi, tất bật thu hoạch mà thấy vui lây. Biết cây cà tím thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng nên hàng trăm nông dân đã quyết định cải tạo hàng chục hécta đất cát bạc màu để trồng cà tím và các loại cây hoa màu trong mùa mưa. Nhà trồng ít cũng trên 2 sào, nhà nhiều 9-10 sào. Năm nay, ngần ấy diện tích, nhiều hộ nông dân rất vui mừng trước khoản tiền lớn thu được.

Gắn bó với cây cà tím hơn 4 năm nay, ông Huỳnh Thanh Bình ở thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh cho hay: Đây là loại cây rất thích hợp với vùng đất cát tại địa phương, ngoài ra cây cà cũng dễ trồng, ít công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu thấp, nhưng bán rất được giá. Thêm vào đó cây cà tím sau khi trồng khoảng 60 - 65 ngày là có thể thu hoạch lứa đầu và có thể thu hoạch liên tục nhiều lứa sau đó nếu thời tiết thuận lợi và chăm sóc tốt.

Do trồng gối đầu, nên ngày nào cây cà tím cũng mang về thu nhập tiền triệu cho gia đình ông Bình. Chỉ ruộng cà xanh tươi đang kỳ thu hoạch, ông Bình cho biết: Với 6 sào cà tím nhưng tôi trồng 2 lứa khác nhau, mỗi lứa 3 sào. Bình quân mỗi ngày gia đình tôi hái khoảng 250kg cà. Tính ra, với giá bán hiện nay, mỗi ngày tôi thu khoảng trên 1 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Thu- một thương lái đã nhiều năm thu mua cà cho biết: Năm nay bà con nông dân trồng cà tím thắng lớn, năng suất rất cao, giá cả ổn định. Thời điểm cà thu hoạch rộ, mỗi ngày chị thu mua khoảng trên 10 tấn. Ngoài việc vận chuyển đến bán ở các chợ trong tỉnh thì chị còn bán ở các tỉnh khác như: Đà Nẵng, Bình Định, Kon Tum...

Có thể nói, cây cà tím đã thật sự giúp người nông dân có nguồn thu nhập ổn định trong mùa mưa. Chia sẻ niềm vui với những người “một nắng hai sương”, chúng tôi nhớ hai câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.


Related news

Gắn phát triển kinh tế VACR, hướng đi bền vững ở Quang Bình Gắn phát triển kinh tế VACR, hướng đi bền vững ở Quang Bình

Những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng về xóa đói, giảm nghèo; huyện Quang Bình đã không ngừng nỗ lực thi đua lao động sản xuất, làm ra nhiều của cải vật chất cho gia đình, xã hội.

Tuesday. May 12th, 2015
Xã Xín Chải khó khăn nguồn nước sản xuất vụ Mùa Xã Xín Chải khó khăn nguồn nước sản xuất vụ Mùa

Là xã thuần nông, cuộc sống của người dân chủ yếu trông chờ vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Do đặc thù về điều kiện khí hậu, nên 96 ha đất trồng lúa của địa phương chỉ cấy được một vụ. Từ đầu năm đến nay, do hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất vụ Mùa của bà con xã Xín Chải (Vị Xuyên).

Tuesday. May 12th, 2015
Tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh hại lúa Tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh hại lúa

Vụ Xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy đạt 9.570 ha diện tích lúa, trong đó diện tích lúa nhiều nhất là huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần. Nhìn chung hầu hết diện tích lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt.

Tuesday. May 12th, 2015
Bắc Mê phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi Bắc Mê phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi

“Nhất nước, nhì phân...”, xác định vai trò quan trọng của việc cung cấp nguồn nước để chủ động sản xuất mùa vụ; những năm qua, huyện Bắc Mê đã tăng cường công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình thủy lợi (CTTL) sau đầu tư; đảm bảo sản xuất đúng thời vụ, chống hạn và tăng năng suất cho cây trồng.

Tuesday. May 12th, 2015
Chú trọng vai trò các HTX sản xuất nông, lâm nghiệp ở Quang Bình Chú trọng vai trò các HTX sản xuất nông, lâm nghiệp ở Quang Bình

Trong sản xuất nông, lâm nghiệp ở huyện Quang Bình; kinh tế tập thể và nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Hiện, cấp ủy, chính quyền huyện đang tích cực vận dụng các chính sách để hỗ trợ khuyến khích phát triển, mở rộng sản xuất của các HTX sao có thể khai thác được nhiều tiềm năng, thế mạnh, góp phần vào phát triển KT – XH, XĐGN, ở địa phương.

Tuesday. May 12th, 2015